| Hotline: 0983.970.780

Lay lắt dưới chân cầu Long Biên

Chủ Nhật 05/09/2021 , 15:07 (GMT+7)

Các gia đình trong xóm lao động dưới chân cầu Long Biên đang vật lộn với cuộc sống không việc làm, không thu nhập do giãn cách xã hội chống dịch Covid-19.

Xóm lao động sau chợ Long Biên im lìm, xe kéo hàng xếp thành dãy vì chợ đóng cửa chống dịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Xóm lao động sau chợ Long Biên im lìm, xe kéo hàng xếp thành dãy vì chợ đóng cửa chống dịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Không tiền đóng trọ

Hơn 1 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch Covid-19. Cũng kể từ ngày đó, cuộc sống của những lao động tự do trong xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (tổ 3, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) trở nên bế tắc.

Họ chủ yếu sống bằng nghề nhặt ve chai, cửu vạn, xe ôm, bốc hàng hoặc ra chợ, ai thuê gì thì làm nấy. Công việc thức đêm mò hôm kiếm được tiền ngày nào xào ngày ấy. Vì vậy, khi thực hiện cách ly xã hội, họ không biết bấu víu vào đâu.

Bắt đầu lên Hà Nội làm thuê từ năm 2006, chị Nguyễn Thị Hoa (33 tuổi, quê Hà Nam) cùng chồng phải bươn trải đủ nghề để kiếm sống.

Đến năm 2012, nhờ người quen nhượng lại cho gia đình chị lò bánh mỳ mà thu nhập cũng ổn định hơn đôi chút.

Ngày thường 2 vợ chồng có thể làm được 80 đến 100kg, giao buôn cho một số cửa hàng, mỗi ngày lãi được mấy trăm nghìn. Nhưng đã hơn tháng nay lò bánh mỳ của gia đình phải ngừng hoạt động do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khiến thu nhập của gia đình chị về con số 0.

“Dịch bệnh khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn quá. Tiền thuê 6 triệu/tháng mà chủ nhà chưa có ý sẽ giảm bớt. Mấy hôm trước có 1 chị quyên góp được chút lương thực và nhờ phường đứng ra hỗ trợ cho xóm, mỗi gia đình được 5kg gạo và 1 chai nước mắm. Nói thật với các nhà báo, cả nhà tôi còn đúng 300.000 đồng. Nếu không có chỗ gạo và mắm được hỗ trợ thì chẳng biết lấy gì mà ăn”, chị Hoa nói.

Chị Hoa cho biết, những ngày qua, theo dõi trên tivi và một số trang mạng, chị nắm được thông tin, những lao động bị mất việc như chị sẽ được trợ cấp 1.500.000 đồng. Nhưng bản thân chị chưa hề được nhận, cũng không có ai đến phổ biến, hướng dẫn thủ tục.

Nay, gia đình 2 vợ chồng chị Hoa cùng 4 đứa con nhỏ bị kẹt lại nơi xóm trọ nghèo này khiến cuộc sống dường như đi vào ngõ cụt. 

“Nhà tôi thuê đất là 6.000.000 đồng/tháng, nửa năm đóng 1 lần. Đợt này đến kỳ hạn đóng tiền nhưng dịch dã họ cũng chưa đến, mà có đến thì tôi cũng không có tiền. Bây giờ tiền ăn còn chẳng có, lấy đâu mà đóng tiền trọ”, chị Hoa rơm rớm nước mắt.

Bữa cơm đạm bạc của nhóm lao động mắc kẹt lại trong xóm. Ảnh: Tùng Đinh.

Bữa cơm đạm bạc của nhóm lao động mắc kẹt lại trong xóm. Ảnh: Tùng Đinh.

Làm gì có tiền mà ăn bim bim

Hoàng Thùy Linh là con thứ 3 của chị Hoa, ngoài ra nhà còn 2 chị gái và 1 em trai. Gần trưa, học bài xong, Linh lấy nửa gói mì tôm bóp nát, đổ ra chiếc rây rồi rủ lũ trẻ trong xóm cùng ăn. 5 đứa trẻ chia nhau ăn ngon lành nhúm mỳ tôm vụn trong khi mẹ Linh nói: "Bọn trẻ đòi ăn bim bim nhưng không có tiền anh ạ, nên bảo mấy chị em bóp mỳ ăn tạm, thế mà vẫn ăn ngon lành".

7 tuổi, Linh là đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát và rất nghe lời. Cô bé kể hè vừa rồi cha mẹ cho 3 chị em và cậu trai út ra Hà Nội chơi, nhưng vướng dịch nên 2 tháng rồi chưa về quê được.

"Cháu cũng nhớ nhà, nhưng ở đây với bố mẹ cũng được chỉ là không được đi đâu chơi thôi", cô bé quê Hà Nam nói khi đang cùng bạn chọc quả trứng cá ở ven bờ mương.

Nhà mà Linh nhắc đến nằm ở xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố mẹ mưu sinh ngoài Hà Nội, Linh và 3 chị em lớn nhất 13 tuổi, bé nhất 3 tuổi ở với ông bà nội, học trường làng.

Cùng quê và là họ hàng với nhà Linh nhưng 3 anh em Nguyễn Trà My lại theo bố mẹ ra Hà Nội từ nhiều năm nay và đang học tại Trường tiểu học Nghĩa Dũng (Q. Ba Đình). Trong những ngày giãn cách, My vẫn phải làm bài tập để chuẩn bị cho năm học mới, năm nay em vào lớp 3.

Hơn 1 tháng không được ra ngoài, quanh quẩn trong khu trọ, My tự tìm niềm vui cho mình bằng những tấm ni lông và bìa các tông cũ. Em xây cho mình một "ngôi nhà" trên chiếc xe đẩy hàng của gia đình đang bỏ không cạnh bờ mương vì chợ Long Biên đóng cửa.

Bế em gái Nguyễn Diệp Chi vào "ngôi nhà" của mình, My nói: "Cháu rất thích chơi trong nhà này, nhưng nhiều khi nóng quá thì không ngồi lâu được".

Lũ trẻ trong xóm không được ra ngoài, quanh quẩn chơi bên cạnh con mương thoát nước thải. Ảnh: Tùng Đinh.

Lũ trẻ trong xóm không được ra ngoài, quanh quẩn chơi bên cạnh con mương thoát nước thải. Ảnh: Tùng Đinh.

Cuối ngõ nên không ai biết

“Chúng tôi khổ quá, hơn tháng nay không đi làm được, không có tiền. Hàng ngày chỉ ngồi chơi, ngồi nghỉ thôi, vì dịch bệnh mà. Người ta khoanh vùng hết, không được đi ra ngoài, cấm hết không được đi đâu. Từ đợt giãn cách xã hội cũng có vài đoàn đến tài trợ đấy, nhưng xóm trọ này ở tận cùng, xa xôi quá nên nhiều người không biết đến”, bà Nguyễn Thị Lan (quê Vĩnh Phúc) buồn bã nói.

Bà Lan năm nay đã ngoài 60 tuổi, công việc hàng ngày khi chợ Long Biên chưa phải đóng cửa của bà là kéo xe chở hàng cho các tiểu thương.

Thời điểm trước, mỗi tháng làm công việc đó cũng dư được 1 vài trăm nghìn. Nhưng từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, bà Lan bị kẹt lại và dường như cuộc sống dường như đi vào đường cùng.

“Từ khi bị kẹt lại, các con tôi cũng gọi điện hỏi thăm để chuyển tiền xuống cho ăn uống. Thế nhưng tôi vẫn phải nói với con là bây giờ ở dưới này nhà nước cho ăn cho uống rồi, không phải chuyển gì cả. Cắn răng mà nói thế cho các con yên tâm thôi”, bà Lan nói.

11h trưa, tiếng xe ọt ẹt vang lên ở cuối ngõ. Nhiều người nhận ra đó là cụ Thắm (80 tuổi, quê Nam Định) đang đẩy xe đi lấy cơm trưa miễn phí.

Cụ Thắm cho biết, cụ không lấy chồng nên cũng không có con. Sống ở khu trọ này bằng công việc nhặt ve chai đã gần 20 năm.

"Mấy hôm nay ngày nào cũng chỉ ăn mỳ tôm xót ruột quá, hôm nay biết tin có đoàn đến phát cơm từ thiện, tôi ra xin một suất về ăn. Khổ quá, dịch bệnh suốt chả làm ăn được gì, đã thế chân lại đau, phải mượn cái xe đẩy trẻ của hàng xóm để ra xin cơm”, cụ Thắm nói.

Đi dọc xóm trọ nghèo, những chiếc xe đạp cũ kỹ chở hàng nằm im lìm, vài chiếc xe máy thường ngày hay chở hoa quả nay cũng bị xích vào gốc cây, phủ kín bạt. Bên cạnh đó, hàng chục chiếc xe kéo tay chuyên chở hàng thuê, nay cũng đã phải gác lên tường rào, khóa chặt. Và cứ thế, cái nghèo, cái khổ lại tiếp tục đeo bám những lao động tự do nơi chân cầu Long Biên trong những ngày tiếp theo.

Người dân trong xóm lao động nghèo vẫn chờ ngày được đi làm trở lại. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân trong xóm lao động nghèo vẫn chờ ngày được đi làm trở lại. Ảnh: Tùng Đinh.

Giảm giá hoặc miễn toàn bộ tiền thuê trọ cho các lao động tự do

"Để giảm gánh nặng cho các đối tượng lao động tự do đang thuê trọ bị kẹt lại do dịch bệnh trên địa bàn phường Phúc Xá, UBND phường đã kết hợp với các địa bàn dân cư tuyên truyền để cho các chủ cho thuê trọ trên địa bàn giảm giá một nửa hoặc toàn bộ tiền thuê trong thời gian giãn cách.

Nội dung này sau khi có phát động thì tất cả các chủ trọ đều đồng thuận giảm giá hoặc miễn cho các lao động tự do. Thể hiện sự chia sẻ khó khăn với người lao động”, ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết.

Cũng theo thông tin từ UBND phường Phúc Xá, đã có 800 hồ sơ được xét duyệt theo Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19. Trong đó, chính quyền phường đã chi trả đợt 1 cho 75 trường hợp.

“Chính quyền phường Phúc Xá cũng liên tục phối hợp và kêu gọi các nhà hảo tâm triển khai nhiều chương trình tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu cho bà con để vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá nói.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

'Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh’

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại Hội nghị 'Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển' diễn ra sáng 26/12, tại Nam Định.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.