| Hotline: 0983.970.780

Lúa sạ cụm bằng máy trĩu bông, năng suất tăng 5 - 10%, giảm chi phí

Thứ Bảy 13/08/2022 , 16:22 (GMT+7)

KIÊN GIANG Sạ lúa theo cụm bằng máy có những ưu điểm của ruộng cấy, nhưng không phải tốn công làm mạ, dễ thực hiện, năng suất tăng từ 5 - 10%, giảm nhiều chi phí.

Nông dân hào hứng với mạy sạ lúa theo cụm

Ngày 12/8 tại xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình sạ lúa theo cụm bằng máy vụ hè thu 2022.

Những ruộng lúa sạ cụm bông thưa nhưng to, đều, bông hữu hiệu rất cao, năng suất tăng 5 - 10% so với gieo sạ truyền thống. Ảnh: Trung Chánh.

Những ruộng lúa sạ cụm bông thưa nhưng to, đều, bông hữu hiệu rất cao, năng suất tăng 5 - 10% so với gieo sạ truyền thống. Ảnh: Trung Chánh.

Từ sáng sớm, nhiều nông dân ở xã Nam Thái Sơn đã tập trung về ruộng lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Yến ở ấp Sơn Nam. Cánh đồng lúa hè thu đang thời kỳ trỗ - chín, ngả màu vàng óng. Nhìn từ trên xuống ruộng lúa không có nhiều khác biệt với những ruộng kế bên. Tuy nhiên, khi vạch những bông lúa nhìn xuống gốc, sự khác biệt lộ ra với những bụi lúa thưa đều, thẳng hàng và nở bụi rất to, chồi hữu hiệu vượt trội hơn hẳn.

 Bà Nguyễn Thị Yến phấn khởi chia sẻ, gia đình được chọn tham gia chương trình canh tác lúa thông minh và áp dụng sạ lúa theo cụm bằng máy. Từ vụ đông xuân 2021 - 2022, bà Yến đã tiên phong làm thử 5 công ruộng với mô hình sạ cụm bằng máy. Đến vụ hè thu 2022 thì quyết định làm 2,5ha trong tổng số 5ha đất của gia đình. Bà cho biết vụ tới, bà sẽ áp dụng sạ cụm bằng máy trên toàn bộ diện tích khi đã thấy rõ được những lợi ích của phương pháp gieo sạ này mang lại.

Theo bà Yến, để thực hiện sạ cụm bằng máy, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất từ sạ ngầm qua sử dụng máy sạ cụm, phải rút hết nước ra, trang bằng mặt ruộng và phải sử dụng thuốc diệt mầm để phòng trừ cỏ dại. Bà Yến chia sẻ, lợi ích trước mắt khi sạ lúa theo cụm bằng máy là giảm được 7kg lúa giống/công, giảm 8kg phân bón, giảm 2 - 3 lần phun thuốc trừ sâu và phòng bệnh.

Hiện tại, lúa còn khoảng 4 - 5 ngày nữa mới thu hoạch nhưng đánh giá cảm quan năng suất có thể đạt cao hơn so với lúa sạ lan truyền thống từ 5 - 10%, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều do giảm được chi phí. Quan trọng hơn, phương pháp này giúp giảm hóa chất độc hại, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nông sản.

Sạ lúa theo cụm bằng máy bụi lúa thưa đều, thẳng hàng và nở bụi, cho bông lúa to, số hạt chắc tăng nhiều. Ảnh: Trung Chánh.

Sạ lúa theo cụm bằng máy bụi lúa thưa đều, thẳng hàng và nở bụi, cho bông lúa to, số hạt chắc tăng nhiều. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Bùi Duy Linh có ruộng cặp bên hộ bà Yến đánh giá, sạ cụm bằng máy tiết kiệm lúa giống (5 kg/công) so với sạ lan (ruộng anh Linh sạ bằng máy phun hạt đeo vai với 2 kg/công), giảm chi phí chăm sóc, lúa phát triển tốt, bông to và không bị đỗ ngả. Từ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập của nông dân tốt hơn. Anh Linh quyết định vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 sẽ làm theo mô hình này.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, ruộng nhà bà Yến khi sạ bị mưa, lúa lên khá thưa nên số bông hiện tại thấp hơn so với ruộng đối chứng sạ lan 15%. Tuy nhiên, bù lại bông lúa to, số hạt chắc trên bông tăng 20% nên năng suất vẫn cao hơn. Năng suất tăng, chi phí giảm giúp cho ruộng sạ cụm bằng máy nông dân có thu nhập tốt hơn.  

Khuyến khích nhân rộng mô hình

Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng cho biết, máy cấy rất hiệu quả trong canh tác lúa nhưng quy trình vận hành tốn nhiều công, chi phí đầu tư máy móc lớn, khó nhân rộng. Còn ruộng lúa sạ cụm bằng máy có ưu điểm giống như cấy máy nhưng không tốn công làm mạ, chi phí đầu tư rẻ hơn, vận hành dễ hơn.

Theo bà Hè, hiện Công ty đang phân phối nhiều mẫu máy sạ cụm từ Hàn Quốc, gồm máy nhập khẩu nguyên chiếc hoặc chỉ có dàn sạ gắn sau đuôi máy cày, giúp nông dân dễ lựa chọn đầu tư. Hơn nữa, có dàn kết hợp sạ lúa, bón phân cùng lúc, giúp giảm công lao động cho nhà nông.

Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng chia sẻ với nông dân về kỹ thuật vận hành máy sạ lúa theo cụm và những lưu ý chăm sóc ruộng lúa sau sạ để đạt hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng chia sẻ với nông dân về kỹ thuật vận hành máy sạ lúa theo cụm và những lưu ý chăm sóc ruộng lúa sau sạ để đạt hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều nông dân lo ngại sạ lúa theo cụm bằng máy lượng giống ít, nếu gặp mưa sẽ bị mất giống hoặc bị dồn cục, không hiệu quả? Về vấn đề này, bà Hè cho rằng, kỹ thuật sạ cụm cần ngâm lúa giống khoảng 36 tiếng cho no nước và chỉ ủ vừa nứt nanh thì đem sạ. Nếu gặp mưa thì nên giữ nước giống như sạ ngầm, bón thêm khoảng 5kg urê/công, lúa sẽ phát triển và hạn chế bị dồn cục.

Theo TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, mô hình sạ lúa theo cụm bằng máy đã được đơn vị phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng thực hiện qua nhiều vụ lúa và được nông dân đánh giá dễ thực hiện hơn so với phương pháp cấy máy. Ruộng sạ cụm không chỉ thưa đều, giúp giảm lúa giống, giảm phân bón, thuốc BVTV mà còn cứng cây, chống đổ ngã. Tư đó tăng chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Dũng cho biết, hiện tỉnh Kiên Giang đang có chính sách hỗ trợ nông dân, các HTX đầu tư mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có máy sạ lúa theo cụm. Mô hình sạ lúa theo cụm bằng máy cũng rất phù hợp với chương trình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL do Bộ NN-PTNT phát động, nên được khuyến khích nhân rộng.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.