| Hotline: 0983.970.780

Lớp học trên đỉnh mây mù

Thứ Năm 03/08/2023 , 12:54 (GMT+7)

Những căn nhà tranh tre ghép lại giữa bốn bề mây núi là nơi ở của bà con. Lọt thỏm giữa sự tĩnh mịch của rừng chiều là tiếng học sinh đánh vần từng chữ.

Nơi lớp học của bà Chuyên và các cháu nhỏ ở bản Suối Rằm.

Nơi lớp học của bà Chuyên và các cháu nhỏ ở bản Suối Rằm.

Suốt nhiều năm qua, trẻ em ở bản Suối Rằm, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình không được đi học vì bản không có trường lớp. Cách đây một năm, bà Bùi Thị Chuyên (SN 1965) lên bản Mông làm thuê đã dựng tạm lán trại dạy chữ cho trẻ em nơi đây. Tấm lòng cao cả của bà Chuyên đã giúp 19 trẻ em nơi đây lần đầu biết đến cái chữ.

Cách đây 6 tháng, tôi đã cất công vượt đường rừng để lên bản Suối Rằm – còn gọi là bản “vô thừa nhận” - không thuộc đơn vị nào quản lý để lấy tư liệu viết bài.

Bản có 24 hộ dân là người Mông di cư tự do ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La và Yên Bái tụ hợp lại. Do nơi ở của họ ở quá xa trung tâm xã Cun Pheo nên trẻ em không thể đến trường. Chúng lớn lên cùng gia đình không hề biết đến trường, lớp. 100% trẻ em trong bản chưa một lần biết tới mặt con chữ.

Thấu hiểu hoàn cảnh của các cháu trong bản, bà Bùi Thị Chuyên ở xóm Cun, xã Cun Pheo lên bản làm thuê đã mở lớp dạy chữ cho trẻ em bản Suối Rằm. Sau hơn một tháng vừa dạy học vừa rút kinh nghiệm, đám trẻ nơi đây lần đầu nói tiếng phổ thông và biết đến mặt chữ. Câu chuyện nhân văn về bà Chuyên mở lớp học trên đỉnh mây mù để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng đồng bào người Mông.

Lớp học đặc biệt nhất đất Tây Bắc

Bản Suối Rằm nằm tít trên núi cao là địa bàn giáp ranh của 3 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Sơn La. Những căn nhà tranh tre ghép lại mọc lên giữa bốn bề mây núi là nơi ở của bà con người Mông. Lọt thỏm giữa sự tĩnh mịch của rừng chiều, bỗng nghe tiếng học sinh đồng thanh đánh vần từng chữ A, B, O, A... xua tan vẻ tĩnh mịch nơi miền sơn cước.

Đoạn đường rừng ngắn lại, bao mệt mỏi trong tôi bỗng tan biến bởi âm thanh đọc vần của đám trẻ ở bản Mông. Tiếng đọc vần đồng thanh đó như ngọn lửa sưởi ấm đêm đông nơi bản nghèo.  

Lớp học hiện lên giữa bốn bề thông thốc gió lùa. 4 cái ghế ngồi kín học sinh. Cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ mới 7 tuổi. Mái lớp học được che tạm bằng cái bạt. Lớp học tạm bợ không ngăn nổi cơn gió lớn thổi qua khiến nó rung lên từng chặp. Hơn chục học sinh người Mông, áo chưa đủ ấm ngồi co ro trong gió lạnh nghe cô giáo giảng bài. Có lẽ đây là lớp học đặc biệt nhất ở đất Tây Bắc mà tôi đã từng đặt chân tới.

Cô giáo là một người phụ nữ đã luống tuổi. Bà Chuyên mặc bộ quần áo lao động đã sờn vai. Đầu bà đội chiếc khăn vuông, chân đi dép. Cả cô và trò đều ở trong cảnh thiếu thốn. Bảng là tấm gỗ xẻ vội. Phấn viết bằng than tre. Những chữ O, A, B màu đen tuyền nguệch ngoặc trên bảng. Bà Chuyên - được học sinh gọi là cô giáo, chạy đi chạy lại trong lớp như con thoi. Bà kiên trì dạy đám trẻ đánh vần và ghi nhớ từng chữ cái.

Thiếu thốn đủ bề nên con chữ cũng xa khuất với đồng bào nơi đây, nhất là con trẻ.

Thiếu thốn đủ bề nên con chữ cũng xa khuất với đồng bào nơi đây, nhất là con trẻ.

Giữa cái lớp học có một không hai đó, sự học diễn ra thật sôi động. Học sinh của cô giáo là trẻ em của bản Suối Rằm. Chúng vô cùng lạ lẫm với không khí tập trung tại một chỗ. Trong suy nghĩ của đám trẻ, chưa bao giờ hình dung ra nổi lớp học là như thế nào. Bởi lẽ từ khi sinh ra và lớn lên, chúng sống hồn nhiên với núi rừng. Đói đến bữa về nhà ăn. Nhà có gì ăn nấy, ăn xong chúng lại lên núi đuổi dê, đuổi trâu cùng bố mẹ. Ngay cả những bậc sinh thành cũng chưa bao giờ nói đến chuyện cho bọn trẻ đi học.

Bài liên quan

Bà Chuyên nhìn đám trẻ với ánh mắt trìu mến. Bà gọi từng em đứng lên và kiên trì dạy các em đánh vần từng chữ khó nhọc. Đa phần học sinh trong lớp chưa nói được tiếng phổ thông, nên việc dạy học của bà Chuyên vất vả hơn nhiều. Buổi dạy học đầu tiên, học sinh chỉ biết chào cô giáo bằng tiếng Mông “Nho zoong”, “pù say” - chào cô giáo. Bà Chuyên cũng không biết nói tiếng Mông, muốn dạy đám trẻ bà cũng học mót vài tiếng chào của học sinh. Từ đó tình cảm thầy trò thêm gần gũi.

Bà Chuyên cũng cứ theo cái nếp đó mà dạy chúng nói tiếng phổ thông. Từ đầu tiên cô dạy chúng là: Chào cô giáo. Bọn trẻ cũng đồng thanh đánh vần. Tiết học nọ nối tiếp tiết học khác, từ đó lớp học được hình thành. Một tuần bà Chuyên mở lớp khoảng 5 buổi sáng. Học sinh đến lớp với quần áo lấm lem, vá chằng vá đụp. Đầu tóc chúng bết cứng như cây lau bên rừng.

“Nhìn các cháu tôi thương lắm! Tôi biết đến đâu, tôi dạy các cháu đến đó. Những bỡ ngỡ ban đầu của lớp học cũng dần trôi qua. Sau mỗi buổi học, tôi lại tự rút kinh nghiệm ra cách dạy, cách động viên các cháu học tốt hơn”, bà Chuyên chia sẻ.

Mình thương, mình mở lớp dạy thôi

Bà Chuyên là người Mường, sống ở bản Cun, xã Cun Pheo – cách bản Suối Rằm khoảng 20km. Bà không phải là công dân của bản Suối Rằm. Cách đây một năm, bà Chuyên lên bản Suối Rằm làm thuê cho một người cùng bản có trang trại ở đây.

Suốt những ngày sống ở nơi đèo mây hút gió này, bà thường xuyên đến các gia đình người Mông chơi. Các hộ dân nơi đây đều vô cùng khó khăn. Nhà dựng lên bằng phên tre nứa ghép lại. Mùa đông, gió thổi tứ bề khiến căn nhà chìm trong giá lạnh. Người Mông sống có phần hoang dã nên sự học hành của trẻ em chưa hề được nhắc đến.

Nhịp sống một ngày ở bản Mông diễn ra vô cùng đơn điệu. Sáng họ rời nhà đi trồng ngô, trồng lúa trên núi. Tối kéo nhau về. Trẻ em ở đây sinh ra đến lúc lớn lên không hề được đến trường như bao đứa trẻ khác. Điều lạ nữa là chúng không nói được tiếng phổ thông.

Mì tôm là thứ thức ăn nhiều nhất trong ngày của các cháu học sinh của lớp học cô Chuyên

Mì tôm là thứ thức ăn nhiều nhất trong ngày của các cháu học sinh của lớp học cô Chuyên

Những cảm nhận sâu sắc về bản Mông, đặc biệt là hình ảnh những đứa trẻ với đôi mắt đen láy và sâu thăm thẳm như bầu trời Tây Bắc khiến bà Chuyên động lòng.

Bà tự nhủ, mình phải làm một việc gì đó giúp đám trẻ trong bản. Ở bản được 2 tháng, bà được bà con người Mông coi như một công dân. Bà Chuyên nói được vài câu tiếng Mông. Những ngày bà ở lán, bọn trẻ cũng hay đến chơi. Nhìn chúng lớn lên hồn nhiên mà không được học hành, bà Chuyên mới nảy ra sáng kiến, tại sao mình không dạy chữ cho đám trẻ.

Bà Chuyên đã đưa kế hoạch này ra bàn với các hộ dân trong bản. Bà con người Mông chẳng ai tin việc dạy học bọn trẻ có thể thành công. Người ủng hộ, người không. Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng các hộ dân cũng đồng ý để bà Chuyên mở lớp dạy học cho con em mình.

Một vài người đến lán của bà Chuyên cùng nhau san gạt góc đồi để làm lớp học. Nói là lớp cho oai, chứ nó chỉ là bãi đất trống. Tre, nứa được trai bản đưa về cắm lên vài cái cọc. Bà Chuyên lấy cái bạt che làm mái. Bàn ghế được ghép lại bằng mấy tấm ván cũ. Do bản ở xa, không có bảng, không có phấn, bà đã dùng tấm ván cũ làm bảng. Phấn viết dùng từ than củi. Lớp học thiếu thốn trăm bề, nhưng nó cũng được “khai giảng”.

Lần đầu tiên bản Suối Rằm có một lớp học cho bọn trẻ. Buổi đầu có 19 học sinh đến lớp. Cô giáo chưa từng học qua lớp sư phạm nào và cũng chưa tốt nghiệp cấp II, bà Chuyên cứ lấy tấm lòng nhiệt tình của mình ra mà dạy các cháu. Bà biết đến đâu dạy đến đó. Sự cố gắng nỗ lực đó của bà Chuyên đã giúp đám trẻ trong bản Mông biết đến cái chữ, biết nói tiếng phổ thông.

Lớp học đã diễn ra được nửa năm. Học sinh đến lớp tương đối đều đặn. Giờ bà Chuyên đã nhớ tên học sinh. Hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của học sinh ở bản, ông chủ của bà Chuyên đã mua một cái bảng đen và phấn trắng lên ủng hộ cho thầy trò bản Suối Rằm. Nhờ vậy mà công việc dạy học của bà Chuyên tiến triển tốt hơn.

“Đám trẻ giờ đã viết và đọc được tên của mình. Vui hơn là chúng có thể nói được tiếng phổ thông. Từ đây, việc giao tiếp giữa tôi và bọn trẻ dễ dàng hơn. Tôi biết biết đến đâu, dạy chúng đến đó. Mình không phải là cô giáo, nhưng nghe chúng gọi tôi là cô giáo, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc”, bà Chuyên chia sẻ.

Truân chuyên đến với lớp học để biết con chữ

Truân chuyên đến với lớp học để biết con chữ

Lại nói về cuộc đời của “cô giáo” Chuyên cũng nhiều nỗi éo le. Bà sống ở bản Cun, xã Cun Pheo. Gia đình khó khăn quá, nên bà Chuyên mới nhận lời trông lán thuê cho người quen có đất ở bản Suối Rằm. Ấy vậy mà bà Chuyên vẫn yêu đời và mong làm nhiều việc tốt cho bản Mông. Đây cũng là động lực để bà mở lớp dạy chữ cho trẻ em người Mông nơi đây.

Nơi ở của bà Chuyên cũng vô cùng đơn sơ. Trong gian nhà tranh đơn sơ, chỉ có vài cái xoong nồi cùng cái giường được làm từ phên tre ghép lại. Ngoài thời gian làm việc cho nhà chủ, bà chăm chút cho lớp học. Sau mỗi ngày, lớp học được ghép thêm bởi những phên tre.

“Mùa đông ở nơi này lạnh tê tái, nhìn các cháu ngồi học giữa bốn bề gió lùa mà tôi rơi nước mắt. Điều đó càng thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Các cháu biết đọc, biết viết, biết nói tiếng phổ thông là phần thưởng lớn nhất. Cuộc đời tôi, đã từng đi học lớp xóa mù chữ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại trở thành “cô giáo” bất đắc dĩ như thế này”, bà Chuyên nói về lớp học đặc biệt nhất ở xứ Mường với lòng đầy tự hào.                                                                                                

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh giác với tội phạm xuyên biên giới trên không gian mạng

TP.HCM Theo Giám đốc Công an TP.HCM, tình hình tội phạm trên không gian mạng có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là tội phạm xuyên biên giới. Người dân cần cảnh giác, bảo vệ mình.