Thắp nhang đã trở thành một trong những phong tục văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Việc thắp nhang thể hiện sự tôn kính đối với những người đã khuất hay để cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống. Nhờ vậy, nghề làm nhang cũng được dịp “ăn nên, làm ra”. Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết, nhang được tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng hơn và giá “nhích” dần lên do nhu cầu tiêu thụ tăng cao.
Hối hả phục vụ tết
Tới làng sản xuất nhang Hòa Thành trong những ngày cận kề Tết, mọi người có thể thấy bầu không khí tất bật của người dân nơi đây. Tận dụng những mặt sân trống, người dân phơi nhang khắp mặt sân, trên những con đường, mùi thơm của nhang lan tỏa ra tận các ngõ, hẻm.
Làng nhang Hòa Thành tọa lạc tại nơi thánh địa của đạo Cao Đài tỉnh Tây Ninh, cùng với sự hình thành và phát triển của đạo giáo, nghề làm nhang nơi đây đã có bề dày lịch sử và nổi tiếng gần xa. Sản phẩm nhang không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn đảm bảo về uy tín, chất lượng. Trong mỗi sản phẩm làng nghề không chỉ là giá trị văn hóa, mà còn là cái tâm của người làm nghề gửi gắm ở đó.
Gia đình bà Trần Kim Yến ở Khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc (TX.Hòa Thành) là một trong những hộ còn giữ và sống bằng nghề truyền thống ở khu phố. Bà Yến có gần 40 năm theo nghề làm nhang. Bà Yến kể, bà bén duyên với nghề lúc tuổi đời còn khá trẻ, khi làm thuê cho các hộ làm nhang trong vùng. Sau nhiều năm làm công, bà tích luỹ kinh nghiệm rồi tự mở cơ sở làm nhang và theo nghề cho đến tận bây giờ.
Theo bà Yến, không giống như trước đây, hiện nay, hầu hết các hộ làm nhang địa phương đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ có máy móc nên công việc làm nhang đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng ở một số công đoạn vẫn phải cần đến đôi tay như trộn bột và phơi nhang, điều đó vẫn cần có sự chỉn chu, tỉ mỉ, cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Giữa 12h trưa, nhìn đôi tay bàn tay thoăn thoắt của bà yến trải từng cây nhang ra giàn phơi có thể thấy sự nhiệt tâm của nghệ nhân này. “Phơi nhang nhìn thì dễ nhưng rất vất vả vì phải thường xuyên theo dõi, quan sát, phải canh để trở mẻ nhang cho đều nắng. Nhang phơi đủ nắng có mùi thơm, bảo quản được lâu”, bà Yến tiết lộ.
Nhang ở đây được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM… Vào thời điểm cận Tết, các sản phẩm nhang rất hút hàng, sản lượng bán ra tăng từ 40-50% so với những ngày bình thường.
Chấp cánh làng nghề
Được biết, năm 2013, Sở NN&PTNT Tây Ninh phối hợp với UBND huyện Hòa Thành tổ chức lễ công bố Quyết định số 1455 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc công nhận 4 nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hòa Thành. Theo quyết định, các nghề truyền thống được công nhận gồm: nghề mộc gia dụng (đồ gỗ) ở ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân; nghề làm nhang ở ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc; nghề đúc gang ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa và nghề mây tre đan (nghề đan lát) tại ấp Long Bình, xã Long Thành Nam.
Khi được công nhận làng nghề, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề truyền thống này được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường, trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tối đa là 60% tổng mức vốn đầu tư dự án. Ngoài ra, các hộ còn được ưu đãi về khoản phí sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất khi có yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch mới và được hỗ trợ kinh phí di dời theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ…
Đặc biệt, để truy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống này, mỗi năm huyện Hòa Thành đã dành nguồn ưu đãi hàng tỷ đồng để cho vay, hỗ trợ các hợp tác xã có điều kiện phát triển, mở rộng thị trường, đồng thời giải quyết được hàng ngàn lao động ở địa phương. Ngoài ra, huyện Hoà Thành xây dựng đề án xây dựng - phát triển sản phẩm du lịch và các dịch vụ hỗ trợ tại huyện Hoà Thành và các vùng lân cận. Theo đó, các làng nghề truyền thống như đúc gang, làm nón, se nhang, đan lát mây tre… sẽ được gắn vào cung đường du lịch tâm linh với Toà thánh Cao Đài, núi Bà Đen và các điểm du lịch farmstay, du lịch sinh thái của huyện.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, Tây Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thể để phát triển du lịch, trong đó, có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú góp phần tạo nên sản phẩm du lịch.
Một trong những nét nổi bật trong phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống là vừa thu hút được khách du lịch đến địa phương để tìm hiểu về nét văn hoá độc đáo, vừa giúp tiêu thụ những sản phẩm của làng nghề qua việc bán quà lưu niệm hoặc trải nghiệm những công việc của nghệ nhân. Điều đó giúp các hộ dân quay lại với nghề thủ công truyền thống. Một khi các làng nghề thu hút được du khách, phát triển du lịch làng nghề, nâng cao thu nhập của người dân thì nghề và làng nghề truyền thống sẽ thoát khỏi nguy cơ bị mai một.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Tây Ninh, việc phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.