| Hotline: 0983.970.780

Lời kể của một chiến binh chiến đấu với ung thư

Chủ Nhật 22/07/2018 , 08:01 (GMT+7)

Em Nguyễn Thị Phượng (SN 1990, ngụ tại thôn Phú Lâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, Bình Phước) bị ung thư vú giai đoạn cuối và mẹ em cũng bị ung thư phổi.

Dưới đây là bài viết của em trong cuộc thi ảnh về “Nụ cười hoa hướng dương - Trao nụ cười, gửi yêu thương” đã đoạt giải Nhất.

nguyen-thi-phuong152314209
Chiến binh Nguyễn Thị Phượng

Năm nay em gần 30 tuổi, cái tuổi chưa phải già, cũng không trẻ, vừa tầm trưởng thành thôi, cái tuổi đáng lẽ ra sung sức, đáng ra là chỗ dựa tốt gánh vác kinh tế gia đình. Nhưng mà cuộc đời có khi nào bằng phẳng như ý mình muốn đâu. Sóng gió cứ ập đến, nhanh và nhiều đến nỗi mình tưởng như không còn đủ sức mà sống nữa. Vậy mà cũng đủ mạnh mẽ vượt qua đấy...

Mình còn nhớ lắm suốt thời gian dài mẹ mình ốm, đi khắp bệnh viện, tốn tiền, tốn sức mà vẫn không tìm ra bệnh. Cuối cùng đến năm 2015 đến bệnh viện mới biết mẹ bị K phổi giai đoạn cuối. Suy nghĩ, lo lắng, buồn, thức đêm, thức hôm, rồi té xỉu. Lúc đó, cũng chỉ nghĩ do mình mệt thôi. Rồi một chị y tá nơi mẹ mình nằm viện đã phát hiện khối u trên ngực mình, chị ấy khuyên mình đi khám... Khi đó mẹ cũng đang bệnh nặng lắm nên mình cũng chẳng nghĩ nhiều tới nó. Cho tới tận cuối năm 2016 mẹ ổn hơn mình mới bắt đầu quan tâm tới khối u của mình.

15-17-26_hinh_1_-_phuong_cung_cc_chien_binh_trong_clb_cuoc_chien_chong_ung_thu
Phượng cùng các chiến binh trong CLB Cuộc chiến chống ung thư được mời tham dự chương trình “Hôm nay ai đến” của VTV

Ngày có kết quả bị K vú, các bạn biết không, giống như trời sập vậy, mà khóc có được nữa đâu, trong lòng buồn phiền trống rỗng cứ muốn chạy đi đâu đó thật xa… Thế rồi, lại òa khóc như một đứa trẻ. Cũng định im luôn không chữa bệnh nữa. Bởi lúc đó mình biết, để chữa bệnh sẽ phải tốn rất nhiều tiền. Mẹ mình còn chưa khỏe hẳn, con còn nhỏ, mình là lao động chính, có gì lấy ai lo cho mẹ, cho con...

Rồi mẹ biết, mẹ khuyên mình còn nước còn tát, chữa bệnh để mẹ yên tâm sống. Bắt đầu cuộc chiến của hai me con ở hai bệnh viện khác nhau bắt đầu từ đó.

Những tháng ngày vật lộn với hóa - xạ trị liên tiếp trong năm. Nhưng vẫn chưa là gì so với lúc mình nhận tin mình không đáp ứng thuốc. Tế bào ung thư di căn... Ác cái, nó cứ nhè chỗ khó, nhè chỗ hiếm mà tới. Lúc ấy, nước mắt cứ tuôn ra, mình chỉ muốn chết cho nhẹ nợ. Rồi cứ nghĩ sao trời ác với mình thế, bao nhiêu tiền của ra đi, vậy mà bệnh cứ nặng thêm, lại còn chèn ép dây thần kinh, không đi lại được, cơn khó thở càng ngày càng nhiều, có lúc tưởng ngưng thở, nửa đêm cấp cứu ở các bệnh viện là chuyện bình thường lắm...

15-17-26_hinh_3
Phượng và các chiến binh được giám đốc Hương Phan Beuty Academy tài trợ làm đẹp miễn phí

Những lúc như thế, nghĩ tới mẹ, tới con ở nhà mà rớt nước mắt. Có lẽ nếu không có mẹ và hai con thì mình không đủ động lực để sống tới giờ. Thế rồi, trời cũng thương, mình được các anh chị em dẫn tới Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, chăm sóc giảm nhẹ, rồi thuốc thang. Mình gặp được các cô chú anh chị em trong CLB Cuộc chiến ung thư nơi mình chữa trị. Mọi người thương và chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, từng viên thuốc. Suốt mấy năm qua, cứ lủi thủi một mình nằm bệnh viện nhưng mình không cô đơn, bởi bên cạnh vẫn có những chiến binh cùng mình chiến đấu.

Hiện sức khỏe hai mẹ con mình đã ổn hơn. Con xin cảm ơn các cô chú anh chị em đã giúp đỡ hai mẹ con trong những lúc khó khăn nhất, không chỉ là tiền bạc để hai mẹ con chữa bệnh, mà còn cả tình cảm, tinh thần chiến đấu với những ngày tháng bệnh nặng, giúp con đủ can đảm bỏ gậy, bỏ xe lăn để đi lại trên chính đôi chân mình, bỏ bình ô xy để tự thở. Trở về là chính con.

15-17-26_hinh_4_-_phuong_cung_bc_si_
Phượng cùng bác sĩ Phạm Giang và chị Trần Đồng (CLB Cuộc chiến chống ung thư) trong buổi tập yoga dành cho bệnh nhân ung thư

(Kiến thức gia đình số 29)

Xem thêm
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.