| Hotline: 0983.970.780

Lấy đất nghĩa địa, mồ mả 'bơ vơ'

Thứ Hai 29/06/2015 , 12:05 (GMT+7)

Doanh nghiệp (DN) cho máy múc, xe tải vào lấy đất ở khu nghĩa địa bán cho dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thế nhưng không bố trí khu đất để di dời mồ mả. 

Hiện người dân không biết đưa hài cốt của người thân đi đâu.

Cầm đèn chạy trước ô tô

Về thôn Bình Hội, xã Bình Quế (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) những ngày này, chuyện DN khai thác đất ảnh hưởng đến mồ mả đang là câu chuyện nóng. Có hộ đã đồng ý nhận tiền để di chuyển, có hộ không đồng ý, phản ứng dữ dội.

Chuyện bắt đầu từ khi UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Cty TNHH Đại Việt lấy đất dư thừa tại nghĩa trang xã Bình Quế với diện tích 10 ha, số đất này bán cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Với phương châm DN khai thác đất, sau đó trả lại mặt bằng để xã Bình Quê xây dựng nghĩa trang.

Thời gian khai thác 3 năm kể từ ngày 16/4/2015, khi DN tiến hành khai thác đất gần đến mồ mả của người thân thì họ mới tóa hỏa. Có nhiều ngôi mộ máy xúc đào đất sâu 2-4m. Để bảo vệ, bà con dùng cọc cắm nhằm đánh dấu để DN khỏi múc đi.

Theo phản ánh của người dân Bình Hội, trong quá trình khai thác đất, DN đã san ủi lấp đất một số ngôi mộ. Như phần mộ của người thân ông Phạm Văn Tùng, trong quá trình DN làm đường cho xe chạy thì bị vùi lấp.

Sau khi phát hiện, DN mời thầy cúng về xác định và cất bốc. Ngoài ra, có một ngôi mộ vô chủ, DN ngang nhiên san lấp, thấy vậy bà con cắm mốc làm dấu, nhưng cũng bị xe tải đâm đổ cọc bê tông để đi qua.

08-38-57_nh-2
Người dân cắm cọc thông báo có mộ, không DN cho máy múc đi

Dẫn chúng tôi ra hiện trường, ông Nguyễn Công Lý, thôn Bình Hội bức xúc: “Đây là ngôi mộ của mẹ tui, rứa mà họ múc đất cách còn 2m. Nếu tui không cắm cọc ngăn cản thì chắc họ múc đi mất”.

Theo ông Lý, khi múc đất, họ chẳng thông báo cho người dân biết, cứ đưa máy ra đào, đến khi bà con phản ứng thì mới dừng lại.

Không riêng gì trường hợp của ông Lý, hàng loạt ngôi mộ dòng họ Triệu Tấn ở thôn Bình Hội được xây dựng bằng xi măng nhưng DN múc đất sát đến những phần mộ.

Để bảo vệ, người của họ này cắm cọc để thông báo cho DN biết đường tránh, thế nhưng họ cũng múc sát đến lăng mộ.

08-38-57_nh-4
Nhiều ngôi bị múc đất đến sát, nhưng không có chỗ để di dời

Ông Nguyễn Công Lý bộc bạch: Việc thực hiện xây dựng nghĩa trang xã bà con rất đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên trước khi lấy đất, DN hỗ trợ tiền cất bốc thì xã bố trí bãi đất để chúng tôi di dời.

“Việc di chuyển mồ mả không phải đơn giản, phải xem ngày, giờ chứ đùng một cái bắt di dời là không được. Giờ chúng tôi mất ăn, mất ngủ, bởi đất họ cứ múc, bãi di dời chưa có nên không biết làm sao”, ông Lý lo lắng.

Đằng này, chính quyền xã cũng như DN không thực hiện, họ lấy đất gần mồ mả mà không có chỗ quy tập. Nếu bà con không phát hiện kịp thời thì chắc chắn còn nhiều ngôi mộ bị múc đi, lúc đó không biết đường mà lần.

Lên quan đến việc các DN khai thác đất, dòng họ ông Lý có hơn 50 ngôi mộ phải di dời. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông báo di dời đi đâu, DN mới đưa ra mức tiền hỗ trợ cất bốc.

Đền bù 1.000 đồng/m2

Được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác đất bán cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cty TNHH Minh Tuấn, khai thác 7,1 ha đất tại khu vực Dương Đồn và Núi Chùa, thôn Bình Hội của 48 hộ dân.

Số diện tích này là đất SX, trồng cây công nghiệp, cây lâu năm và hàng trăm mồ mả nhưng DN đền bù quá thấp.

08-38-57_nh-5
Một ngôi mộ vô chủ bị xe tải dày xéo, người dân cắm cọc bê tông nhưng cũng bị húc gãy

Ông Nguyễn Công Huệ, có 7 sào đất, trong đó 3 sào SX gừng, vừng, hành tăm… còn lại trồng keo tràm, bạch đàn. Số diện tích này, DN sẽ tiến hành lấy đất, sau đó trả lại mặt bằng.

Ông Huệ chua chát: “Một sào đất trồng hành tăm mỗi năm thu 15-20 triệu đồng, giờ họ đền bù 7 sào đất hơn 30 triệu đồng. Khi DN lấy đất đào sâu xuống 4-5m rồi sẽ trả lại mặt bằng, lúc đó trở thành vùng đất thấp trũng, nhất là khi đường cao tốc hoàn thành, mỗi khi mưa lũ xuất hiện nước thoát chậm, trồng cây gì cũng rất khó khăn”.

08-38-57_nh-6
Ba sào đất SX của ông Nguyễn Công Huệ sẽ bị múc sâu 4-5 m, nhưng đền bù 1.000 đồng/m2

Đặc biệt, hộ gia đình ông Lê Ta có 8 sào đất có sổ đỏ, ông làm nhà, xung quanh vườn trồng nhiều loại cây trồng khác và có đến 9 ngôi mộ. Tổng số tiền Cty TNHH Minh Tuấn đền bù 52 triệu đồng.

Cầm bảng áp giá đền bù, ông Ta bức xúc: DN đưa ra giá đền bù 1.000 đồng/m2, mồ mả hỗ trợ 1.025.000 đồng/ngôi. Trong khi thời gian múc đất kéoo dài từ 2-3 năm, như vậy, gia đình lấy gì mà sinh sống!

“Xã mời lên làm việc 3 lần, nhưng tui chưa đồng ý. Bởi làm nông dân, đất đai là cần câu cơm, khi múc sâu xuống liệu có SX được nữa không? Bởi lớp đất mặt bị múc rồi để lại thứ đất bạc màu, cằn cỗi không biết trồng cây gì?

Còn 9 ngôi mộ họ bảo di dời, nhưng đến nay chưa có nơi cải táng”, ông Ta chia sẻ.

Trong số 48 hộ dân bị lấy đất thì có 39 hộ đã nhận tiền. Theo người dân, họ nhận tiền cũng vì xã kêu lên quá nhiều lần nên ký cho xong chuyện.

Ông Phạm Văn Tùng, có 2 sào đất, có gần 600 cây và 1 ngôi mộ, DN đền bù 10 triệu đồng. Thấy đền bù chưa thỏa đáng ông không đồng ý ký vào đơn. Tuy nhiên, tuổi già sức yếu, xã mời đến 3 lần làm việc, ông quá mệt mỏi nên ký nhận.

Xã phủi trách nhiệm

Trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Quế, về việc Cty TNHH Đại Việt khai thác đất lấp một số ngôi mộ, ông thừa nhận có việc này.

Liên quan đến việc DN đã đào lấy đất nhưng không có nơi để di dời mồ mả, ông Hải cho hay, hiện xã đang trong quá trình cải tạo lại nghĩa trang, do đó, sẽ cải tạo một vạt đất trước để quy tập, thế nhưng chưa xong. Phía DN đang khẩn trương khai thác, san lấp mặt bằng.

“Việc DN lấy đất, xã đưa ra quy định phải cách mồ mả 10 m, nhưng chỉ cách 2-3m là sai, cái này chúng tôi sẽ kiểm tra và yêu cầu DN thực hiện đúng”, ông Hải nói.

Còn việc xã mời người dân nhiều lần đến ký nhận lấy tiền, ông Hải cho biết: “Không có chuyện xã ép dân ký nhận tiền giao đất cho DN. Xã đứng ra vận động và tuyên truyền chính sách để bà con được biết”.

 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.