| Hotline: 0983.970.780

Lớp học ở nhà gươl

Thứ Sáu 07/08/2015 , 06:13 (GMT+7)

Dưới ánh đèn nhà gươl, thôn A Rớh, xã Lăng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) hàng chục em nhỏ ngồi ở sàn nhà chăm chú vào quyển sách, tiếng ê a đọc bài vang khắp thôn bản. 

Đấy lớp học ngày hè được mở ra nhằm giúp các em củng cố thêm kiến thức, phần nữa giúp các em tránh xa những tệ nạn xã hội.

1 lớp, 9 bậc học

Khi bóng tối bao phủ, chúng tôi chứng kiến đám trẻ nhỏ trong thôn kéo nhau ra gươl (nhà cộng đồng thôn) học bài. Theo chân các em đến lớp, nhìn từ ngoài vào thấy một lớp học rất đặc biệt, bởi không có bảng, không bàn ghế… Các em học sinh từ lớp 1-9 ngồi học chung nhưng em nào cũng chăm chú học tập.

Anh Nguyễn Bá Hiển, Phó Chủ tịch xã Lăng, người có sáng kiến mở lớp học này, đồng thời là thầy giáo dạy các em.

Anh Hiển cho biết, năm 2014, anh mạnh dạn thành lập Ban chỉ đạo hoạt động hè xã Lăng. Anh đến tận nhà các sinh viên (SV) con em ở địa phương kêu gọi chung sức truyền tải kiến thức cho các em. Ai ngờ việc làm của anh Hiển được các bạn SV về nghỉ hè đồng ý. Từ đó, lớp học hè được hình thành và đi vào hoạt động theo khuôn khổ.

Tôi hỏi: Sao anh lại có ý tưởng này? Anh Hiển đáp: Cuộc sống của các em nơi đây thiếu thốn nhiều thứ, sách vở không có, đến trường rất khó khăn... Đặc biệt vào dịp hè, các em thường đi chơi chẳng để ý đến bài vở. Những năm về trước ở xã có nhiều em tụ tập rồi gây ra nhiều câu chuyện đau lòng như đánh nhau, uống rượu, chạy xe gây tai nạn… Nếu mở lớp học, các em không những học chữ mà còn hạn chế chơi bời.

Anh Hiển trưởng thành từ Đề án 600 của Chính phủ, thế hệ thuộc "8X đời cuối". Trước đây khi đang còn là SV trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Hiển lên Tây Giang làm đề tài nghiên cứu khoa học về cây ba kích. Trăn trở với những thiếu thốn trong tiếp cận kiến thức của trẻ em miền biên, cầm tấm bằng tốt nghiệp, anh không quay về quê hương Hà Tĩnh xin việc mà trở lại vùng đất này để tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở. Thấy được năng lực của người SV trẻ đầy nhiệt huyết, xã cử Hiển đi học nhằm đào tạo cán bộ trẻ cho xã sau này.

Hè năm ngoái, anh tham mưu về ý tưởng lớp học hè ban đêm ở gươl của thôn, lãnh đạo xã đồng ý ngay. Hiển nhanh chóng liên lạc với SV địa phương, trao đổi và được mọi người hưởng ứng; rồi quay sang tìm nguồn hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập.

“Cũng may, có một câu lạc bộ ở huyện Duy Xuyên tài trợ “Tủ sách cho em” nên mọi việc cũng tương đối thuận lợi. Bắt đầu từ năm 2014, mỗi năm câu lạc bộ này tài trợ 1.200 đầu sách giáo khoa, bài tập từ lớp 1 đến lớp 9, kèm theo đó là một số dụng cụ học tập. Riêng năm nay, câu lạc bộ đã trao 40 suất quà cho học sinh khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất khoảng 150 nghìn đồng, bao gồm cặp, bút, vở và một ít sữa”, Hiển cho hay.

Hiện xã Lăng có 7 thôn thì thôn nào cũng có lớp học hè. Ở mỗi nhà gươl, luôn có khoảng từ 20-40 em học sinh theo học, do 2-3 SV trực tiếp đứng lớp. Những SV này, đều là người xã Lăng, hiện đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

Lớp học được ổn định, dưới sự hướng dẫn của các anh chị SV, những kiến thức cũ được ôn lại trước khi sang bài mới. Không có bàn ghế để ngồi, các em nhỏ khi nằm, khi ngồi nhoài trên sàn gươl để học; phía trên đầu, ánh đèn điện dường như không đủ ánh sáng chiếu xuống. Trong điều kiện khó khăn như thế, nhưng các em vẫn miệt mài hăng say với cái chữ, con số. Bên góc nhà gươl, bếp lửa bập bùng xua tan cái lạnh đỏng đảnh của mùa mưa.

Ở bên ngoài nhà gươl thôn A Rớh, chúng tôi nghe được tiếng các em thảo luận bài học, khi bằng tiếng Cơ Tu, lúc thì bằng tiếng Kinh. Em Alăng Thị Luyến (7 tuổi, thôn A Rớh) bộc bạch: “Con đang học thêm chương trình học lớp 2. Hồi trong năm, con có học rồi, nhưng quên hết. Giờ được các cô, các chú dạy thêm, con mới nhớ lại và còn biết thêm nhiều cái nữa”.

Còn Zơ Râm Thị Hết, lớp 5, trường Tiểu học xã Lăng, cho chúng tôi biết, rằng đây là năm thứ 2 em theo học lớp này. Từ khi theo học lớp hè, mỗi đêm của Hết và các bạn không còn lông bông với những trò nghịch dại nữa. Hễ đến chiều là em hối ba mẹ ăn cơm cho sớm để kịp đến lớp.

“Một số bạn có hoàn cảnh khó khăn, tuy dành nhiều thời gian cho công việc phụ giúp ba mẹ nhưng vẫn kiên trì đến lớp. Ở lớp học này, ngoài những bài học bám sát chương trình mà các em đã hoặc sắp học, những phút văn nghệ hay trò chơi còn giúp các em thêm phần hứng thú, gắn bó nhau hơn”, Hết tâm sự.

Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Nguyễn Bá Hiển mong muốn các tổ chức, đoàn thể và cá nhân hỗ trợ bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập cho các em. Hiện các lớp học được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền điện và tiền thay mới, sửa chữa bóng đèn, dây điện.

Trong khi các em ê a với cái chữ, con số, phía bên ngoài nhà gươl có vài phụ huynh dõi theo. Ánh mắt chăm chú, đôi khi bùng lên giống như ngọn lửa trong nhà gươl đang cháy sáng. Ánh mắt đó đang ngời niềm tin rằng, những lớp học như thế này sẽ là nơi chắp cánh cho con họ thoát khổ, thoát nghèo.

Chị Bhling Thị Pú, có hai người con đang theo học trong nhà gươl thôn A Rớh bày tỏ: “Nhà mình khổ lắm, nên việc cho con học cái chữ con số rất khó khăn. May mà nhờ có cán bộ, SV mở lớp nên con mình được học nhiều cái hay, bổ ích. Mong rằng từ lớp học này, các con sẽ nắm vững kiến thức hơn và thêm hứng thú với việc học, sau này lớn lên trở thành cô giáo về dạy chữ cho bọn trẻ trong thôn”.

Người đi trước dạy người đi sau

Khởi xướng từ một người trẻ, cùng nhau thực hiện cũng là những con người trẻ tuổi, khoảng 25 con người ấy đều có chung tâm huyết với gần 340 trẻ em (từ lớp 1 đến lớp 9) ở xã Lăng. Mặc dù qua mùa 2 hè thực hiện, tuy chưa có em nào thật sự xuất sắc, nhưng có hiệu quả rõ rệt về nền tảng kiến thức chung mà các em nắm bắt được. Để khuyến khích các em học, cuối mỗi hè đều có khen thưởng, phần thưởng là sách vở, dụng cụ học tập.

Blướch Thị Bloó ở thôn Blừa, SV năm 4 ngành Giáo dục Tiểu học (Đại học Quảng Nam) tâm sự: “Đây là mùa hè thứ hai em tham gia dạy lớp này. Tuy cũng có vài kế hoạch trong hè ở dưới TP Tam Kỳ, nhưng em tạm gác lại để về xã giúp các em nhỏ củng cố và nâng cao kiến thức. Bọn em đi trước, nên việc dạy dỗ cho thế hệ sau là trách nhiệm, nên rất tâm huyết và nhiệt tình”.

08-00-19_nh-2
Blướch Thị Bloó đang dạy các em học bài

Đó cũng là suy nghĩ chung của Clâu Thị Đhơớp, thôn A Ró, hay Alăng Thị Mến, ở thôn Nal; đều là SV năm 3 ngành Giáo dục Tiểu học (Đại học Quảng Nam) và cũng như nhiều bạn trẻ đang miệt mài “gõ đầu trẻ” dịp hè ở nhà gươl của thôn. Với cách làm thiết thực này, năm qua xã Lăng đã được UBND huyện Tây Giang khen thưởng, khích lệ.

“Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao cách làm ở xã Lăng, đồng thời mong muốn mô hình này được nhân rộng ra toàn huyện. Có như vậy, thì lớp trẻ sau này mới thật sự nắm vững kiến thức để xây dựng huyện nhà tốt hơn”, ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm