| Hotline: 0983.970.780

Lĩnh 3 năm tù do nhận vận chuyển thuê sừng tê giác, vảy tê tê

Thứ Sáu 22/11/2024 , 19:32 (GMT+7)

CAO BẰNG Đối tượng được thuê vận chuyển 5,4kg sừng tê giác và 50kg vảy tê tê java với giá 20 triệu đồng.

Đối tượng Hoàng Văn Thịnh bị tuyên phạt 3 năm tù về tội 'Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm'. Ảnh: ENV.

Đối tượng Hoàng Văn Thịnh bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Ảnh: ENV.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã tuyên phạt đối tượng Hoàng Văn Thịnh (sinh năm 1988, trú tại xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Trước đó, Công an tỉnh Cao Bằng đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Thịnh với hành vi vận chuyển trái phép 5,4kg sừng tê giác và 50kg vảy tê tê Java. Được biết, đối tượng được thuê vận chuyển số hàng trên với giá 20 triệu đồng.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Cao Bằng hiện đang được biết đến là tuyến đường mới mà nhiều đối tượng cũng như nhóm đối tượng lợi dụng để vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép từ Việt Nam sang các quốc gia láng giềng.

Hệ thống dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV cho thấy, chỉ từ năm 2022 đến nay, đã ghi nhận ít nhất 21 vụ án liên quan đến động vật hoang dã diễn ra trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, phần lớn trong số đó được phát hiện tại các khu vực giáp ranh biên giới Trung Quốc hoặc đang trên đường đến các khu vực gần cửa khẩu nhằm mục đích vận chuyển trái phép qua biên giới bằng các đường mòn, lối mở.

Tê tê được cho là loài động vật có vú bị săn bắt, buôn bán nhiều nhất trên thế giới.

Tê tê được cho là loài động vật có vú bị săn bắt, buôn bán nhiều nhất trên thế giới.

"ENV hy vọng các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, nhằm ngăn chặn các đối tượng tiếp tục sử dụng con đường qua tỉnh Cao Bằng để vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã", bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, bày tỏ.

Các loài tê giác (Rhinocerotidae spp.) và tê tê tê Java (Manis javanica) là những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Các loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và/hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép sừng tê giác và vảy tê tê Java có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính đến 360 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.