Nằm nghiêng mình bên dòng Sê Pôn, lớp học xóa mù chữ của những “thầy giáo quân hàm xanh” thuộc Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) hàng đêm vẫn sáng đèn với tiếng giảng bài say sưa và rộn rã tiếng đánh vần của các học viên đặc biệt. Đặc biệt là bởi tất cả 61 “học sinh” của lớp học này là những phụ nữ người Lào lấy chồng Việt Nam tại xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được nhập quốc tịch Việt Nam trong thời gian gần đây.
Sau một ngày lên rẫy, vội vàng dùng bữa cơm tối với gia đình, trao đưa con nhỏ cho chồng chăm sóc, chị Hồ Thị Moan (thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) chuẩn bị sách vở, bút mực, rộn ràng gọi chị em trong thôn nhanh chân đến lớp của “thầy giáo” biên phòng đúng giờ.
Khi chị Moan và các học viên đến lớp, “thầy giáo quân hàm xanh” đã có mặt sẵn chuẩn bị xong bài giảng của mình và đang viết bài học mới lên bảng. Thượng úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Tầng cho hay: “Toàn bộ học viên của lớp là những phụ nữ người Lào, lấy chồng, sinh sống tại xã A Dơi được chính quyền địa phương nhập quốc tịch Việt Nam năm 2018. Họ đều có nguyện vọng học tập, hiểu rõ ngôn ngữ để thuận tiện trong việc buôn bán, kinh doanh, chăm lo công việc gia đình. Hiểu được điều đó, Đồn Biên phòng Ba Tầng tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp Hội Phụ nữ xã A Dơi, Trường Tiểu học xã A Dơi mở lớp 2 học xóa mù chữ cho chị em, góp phần nâng cao dân trí cho người dân biên giới”.
Các đơn vị phối hợp xây dựng kế hoạch, Thượng úy Hồ Văn Hữu cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lặn lội xuống các thôn, đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động chị em đến lớp. “Mình làm việc này và tự nhận nhiệm vụ đứng lớp không chỉ là nhiệm vụ, mà là trách nhiệm của người lính biên phòng đã bao đời được bà con Pa Cô, Vân Kiều đùm bọc, gắn bó thủy chung bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương”.
Việc các chị em không biết chữ gây trở ngại lớn trong tiếp cận, hiểu các chính sách pháp luật, thiếu tự tin trong giao tiếp và việc tiếp cận các vấn đề xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để các chị nắm được kiến thức, ngoài sự cố gắng của các học viên, “thầy giáo quân hàm xanh” phải có sự cố gắng vượt bậc, nghiên cứu tìm hiểu nghiệp vụ sư phạm; xây dựng chương trình học tập, biên soạn giáo án phù hợp với đặc điểm của học viên để nâng cao hiệu quả truyền thụ kiến thức.
Mặc cái lạnh giá của đêm đông biên giới, lớp học xóa mù chữ tại hai thôn A Dơi Đớ và Prin Thành vẫn luôn sáng đèn với sự giảng bài hăng say của “thầy giáo”, tiếng đánh vần của học viên như tạo nên một không khí mới, kỳ vọng về cuộc sống văn minh, no đủ hơn của người dân vùng biên viễn. Các học viên khắc phục mọi khó khăn, sắp xếp công việc gia đình đến lớp đầy đủ, hăng say học tập với mong muốn thoát khỏi cảnh mù chữ để tự tin, mạnh dạn hơn trong ứng xử, giao tiếp xã hội và chu toàn công việc gia đình.
Theo Thượng úy Hồ Văn Hữu, lớp học xóa mù chữ được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2021, các chị em trong độ tuổi từ 25 đến 40. Học viên lớn tuổi, tay không được dẻo, nhưng các "thầy giáo quân hàm xanh" quyết tâm khắc phục uốn nắn cho các chị trong từng nét chữ của mỗi tiết học, chỉ mới gần 3 tháng học tập các chị đã biết viết, đọc thành thạo và cộng trừ trong phạm vi 100.
Bên cạnh việc dạy chữ và các phép tính cơ bản. Vào giờ giải lao, các “thầy giáo” còn kể về những gương làm ăn kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo; kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, rồi những cầu chuyện về mối quan hệ thân tộc lâu đời với bà con Việt - Lào ở hai bên biên giới. Qua các câu chuyện, các chị em hiểu biết nhiều hơn về kiến thức xã hội, những cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình…
“Với tình cảm gắn bó với nhân dân và mục tiêu giúp phụ nữ trên địa bàn xã A Dơi, Prin Thành biết đọc, biết viết, biết tính toán và có thêm kỹ năng sống, để họ tự chủ hơn vươn lên trong cuộc sống, trong vòng 6 tháng chúng tôi nỗ lực giúp các chị biết đọc, biết viết thành thạo và biết làm những phép tính cơ bản. Sau đó, đánh giá kiến thức của các chị, chúng tôi tiếp tục có những giải pháp phối hợp với ngành giáo dục địa phương giúp các chị nâng cao kiến thức”, Thượng úy Hồ Văn Hữu cho biết.
Trong ít phút giải lao giữa buổi học, chị Hồ Thị Moan tâm sự: Tôi sinh ra, lớn lên ở bản Hong Tun, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào. 4 năm trước, tôi lấy chồng người Việt ở bản A Dơi Đớ, rồi được chính quyền địa phương nhập quốc tịch Việt Nam.
Ở tuổi 25, quanh năm với nương rẫy, không biết đọc, biết viết tiếng Việt khiến chị phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, sinh hoạt gia đình, những khó khăn trong giao tiếp xã hội và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Đặc biệt nhiều khi bị đối tượng xấu lừa trong tiêu thụ nông sản, việc sắp xếp lo toan cho gia đình gặp nhiều khó khăn... Khi được cán bộ bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động đi học xóa mù chữ, chị đã trao đổi với gia đình và được gia đình ủng hộ, nên cố gắng thu xếp công việc để đến lớp đều đặn, chăm chỉ học tập để biết đọc, biết viết và biết được văn hóa, lối sống của địa phương.
“Nhờ bộ đội biên phòng uốn nắn, giúp đỡ, nay tôi đã biết đọc, biết viết, biết ký vào các giấy tờ khi cần, tự tin tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ với các chị em phụ nữ trong thôn nữa”, chị Moan chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh như chị Moan, chị Hồ Thị Như ở lớp xóa mù chữ của thôn Prin Thành không biết mặt chữ, xấu hổ và ngại đi chợ, không dám tham gia các hoạt động cộng đồng. Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, vì không biết chữ không tìm hiểu tiểu sử người ứng cử, chị phải nhờ người khác đọc giúp, bỏ phiếu thì gặp không ít khó khăn.
Sau hai tháng được “thầy giáo” biên phòng dạy chữ, chị đã biết đọc, biết viết và biết cộng trừ, giờ đang làm quen với phép nhân, chia. “Sau này, học được chữ, mình dễ dàng tìm thêm cách làm kinh tế hiệu quả, rồi áp dụng cho gia đình xóa đói, giảm nghèo, đưa đời sống ngày một đi lên...”, chị Như chia sẻ quyết tâm.
Ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết, A Dơi là xã biên giới đặc biệt khó khăn, toàn xã có 6 thôn, dân số trên 3.700 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Đặc biệt, thôn A Dơi Đớ có 244 khẩu là người Lào nhập quốc tịch Việt Nam. Ngoài những người trong độ tuổi đến trường thì đa số bà con chưa biết tiếng Việt phổ thông. Khi Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội phụ nữ xã và Trường Tiểu học xây dựng kế hoạch thành lập lớp học xóa mù chữ cho các chị em, chúng tôi cùng với cán bộ, chiến sĩ giải quyết mọi khó khăn về cơ sở vật chất, tạo thuận lợi để lớp học hoạt động có hiệu quả nhất giúp chị em học tập.
Lớp học xóa mù chữ là nghĩa tình, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của của người lính biên phòng với nhân dân biên giới và nỗ lực giúp đồng bào biên giới nâng cao dân trí, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng địa phương ngày một phát triển, phồn vinh.
“Giai đoạn này, dù thời tiết mùa đông khu vực biên giới rất lạnh giá, khắc nghiệt nhưng các chị vẫn thu xếp thời gian, công việc gia đình đến lớp học chuyên cần. Qua một thời gian tổ chức, việc học tập của các chị em có sự phát triển rất tốt, đáp ứng với yêu cầu đề ra.
Với kết quả này, sau lớp học xóa mù chữ cho chị em, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Tầng mở lớp học xóa mù cho các đối tượng khác, để trong thời gian sớm nhất sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn A Dơi”, ông Hồ Văn Thắng cho hay.