Trồng atiso không sử dụng hóa chất
Ông Hạng A Giang ở tổ 3, phường Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai) từ nhiều năm nay đã gắn bó với cây dược liệu atiso. Chỉ với diện tích 0,4 ha trồng atiso, mỗi năm loại cây này mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng cho gia đình ông.
Những hộ dân khác xung quanh nhà ông Giang trồng cây dược liệu atiso cũng tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật và được đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
"Cây atiso phù hợp với loại đất nương đồi ở đây, đất không quá "nạc” nhưng giàu chất hữu cơ. Trước khi trồng phải xới đất tơi xốp, loại bỏ cỏ dại, phơi đất tiêu diệt các mầm bệnh và bón lót phân hữu cơ… Lưu ý, cần thoát nước cho cây tốt và chăm chút thời gian đầu khi mới trồng để cây khỏe, không thối dễ, thối lá, khi đó cây mới phát triển tốt”, ông Hạng A Giang cho hay.
Sau khi cây bén rễ, người trồng có thể tạm yên tâm vì là cây thuốc nên hầu như ít bị sâu hại. Cây atiso có thể thu hoạch sau 2 tháng trồng từ hoa, thân đến củ, không bỏ phí phần nào nên rất có lợi cho người nông dân.
Hiện nay, phường Hàm Rồng có sản lượng atiso lớn nhất Sa Pa với 35,5ha. Khoảng 80 hộ dân ở đây trồng loại dược liệu này. Theo đánh giá của địa phương, trong những năm qua cây atiso đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo và có thu nhập.
Theo ông Hạng A Sèo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hàm Rồng, địa phương có lợi thế về độ cao và diện tích đất và đất ở đây rất phù hợp trồng cây dược liệu. Qua hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, bà con không sử dụng các loại thuốc hóa học chăm sóc cho cây.
Đưa dược liệu Sa Pa vươn ra thế giới
Trong năm 2024, giá bán lá atiso của bà con trồng đã tăng nhẹ từ 2.000 đồng lên 2.300 đồng/kg, giúp người dân tăng nguồn thu nhập so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng atiso do những hộ dân trồng được đơn vị liên kết thu mua, nên người dân yên tâm sản xuất, tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây dược liệu…
Sau khi thu hái, toàn bộ số nguyên liệu này được đơn vị bao tiêu sản phẩm chế biến sâu. Hiện đã có 2 sản phẩm gồm cao mềm Atiso Sa Pa, trà phun sương actiso Sa Pa được chứng nhận OCOP 5 sao.
Theo đơn vị liên kết thu mua sản phẩm của bà con, cơ bản người dân đã hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cây dược liệu, đáp ứng yêu cầu đối với cây dược liệu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần xây dựng mối quan hệ dựa trên lợi ích hài hòa các bên, hướng tới vùng trồng dược liệu chất lượng cao, tạo hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là chế biến sâu sản phẩm để từng bước đưa dược liệu của Sa Pa vươn ra thế giới.
Thị xã Sa Pa hiện đang có 45,5ha cây atiso được trồng tại các phường Hàm Rồng, Sa Pả và xã Tả Phìn. Cây atiso mỗi năm mang lại khoản thu nhập gần 5 tỷ đồng cho các hộ trồng, với sản lượng trên 2.000 tấn. Cây atiso trồng trên đất Sa Pa hiện đã được cấp chứng nhận thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu GACP theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho hay, Sa Pa có khí hậu thuận lợi để duy trì và phát triển nhiều loài dược liệu quý có giá trị y dược cao. Trong những năm qua, người nông dân cũng đã có kinh nghiệm trong trồng và phát triển các loại dược liệu bản địa, tạo lợi thế cạnh tranh. Thêm vào đó, đã có sự tham gia của những công ty về ký hợp đồng liên kết đầu tư và thu mua nguyên liệu trên địa bàn, do vậy đầu ra sản phẩm bước đầu được ổn định, người dân yên tâm sản xuất.
Atiso trong những năm qua được coi là cây mũi nhọn của ngành hàng dược liệu tại Sa Pa với hiệu quả kinh tế cao, trên 150 triệu đồng/ha. Atiso trồng tại Sa Pa còn được đánh giá có giá trị dược tính cao. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng dược liệu gặp khó khăn do một số cây dược liệu phải luân canh, thay đổi đất sau mỗi vụ canh tác; phải sản xuất tập trung trong khi diện tích đất trồng dược liệu ở Sa Pa thường nhỏ, lẻ…
Atiso được mệnh danh là một loại siêu thực phẩm, một phần nhờ vào thành phần chất chống oxy hóa dồi dào của chúng. Ngoài ra, atiso cũng được nghiên cứu chứng minh mang lại nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe như: ổn định huyết áp; giảm lượng cholesterol máu; tăng cường sức khỏe gan, mật; thành phần dinh dưỡng trong mỗi bông atiso trung bình khoảng 60 calo, > 1 g chất béo, 120 mg natri, 13 g carbs, 14g protein, chất xơ, vitamin C, folate, magie...