| Hotline: 0983.970.780

Lộ diện thêm nhiều công ty cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Thứ Sáu 03/03/2023 , 11:01 (GMT+7)

TÂY NINH Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã phát hiện nhiều mẫu bón giả, kém chất lượng và đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục xử lý triệt để các công ty cung cấp.

Điểm tên công ty có sản phẩm giả

Theo tài liệu của NNVN, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã tiến hành lấy mẫu các đơn vị cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đem đi phân tích chất lượng và tiếp tục phát hiện nhiều mẫu phân bón giả, kém chất lượng, cụ thể:

Lấy mẫu phân bón NPK bổ sung vi lượng Swemosa của Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Nông Túc có trụ sở tại số C16, cư xá Phú Lâm B, phường 13, quận 6, TP.HCM sản xuất ngày 5/10/2021 hạn sử dụng 24 tháng thì phát hiện đây là sản phẩm phân bón có chất lượng giả (có hàm lượng kiểm tra dưới 70% so với công bố). Theo đó, phân bón NPK bổ sung vi lượng Swemosa Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Nông Túc công bố hàm lượng đạm (N) 7% nhưng phân tích chỉ đạt 4,42% (chỉ đạt 63,1%). Tai hại hơn, 2 thành phần khác có chất lượng rất kém đó là: Lân (P2O5) công bố 9% phân tích chỉ đạt 4,89% (đạt 54,3%); kali (K2O) công bố 6% phân tích chỉ đạt 3,27% (đạt 54,5%). Các hàm lượng vi lượng cũng rất thấp: Ca công bố 10.000 ppm phân tích chỉ có 181 ppm; (đạt 1,81%); Mg công bố 1000ppm phân tích chỉ có … 51,1ppm.

Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu phân bón đang buôn bán trên thị trường để phân tích chất lượng.

Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu phân bón đang buôn bán trên thị trường để phân tích chất lượng.

 Lấy mẫu phân bón lá trung vi lượng có chất điều hoà sinh trưởng Camcat Super do Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Sản xuất Mỹ Nhật có trụ sở tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM sản xuất ngày 18/6/2021 nhưng không có … thông tin hạn sử dụng phân tích. Kết quả: Ngoài bao bì phân bón lá trung vi lượng có chất điều hoà sinh trưởng Camcat Super ghi vitamin C: 100ppm, phân tích không có; Mn: 200 ppm kết quả 116ppm (chiếm 58%); Zn công bố 100ppm kết quả phân tích 20ppm (chiếm 20%). Với kết quả phân tích trên, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Sản xuất Mỹ Nhật được đưa vào danh sách công ty có sản phẩm giả.

Công ty TNHH Hoá sinh VietLand ở A113 đường số 2, KCN Thái Hoà, huyện Đức Hoà tỉnh Long An cũng được liệt vào danh sách công ty có sản phẩm giả. Lấy mẫu Phân bón Vietland 07 Bogold do Công ty TNHH Hoá sinh VietLand sản xuất ngày 18/3/2022 có hạn sử dụng 03 năm phân tích. Kết quả cho thấy, ngoài bao bì Phân bón Vietland 07 Bogold ghi thành phần B: 40.000ppm nhưng phân tích chỉ có 12.100ppm (đạt 30,3%), thấp hơn 70% so với quy chuẩn kỹ thuật.

Công ty Cổ phần hoá chất Nông nghiệp H.L ở lô A204, khu công nghiệp Thái Hoà, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, Long An là doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm trong danh sách công ty có sản phẩm giả! Lấy mẫu thuốc trừ bệnh Citymy USA86WP do Công ty H.L sản xuất ngày 24/10/2020 có hạn sử dụng 02 năm phân tích. Kết quả phân tích thuốc trừ bệnh Citymy USA86WP cho thấy, hàm lượng Tricyclazole công bố ngoài bao bì là 40%w/w, nhưng chỉ có 25,1%w/w (đạt 62,8%).

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện một công ty cung ứng phân bón kém chất lượng tại Tây Ninh. Ảnh: QLTT Tây Ninh.

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện một công ty cung ứng phân bón kém chất lượng tại Tây Ninh. Ảnh: QLTT Tây Ninh.

Tương tự, lấy mẫu thuốc trừ sâu DUGAMITE 27.5EC Bò Tót đỏ do Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Vina Gri, trụ sở tại 1D, Tân Hoà 2, khu phố 6, phường Hiệp Phú, TP.HCM sản xuất ngày 12/11/2021 có hạn sử dụng 02 năm phân tích. Kết quả: Ngoài bao bì thuốc trừ sâu DUGAMITE 27.5EC Bò Tót đỏ công bố thành phần Imidacloprid: 3,5g/l nhưng kết quả phân tích “không phát hiện”. Với việc cung ứng thuốc trừ sâu DUGAMITE 27.5EC Bò Tót đỏ không có thành phần Imidacloprid như công bố, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Vina Gri được đưa vào danh sách công ty có sản phẩm giả.

Các công ty có sản phẩm kém chất lượng

Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần phát triển Bắc Nam có trụ sở tại số 132 đường Cộng Hoà, phường 4 quận Tân Bình, TP.HCM. Lấy mẫu phân bón NPK GFCRU 16-16-16 của Công ty Bắc Nam sản xuất ngày 25/5/2021 có hạn sử dụng 03 năm phân tích. Kết quả cho thấy, ngoài bao bì ghi hàm lượng N (đạm) 16% phân tích được 13,4% (đạt 83,8%) - thấp hơn so với quy chuẩn kỹ thuật, hiểu nôm na là kém chất lượng. Các hàm lượng khác: lân (P2O5) công bố 16 phân tích được 15,3%; kali (K2O) công bố 16, phân tích 15,1%.

Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón hữu cơ Thái Thị do Công ty TNHH Thái Thị ở ấp Long Trường, xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang sản xuất ngày 15/2/2022 có hạn sử dụng 02 năm phân tích. Kết quả cho thấy, ngoài bao bì phân bón hữu cơ Thái Thị ghi thành phần chất hữu cơ 34,9% nhưng kết quả phân tích chỉ đạt 28,1% (chiếm 83,8% - thấp hơn so với quy chuẩn kỹ thuật).

Lấy mẫu phân bón NPK Agasol 10-15-40 do Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Nông Sang (số 44/44A đường Võ Văn Khải, khu phố 3, phường Thới An, quận 12, TP.HCM) sản xuất ngày 1/3/2021 có hạn sử dụng 03 năm phân tích. Kết quả cho thấy thành phần đạm (N) công bố 10% nhưng phân tích chỉ có 7,55% (đạt 75,5%); thành phần lân (P2O5) công bố 5%, kết quả cho 4,27% (đạt 85,4%). Như vậy cả hai thành phần đạm và lân đều không đạt chất lượng.

Công ty TNHH phân bón Nông Hải SG (số 18 đường DD4, khu phố 4 phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) cũng bị phát hiện có cung ứng hàng kém chất lượng cho đại lý. Lấy mẫu phân bón NPK ngựa chồm 20-20-15 do Công ty Nông Hải SG sản xuất ngày 26/1/2022 có hạn sử dụng 02 năm đi phân tích chất lượng, cơ quan chức năng phát hiện 2/3 thành phần không đạt. Cụ thể: Bao bì phân bón NPK ngựa chồm 20-20-15 thành phần lân (P2O5) công bố 20% phân tích được 16,5% (đạt 82,5%); kali (K2O) công bố 15% phân tích được 12,5% (đạt 83,3%); đạm (N) công bố 20% đạt 19%. Như vậy, 2 thành phần lân và kali của phân bón NPK ngựa chồm 20-20-15 thấp hơn so với quy chuẩn kỹ thuật (kém chất lượng).

Cơ quan chức năng các tỉnh đang tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm xử lý triệt để các doanh nghiệp có sản phẩm phân bón, thuốc BVTV vi phạm chất lượng.

Cơ quan chức năng các tỉnh đang tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm xử lý triệt để các doanh nghiệp có sản phẩm phân bón, thuốc BVTV vi phạm chất lượng.

Cũng bị liệt vào danh sách cung ứng hàng kém chất lượng là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoá chất và Phân bón Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Phân bón Sài Gòn) có trụ sở tại 8/4K quốc lộ 22, ấp Trung Chánh 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Lấy mẫu phân bón NPK HC-SG 14-8-6 của Công ty Phân bón Sài Gòn phân tích, cơ quan chức năng phát hiện 2/3 thành phần không đạt. Theo đó, bao bì phân bón NPK HC-SG 14-8-6 công bố thành phần lân (P2O5) là 8% nhưng phân tích chỉ được 6,92% (đạt 86,5%); kali (K2O) công bố 6% phân tích được 5,26% (đạt 87,7%). Như vậy mẫu phân bón NPK HC-SG 14-8-6 của Công ty Phân bón Sài Gòn được kết luận có 2 thành phần lân, kali thấp hơn so với quy chuẩn kỹ thuật.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Toba (lô C5-3, khu C5, đường D4, KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng bị phát hiện có cung ứng hàng kém chất lượng cho đại lý. Lấy mẫu phân bón lá hữu cơ sinh học Tobaxanh do Công ty Toba sản xuất ngày 17/12/2020 có hạn sử dụng 02 năm phân tích; cơ quan chức năng phát hiện bao bì ghi hàm lượng Axit humic: 20%, nhưng kết quả chỉ đạt 17,2% (đạt 86%), thấp hơn so với quy chuẩn kỹ thuật quy định.

Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón Năm Sao NPK 20-16-8+TE do Chi nhánh Nhà máy phân bón Năm Sao (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Long Định, xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An) sản xuất ngày 15/9/2021 có hạn sử dụng 03 năm đi phân tích cũng phát hiện kém chất lượng.  Cụ thể: bao bì phân bón Năm Sao NPK 20-16-8+TE do Chi nhánh Nhà máy phân bón Năm Sao sản xuất ghi: thành phần đạm (N) 20% nhưng phân tích chỉ được 16,5 (đạt 82,5%); lân (K2O) công bố 16% nhưng phân tích chỉ được 16%. Với việc sản xuất ra sản phẩm có 2/3 thành phần kém chất lượng trong mẫu phân bón Năm Sao NPK 20-16-8+TE, Chi nhánh Nhà máy phân bón Năm Sao đã bị kiến nghị cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý.

Nhằm xử lý triệt để đối với các doanh nghiệp có sản phẩm phân bón, thuốc BVTV vi phạm chất lượng nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã thông báo tên các doanh nghiệp sai phạm tới Phòng an ninh kinh tế, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh, các Sở NN-PTNT các tỉnh các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để kiểm tra…

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất