Thu chín để chế biến
Sáng sớm, khi mà những đồi cà phê xanh ngát đang còn chìm trong cơn mưa mùa, ông Lưu Như Bính - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông) đã miệt mài trong khu xưởng chế biến của Hợp tác xã (HTX) để cho ra đời những mẻ cà phê thơm phức. Trong không gian khoảng 100m2, những bao cà phê nhân nguyên liệu của các xã viên chất thành những khối gọn gẽ. Ở gần cửa ra vào, chiếc máy chế biến cà phê hiện đại vẫn đang được vận hành. Đây là HTX điển hình trong phong trào sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao ở Đăk Nông.
Ông Bính chia sẻ, những năm gần đây, giá cà phê liên tục sụt giảm đã khiến cuộc sống của người trồng cây này gặp nhiều khó khăn. Riêng HTX, để tránh điều này, các thành viên đã thống nhất cùng nhau sản xuất cà phê sạch và tập trung vào khâu sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê.
HTX Đoàn Kết được thành lập từ năm 2014 với 55 thành viên. Tổng diện tích sản xuất hiện nay của HTX là 207ha bao gồm cà phê và hồ tiêu. Khoảng 3 năm trước, HTX bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của dự án VnSAT Đăk Nông về các chương trình phát triển cà phê bền vững.
Theo ông Bính, những năm trước, khi chưa có sự hỗ trợ của VnSAT, các thành viên của HTX chủ yếu tập trung sản xuất và bán cà phê tươi hoặc cà phê nhân cho các doanh nghiệp chế biến. Thời điểm đó, phương thức chăm sóc cà phê vẫn là kiểu cũ, làm theo thói quen và thu hoạch chung cả quả xanh lẫn chín. Do vậy, khi xuất bán, cà phê của HTX không ít lần bị đối tác đánh giá chất lượng thấp, ép giá.
Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Đăk Song, Đăk Nông: HTX mong muốn được dự án VnSAT tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho HTX và người dân. Ngoài hỗ trợ phát triển cây cà phê bền vững, đề nghị hỗ trợ thêm cho nông dân trồng hồ tiêu, cây ăn trái. Kết hợp với các tổ chức khoa học kỹ thuật để đào tạo, tập huấn cho người dân nhiều hơn nữa.
Nhưng kể từ năm 2017, sau khi HTX nhận được sự hỗ trợ của dự án VnSAT, mọi chuyện đã khác. Dự án hỗ trợ vốn để HTX xây dựng 2,7km đường nội đồng ở vùng sản xuất cà phê rộng lớn, gúp việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và sản phẩm cà phê thuận lợi. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 4 máy chế biến ướt, 2 lò sấy cà phê cùng các mô hình sản xuất bền vững và tái canh hiệu quả.
Nói về hiệu quả, ông Bính hồ hởi: “May có những sự hỗ trợ của dự án VnSAT nên HTX mới có được sự phát triển như hôm nay. Máy chế biến ướt, lò sấy đều hoạt động rất hiệu quả. Từ tiền đề này, chúng tôi đã mua thêm máy rang, chế biến nên sản phẩm làm ra nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đối tác khách hàng”.
Hiện nay, mỗi năm, tổng sản lượng cà phê của HTX Nông nghiệp Đoàn Kết đạt khoảng 600 tấn nhân. Nhờ liên kết được với doanh nghiệp, đầu ra cà phê ổn định, nên cuộc sống của các thành viên được đảm bảo.
Bà Phan Thị Lan, thành viên HTX Đoàn Kết vui mừng: Gia đình tôi trồng 2ha cà phê và sản xuất theo các tiêu chuẩn của HTX nên mọi việc trở nên thuận lợi.
Việc thu hoạch chín gần 100% và đưa về HTX để sơ chế, chế biến nên cà phê dễ bán hơn so với các hộ làm truyền thống. Trong niên vụ năm 2019, gia đình tôi thu về 8 tấn nhân. Đây là năm đạt năng suất cao nhất trong suốt thời gian gia đình gắn bó với cây cà phê.
Phát triển cà phê sạch
Tại xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng mới hình thành, nhưng với quy trình sản xuất sạch theo sự hỗ trợ của dự án VnSAT, sản phẩm cà phê của Tổ hợp tác đã nhận được sự quan tâm của thị trường.
Ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng tổ hợp tác này cho hay, những năm gần đây, Tổ luôn nhận được sự hỗ trợ của dự án VnSAT về các mô hình sản xuất bền vững và hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật cho bà con nông dân. Để nâng quy mô sản xuất, Tổ đang đề xuất dự án VnSAT đầu tư, hỗ trợ xây dựng 2,6km đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà kho và máy sơ chế.
Trong giai đoạn 2016-2020, các mô hình cà phê bền vững của Tổ hợp tác được dự án VnSAT hỗ trợ đã phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Bản thân gia đình tôi cũng được dự án hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình sản xuất bền vững trên diện tích 1ha cà phê. Dự án triển khai vào năm 2017 và kết thúc vào 2018. Ở mô hình này, gia đình trồng cà phê xen mắc ca và được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, các vật tư nông nghiệp khác nên vườn cà phê rất đẹp”, ông Tạ Quang Việt thổ lộ.
Theo ông Việt, hiện nay, Tổ hợp tác đang thực hiện mô hình chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C hướng UTZ. Do vậy, sản phẩm làm ra được thị trường đánh giá cao. Toàn bộ thành viên của Tổ hợp tác đang chung sức xây dựng thương hiệu cà phê sạch. Trong thời gian tới, Tổ hợp tác mở rộng quy mô sản xuất và lên HTX để phát triển dòng cà phê mật ong, cà phê chất lượng cao. Khi lên HTX, sẽ có cơ hội xây dựng thương hiệu mạnh và sẽ làm việc với các doanh nghiệp để liên kết thúc đẩy đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) xác nhận: Dự án VnSAT hỗ trợ nhiều cá nhân, tổ chức nông dân ở địa phương và đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Người dân được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm về sản xuất cà phê sạch, ứng dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước, bón phân khoa học nên chi phí đầu tư giảm. Các hạng mục kèm theo của dự án như đường giao thông, kho chứa được đầu tư cũng giúp bà con vùng cà phê thuận tiện trong sản xuất. Hơn nữa, việc tập huấn, đào tạo kỹ thuật canh tác, tái canh cà phê đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, nhằm hướng đến làm cà phê sạch, giữ được vùng cà phê bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng:
Thời gian qua, dự án đã hỗ trợ 3 tổ chức nông dân mua sắm máy sấy, máy sơ chế và bàn giao, đưa vào sử dụng 4 máy sấy, 10 máy sơ chế với tổng công suất thiết kế là 32 tấn/mẻ. Trong tháng 6/2020, dự án sẽ hỗ trợ 3 máy sơ chế cho 2 tổ chức nông dân với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Kế hoạch năm 2020, dự án tiếp tục hỗ trợ 3 tổ chức nông dân khác mua sắm máy sấy, máy sơ chế để các tổ chức này ổn định sản xuất.
Thời gian qua, dự án cũng đã hỗ trợ các tổ chức nông dân về công nghệ tưới tiết kiệm quy mô nông hộ với mục tiêu phân bổ ở địa phương là 400ha. Đến nay, địa phương thực hiện được 6,4ha cho 3 tổ chức nông dân ở các xã Nam Hà, Nam Ban (huyện Lâm Hà) và xã Tân Nghĩa (huyện Dinh Linh). Hiện nay, do giá cà phê xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư hệ thống tưới cao nên nông dân ít có nhu cầu đầu tư công nghệ. Do vậy, Lâm Đồng đề xuất WB/APMB xem xét, cho phép điều chỉnh mục tiêu, chuyển toàn bộ vốn này sang hỗ trợ hạ tầng cho vùng sản xuất cà phê.