Thu về trên 55 triệu USD
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa có thông cáo báo chí về việc việc trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog), giao hàng liên tục và sẽ thu về trên 55 triệu USD trong 2 tháng tới.
Trong đó có 2 gói thầu, gói thầu với sản lượng 60.000 tấn do Lộc Trời trúng thầu, còn sản lượng 40.000 tấn gạo là lần trúng thầu đầu tiên của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài - thành viên của Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân - đơn vị liên kết, thành viên hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời từ cuối 2022.
Ngày 22/5, Perum Bulog thông báo Lộc Trời và Đại Tài trúng thầu 100.000 tấn gạo trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu đợt này. Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC), Lộc Trời cùng Đại Tài sẽ thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng).
Lộc Trời đang làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tài trợ cho phương án tối đa việc mua lúa cho bà con nông dân, sử dụng năng lực sản xuất sẵn có từ 10 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất sấy 10.000 tấn/ngày để hoàn tất đơn hàng này.
Lộc Trời cho hay, khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, Tập đoàn có lợi nhuận, đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài.
Theo đó, mức giá của đơn hàng 100.000 tấn lần này đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6 - 8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm ra thị trường thế giới.
Việc một doanh nghiệp Việt Nam có thể thắng thầu trên 370.000 tấn gạo từ tháng 8/2023 đến tháng 5/2024, là lời khẳng định cho khả năng, năng lực cung ứng ổn định của Việt Nam, bất chấp sự biến động của thị trường lúa gạo quốc tế thời gian qua.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nguồn vốn
Trong những năm vừa qua, Lộc Trời đã xây dựng những quy trình sản xuất khoa học, các bộ giải pháp canh tác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng đất và yêu cầu chất lượng của từng thị trường, giúp bà con nông dân tiết giảm lượng vật tư sử dụng, giảm công lao động qua đó giảm chi phí sản xuất, đảm bảo và tăng năng suất, tăng hiệu quả mùa vụ.
Cùng với việc tổ chức liên kết sản xuất trên quy mô lớn, Lộc Trời cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa bà con nông dân sản xuất ra với mức giá cao hơn thị trường từ 100 - 500 đồng/kg lúa.
Để đảm bảo tiêu thụ hết số lượng lúa này, Lộc Trời tổ chức bán hàng theo các đơn hàng lớn với các đối tác uy tín. Toàn bộ hoạt động dạng chuỗi này giúp giảm các chi phí trung gian như vẫn xảy ra trong các hoạt động thương mại “mua đi - bán lại” truyền thống trong ngành lúa gạo từ trước tới nay, giúp Lộc Trời có lợi thế cạnh tranh về giá cho các đơn hàng lớn.
Với tham vọng “ra biển lớn”, trở thành một trong những Tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu tầm khu vực và thế giới, Lộc Trời đang hết sức nỗ lực để xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao thông qua việc mở rộng liên kết sản xuất với bà con nông dân ĐBSCL. Đặc biệt, khi "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” được Chính phủ thông qua, Lộc Trời đã tích cực tham gia vào Đề án.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Lộc Trời đã ký kết với các tỉnh khu vực ĐBSCL để triển khai liên kết sản xuất trên 300.000 ha cho đến 2030. Với diện tích này, sản lượng lúa có thể lên tới 6 triệu tấn, tương đương 3,5 triệu tấn gạo có thể cung cấp cho thị trường, giúp Lộc Trời chiếm lĩnh thị trường trong nước, cung ứng xuất khẩu và trực tiếp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn từ các đối tác uy tín, gắn bó lâu dài, giữ vững vị thế “kho gạo thế giới”.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: “Sau khi Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Chính phủ thông qua, Lộc Trời rất tích cực phối hợp cùng các địa phương triển khai, tăng cường xuất khẩu ra thế giới, đóng góp vào tăng trưởng xanh của đất nước, nhưng Lộc Trời khó có thể “đơn độc” thực hiện nếu thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, ngân hàng và các tổ chức tài chính...”.
Ông Thòn chia sẻ, nhu cầu vốn của Lộc Trời rất lớn vì cần ứng tiền đầu tư cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất - không chỉ giống - phân - thuốc mà còn là các dịch vụ cơ giới đồng bộ suốt cả vụ.
Đồng hành trên từng trà ruộng để tư vấn quy trình canh tác, phòng trị sâu bệnh, đảm bảo sản lượng, chất lượng mua vụ, sau đó phải thanh toán “liền tay” cho nông dân tiền mua lúa lên tới hàng vài nghìn tỷ đồng mỗi vụ.
Đặc biệt vào cao điểm thu hoạch (theo tập quán canh tác - xuống giống ồ ạt và thu hoạch đồng loạt, 3 vụ - đông xuân, hè thu và thu đông), khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như thời gian đáo hạn ngắn khiến dòng tiền dễ bị sự cố.
“Mong rằng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nguồn vốn để các doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư khi tổ chức liên kết sản xuất lớn từ đó nâng cao năng suất, chất lượng tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thương trường quốc tế”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ mong muốn.