| Hotline: 0983.970.780

Lễ hội của người làm chè

Thứ Bảy 21/12/2019 , 18:29 (GMT+7)

Tối 21/12, UBND huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức khai mạc Lễ hội vinh danh các làng nghề chè lần thứ 2. 

Lễ hội thu hút đông đảo du khách tham dự để thưởng ngoạn và tôn vinh người làm chè cũng như những sản phẩm chè tiêu biểu của huyện Phú Lương.

Lễ hội của dân, do dân

Trên thực tế, không khí tổ chức lễ vinh danh các làng nghề chè đã được người làm chè ở Phú Lương thi đua thực hiện trong suốt thời gian qua. Đó là việc chăm lo sản xuất, chế biến, chỉnh trang nương chè để chọn ra 11/37 làng nghề chè tiêu biểu. Cuộc thi “Kiến thức trà và cuộc sống” được triển khai tới 15/15 xã, thị trấn. Thông qua cuộc thi “Bàn tay vàng” trong chế biến trà, BTC đã chọn lựa được 91 sản phẩm tiêu biểu để trưng bày tại Lễ hội.

Ông Bùi Thanh Hải (Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lương) cho biết, sự kiện khai mạc Lễ hội chính là việc tổng kết và tiếp nối phong trào thi đua sản xuất tại địa phương. Với hơn 4.300 ha, Phú Lương là huyện có diện tích, sản lượng chè đứng thứ hai tại Thái Nguyên. Phú Lương cũng là địa phương có số làng nghề chè nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên với 37 làng nghề.

Chính vì vậy, Phú Lương xác định, chè là cây trồng chủ lực để ưu tiên đầu tư tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua nhiều năm nỗ lực xây dựng phát triển, có thể nói Phú Lương đã trở thành vùng chè trọng điểm của xứ trà Thái Nguyên trên cả 3 mặt: Chất lượng, năng suất và sản lượng.

Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương nhằm tiếp tục thúc đẩy sự đầu tư của người dân, nỗ lực của các làng nghề chè, tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và các tổ chức cho phát triển cây chè và các sản phẩm từ chè trên địa bàn. Qua Lễ hội sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân, các làng nghề chè trong việc trồng, chế biến các sản phẩm từ chè đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tạo động lực để Ban quản lý các làng nghề, người dân làm chè từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè trên thị trường.

 

Lễ hội vì dân

Ông Phạm Bình Công (Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) cho biết, hiệu ứng và sự lan tỏa của những lần tổ chức Festival trà Thái Nguyên đã đưa tinh thần tôn vinh cây chè và người làm chè về cơ sở. Lễ hội được coi như một hình thức quảng bá cho sản phẩm chè. Ở chiều ngược lại, nó cũng tạo ra áp lực để người làm chè tự chịu trách nhiệm và duy trì chất lượng sản phẩm chè của mình. Và đó chính là thành công, ý nghĩa lớn nhất mà Lễ hội mang lại. Tham dự các cuộc thi, những làng nghề, tổ hợp tác và người làm chè trên địa bàn đã tự đầu tư, tự thay đổi phương thức sản xuất để tạo ra nhưng sản phẩm chè chất lượng cao, những nương chè đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Kinh phí tổ chức các hoạt động của Lễ hội được xác định chỉ trên 800 triệu đồng với phần lớn là việc huy động xã hội hóa cũng như sự tham góp tự nguyện của chính người làm chè. Trong số đó, có tới hơn 400 triệu đồng được sử dụng vào việc tặng giải thưởng cho người làm chè. Một phần nhỏ làm quà biếu.

Có thể nói, Lễ hội thực sự được tổ chức tiết kiệm mà có ý nghĩa lớn. Ngày lễ hội không phải là việc tổ chức những hoạt động rùm beng tốn kém, biến người làm chè thành khách thể của sự kiện đến để chứng kiến những màn pháo hoa, múa hát linh đình. Mà ở đó, những sản phẩm chè chất lượng, những người, những làng nghề chè giỏi nghề sẽ được vinh danh để tạo ra nhận thức mới, tạo sự học hỏi, phấn đấu và thi đua.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.