| Hotline: 0983.970.780

Lộ trình làm việc của Đoàn thanh tra EC về IUU lần thứ 4

Thứ Hai 24/04/2023 , 16:24 (GMT+7)

Từ 24-31/5, Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định lần thứ 4.

Những khác biệt của đợt thanh tra lần này

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và Quan hệ quốc tế (Tổng cục Thủy sản), thông tin, chiều 23/5, Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đặt chân lên đất Việt Nam, từ ngày 24-28/5 đoàn sẽ chọn và làm việc với các tỉnh; ngày 29-30/5 đoàn sẽ làm việc với Tổng cục Thủy sản; ngày 31/5 sẽ diễn ra cuộc đối thoại cấp cao. Tại cuộc đối thoại cấp cao có 3 chương trình làm việc, một là họp tổng kết, hai là làm việc với Bộ NN-PTNT và ba là lãnh đạo Chính phủ tiếp Đoàn thanh tra EC.

Trong chương trình Đoàn thanh tra EC làm việc với các tỉnh có các nội dung: Một là làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống IUU tỉnh, sau đó sẽ đi kiểm tra thực tế tại cảng cá, làm việc với Văn phòng kiểm tra, thanh tra, kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung nêu những khác biệt của đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC: “Thời điểm Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam đúng vào thời điểm các cảng lên cá nhiều. Thế nên lần này đoàn sẽ chú tâm đến việc giám sát sản lượng hải sản đánh bắt qua cảng như thế nào, có đảm bảo độ tin cậy hay không”.

Cũng theo bà Nhung, một nội dung khác Đoàn thanh tra EC là sẽ làm việc tại các tỉnh về công tác quản lý tàu cá, cũng như công tác thực thi pháp luật. Bởi EC cho rằng Việt Nam đang thực hiện công tác thực thi pháp luật còn rất hạn chế, trong khi công tác này là chỉ số để EC đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của châu Âu. Một  điểm khác biệt nữa của đợt kiểm tra lần này của EC là sẽ kiểm tra những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và Quan hệ quốc tế (Tổng cục Thủy sản), nêu những khác biệt trong công tác kiểm tra của của Đoàn thanh tra EC lần thứ 4. Ảnh: Minh Quý.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và Quan hệ quốc tế (Tổng cục Thủy sản), nêu những khác biệt trong công tác kiểm tra của của Đoàn thanh tra EC lần thứ 4. Ảnh: Minh Quý.

“Việc đánh giá của EC lần này được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là đánh giá chung về thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của châu Âu; phần thứ 2 là đánh giá về tiến độ và cách xử lý một số vấn đề nghiêm trọng mà EC đã đưa ra, trong đó có 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Khánh Hòa có khả năng nằm trong danh sách tàu cá IUU của 1 tổ chức quốc tế mà EC đã nêu trong đợt kiểm tra lần thứ 3, đặc biệt là khả năng có gian lận đối với xuất khẩu cá kiếm sang thị trường châu Âu. Đoàn thanh tra EC sẽ làm việc kỹ lại 2 vấn đề nói trên trong lần thanh tra lần này”, bà Nhung cho hay.

Cũng theo bà Nhung, để chuẩn bị cho cuộc làm việc với Đoàn thanh tra EC lần này, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành Công điện 265, trong đó có 1 phần về IUU, đặc biệt là đã ban hành ngay kế hoạch tổng thể gửi cho 28 tỉnh thành ven biển, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết làm việc với Đoàn thanh tra EC. Các địa phương cần nêu rõ thời gian hoàn thành, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong công tác tổ chức thực hiện; phải bố trí đầy đủ nguồn lực, vật lực để làm việc với đoàn thanh tra.

“Thời gian chúng ta đón Đoàn thanh tra EC là vào khoảng từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Tư âm lịch. Nếu đoàn kiểm tra cảng cá vào thời điểm này thì sẽ gặp rất nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ cập bờ, nhất là tàu đánh bắt cá ngừ đại dương. Do đó, nguồn nhân lực mà cảng cá bố trí trong thời gian này phải đầy đủ, cán bộ phải chuyên nghiệp để thực hiện tốt công tác giám sản lượng tại cảng”, bà Nhung lưu ý.

Cần tạo được niềm tin

Đáng quan ngại là Việt Nam hiện có số lượng tàu cá trên 15m chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vào khoảng 856 chiếc, đây là nhóm tàu mà EC cho rằng có nguy cơ cao vi phạm IUU, nên sẽ kiểm tra vị trí những tàu này. Khi các địa phương đã xác định vị trí neo đậu của những tàu nói trên, nếu EC yêu cầu đi kiểm tra thì cảng cá phải sẵn phương tiện để đưa đoàn thanh tra đi thực tế.

Đợt thanh tra lần thứ 4 đoàn EC có thể trực tiếp lên kiểm tra tàu cá. Ảnh: Minh Quý.

Đợt thanh tra lần thứ 4 đoàn EC có thể trực tiếp lên kiểm tra tàu cá. Ảnh: Minh Quý.

Về hồ sơ, bà Nhung khuyến cáo các địa phương cần phải chuẩn hóa, sắp xếp, lưu trữ khoa học để có thể truy xuất nhanh chứ không thể để xảy ra tình trạng phía EC cần hồ sơ mà 1 tiếng sau chúng ta mới cung cấp là “mất điểm”.

“Đoàn thanh tra EC có thể làm việc với 2-3 tỉnh nhưng sẽ kiểm tra cả nước. Ví như trong đợt thanh tra lần thứ 3, đoàn chỉ đến Khánh Hòa thôi, nhưng vấn đề lớn phát sinh lại nằm trong Bà Rịa - Vũng Tàu. Vậy nên trong lần này, Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành chức năng các địa phương phải túc trực, để khi đoàn thanh tra cần bất cứ hồ sơ gì, kết nối với tỉnh nào thì đoàn được cung cấp thông tin kịp thời”, bà Nhung nhấn mạnh.

Bà Nhung nêu thêm 1 vấn đề tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu chúng ta không để ý thì nó sẽ trở thành lỗi rất lớn. Ấy là khi Đoàn thanh tra EC vào cảng cá nào, thì tất cả những tàu cập cảng lên cá ở cảng đó phải đảm bảo các quy định, đặc biệt là những quy định về hồ sơ, giấy tờ và quy định về trang thiết bị phải đầy đủ vì đoàn có thể trực tiếp lên tàu kiểm tra.

Trong lần kiểm tra này, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra các cơ sở thu mua thủy sản. Ảnh: Minh Quý.

Trong lần kiểm tra này, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra các cơ sở thu mua thủy sản. Ảnh: Minh Quý.

Một vấn đề khác phía EC cũng bắt đầu quan tâm là hiện nay Việt Nam còn đang yếu về kiểm soát hoạt động chuyển tải trên biển. Việt Nam hiện đang có khoảng 3.000 tàu cá làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, theo quy định của EC là chỉ những tàu được cấp phép thì mới được nhận chuyển tải. Vì vậy, chúng ta phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ liên quan để kiểm soát theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung nêu thêm một vấn đề khác cần quan tâm là có khả năng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trộn nguyên liệu nhập khẩu vào nguyên liệu đánh bắt trong nước để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nhung lưu ý cần phải đảm bảo tính hợp pháp nguồn gốc khi thủy sản xuất sang thị trường châu Âu. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải có hệ thống kiểm soát, phân định rõ nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nguồn nguyên liệu đánh bắt trong nước, để có thể chứng minh khi đoàn thanh tra yêu cầu.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải có hệ thống kiểm soát, phân định rõ nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nguồn nguyên liệu đánh bắt trong nước. Ảnh: Minh Quý.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải có hệ thống kiểm soát, phân định rõ nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nguồn nguyên liệu đánh bắt trong nước. Ảnh: Minh Quý.

“Lần này EC sẽ kiểm tra rất kỹ tính xác thực của hoạt động trên biển bằng cách kiểm tra nhật ký khai thác với toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình. Cần tránh nhất là những con số trong nhật ký khai thác và con số trong giấy biên nhận vênh nhau”, bà Nhung chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian không còn nhiều, các địa phương cần giải quyết rốt ráo những hồ sơ đang tồn tại chưa xử lý được, tạo nên hệ thống văn bản chỉ đạo cũng như văn bản pháp luật đồng bộ và chi tiết để làm việc với Đoàn thanh tra EC.

"Chỉ còn 1 tháng nữa là đến đợt kiểm tra, tôi thay mặt Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương triển khai ngay công tác chuẩn bị sẵn sàng đón đoàn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã thể hiện qua công tác chỉ đạo, qua hành động và đạt được kết quả bước đầu rất khả quan. Giờ rất mong các địa phương hợp sức lại cả hệ thống chính trị để quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' IUU trong thời gian gần nhất”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.