| Hotline: 0983.970.780

Lập lại trật tự XK cá tra?

Thứ Hai 01/07/2013 , 10:03 (GMT+7)

Việc phải thực hiện ngay những giải pháp lớn để lấy lại giá cá tra, vị thế cá tra, đang được đặt ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Cá tra sang Mỹ tiếp tục bị mất giá, cá tra sang EU cũng ở tình trạng tương tự. Vì thế, việc phải thực hiện ngay những giải pháp lớn để lấy lại giá cá tra, vị thế cá tra, đang được đặt ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Kiểm soát lượng xuất sang Mỹ

Nhắc tới chuyện cá tra sang Mỹ tăng đột biến trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, đưa ra con số cụ thể: “Trước đây, mỗi tháng, trung bình có 17 triệu pao cá tra từ Việt Nam sang Mỹ. Nhưng trong tháng 6 này, con số đó nhảy vọt lên tới 27 triệu pao”. Lượng cá tra sang Mỹ tăng đột biến như trên là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá cá tra XK sang Mỹ vừa tăng lên một chút lại nhanh chóng giảm mạnh xuống, khi mà chỉ còn 9 công ty vẫn còn có thể XK cá tra vào Mỹ nhờ mức thuế thấp.

Trước tình hình đó, VASEP và 9 công ty đã cùng ngồi lại với nhau để cùng chấn chỉnh ngay lập tức tình trạng này. 9 DN này đã cùng thống nhất và cùng kỳ một thỏa thuận dân sự với nội dung chính là ngay từ tháng 7 sẽ cắt giảm mạnh lượng cá tra đưa sang Mỹ. Theo đó, từ mức 27 triệu pao trong tháng 6, sẽ giảm xuống còn 11 triệu pao/tháng, tức là thấp hơn cả mức bình quân 17 triệu pao/tháng trước đây.

Trong 11 triệu pao này, 2 DN lớn là Cty CP Vĩnh Hoàn và Cty Angifish được chia mỗi DN 2 triệu pao. 7 triệu pao còn lại được chia đều cho 7 DN kia, mỗi DN 1 triệu pao. VASEP là tổ chức chứng nhận thỏa thuận dân sự của 9 DN này và thông báo cho Hải quan. Căn cứ vào thỏa thuận nói trên, ngay từ đầu tháng, Hải quan sẽ thống kê lượng cá tra XK sang Mỹ của từng DN và tiến hành trừ lùi. Khi nào DN đó đã xuất đủ lượng được phân chia theo cam kết, Hải quan sẽ thông báo cho VASEP và 9 DN. Động thái này là nhằm để cho các DN tự giác thực hiện đúng cam kết về lượng cá tra XK hàng tháng sang Mỹ, không cố tình xuất nhiều hơn mức đã thống nhất với nhau. Cứ vài tháng, VASEP và 9 DN sẽ ngồi lại để nhận định tình hình thị trường cá tra ở Mỹ, qua đó có sự điều chỉnh lại lượng XK chung cũng như của riêng các DN cho phù hợp hơn.

Cách bán hàng mới vào EU

Với thị trường EU, VASEP đang bắt đầu tiếp cận một hướng đi khác cho con cá tra. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, thay vì để các DN mạnh ai nấy XK cá tra vào EU như hiện nay, VASEP đang nghiên cứu một phương án tập hợp nhiều DN XK cá tra lại với nhau, cùng thành lập một công ty chuyên đảm nhận việc XK cá tra sang EU cho tất cả các DN này...

Phương án này có gì hay so với cách bán cá tra lâu nay vào EU? Ông Dũng phân tích, trước hết, các DN sẽ giảm được nhiều chi phí, giảm được nhiều khâu trung gian. Bởi trước đây, mỗi DN tự xuất, do lượng hàng không nhiều nên chi phí vận chuyển cao. Nếu theo phương án này, khi sản phẩm cá tra của các DN đều được tập trung về một công ty, qua đó sẽ tạo ra một lượng hàng hóa lớn.

Khi ấy, công ty đó có thể thuê hẳn một tàu lớn chở thẳng hàng sang Bỉ nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển. Việc bán cá tra qua sàn đấu giá điện tử ở cảng Zeebrugge cũng sẽ loại bỏ được nhiều khâu trung gian, vì cá tra Việt Nam sẽ được mua trực tiếp bởi các hệ thống siêu thị, các nhà bán lẻ, tức là sẽ bán được cá tra tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Tạo một đầu mối đưa hàng sang Bỉ rồi đưa hàng lên sàn đấu giá điện tử cũng sẽ loại bỏ được tình trạng mất giá cá tra ở thị trường EU do các DN tự chào, tự bán, tự phá giá nhau như lâu nay... 

Còn vì sao lại chọn cảng Zeebrugge? Ông Dũng lý giải: “Từ cảng này tỏa đi các nước trong khối EU rất thuận tiện. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, hàng hóa từ Zeebrugge có thể tỏa đi tới 80% lãnh thổ EU”.

Cũng theo ông Dũng, đã có một nước rất thành công với mô hình bán hàng như trên, đó là New Zealand. Ở nước này, trái kiwi có vị trí giống như cá tra ở Việt Nam, tức là gần như ở thế độc quyền trên thế giới. Trước đây, ở New Zealand có tới 600 nhà XK kiwi. Trước tình hình đó, ngành hàng kiwi của New Zealand đã quyết định ngồi lại với nhau, cùng thành lập một công ty chuyên XK kiwi sang châu Âu, và chỉ công ty này đảm nhận công việc ấy. Công ty đó cũng thành lập một công ty con ở Zeebrugge, đưa hàng sang cảng này và bán kiwi qua sàn đấu giá điện tử. Từ đó, trái kiwi đã không còn bị mất giá trên thị trường EU.

Hiện nay, đang có một đoàn chuyên gia từ Bỉ giúp VASEP thực hiện phương án bán cá tra sang EU rất mới này. Sắp tới, đoàn chuyên gia Bỉ sẽ ra Hà Nội để thuyết trình với các bộ ngành liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương… Ông Dũng cho hay, điều quan trọng nhất là các DN cá tra có nhận ra lợi ích lớn cho cả ngành hàng của cách bán hàng rất mới này và cùng thống nhất tham gia hay không?

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.