| Hotline: 0983.970.780

Lúa tím sữa hữu cơ dễ bán, được giá

Thứ Bảy 13/07/2019 , 08:50 (GMT+7)

Về vùng biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp hỏi ông Nguyễn Văn Hương trồng lúa tím sữa hữu cơ ai nấy đều biết. Ông là người đầu tiên phát triển giống lúa này trồng bán giá cao gấp đôi so SX lúa thông thường.  

Lúc chúng tôi đến nhà, ông Hương niềm nở tiếp trong căn nhà mới còn thơm mùi sơn. Ông khoe căn nhà này xây bằng công sức trồng lúa tím hữu cơ.

Ông Hương kể, năm 2017, ông thấy người bạn quê ở xã Tân Thành, huyện Tân Hồng mua giống lúa tím sữa từ miền Bắc về trồng nhưng không thành công. Ông liền xin giống về trồng thử trên diện tích 1ha. Ông bỏ công chăm sóc và trồng theo hướng hữu cơ. Vụ đó cho năng suất rất thấp, chỉ 3 tấn/ha. Ông tiếp tục để giống trồng vụ sau. Số lúa còn lại ông xay gạo để ăn và biếu hàng xóm ăn thử, được mọi người đánh giá gạo ngon.

 Lúa tím sữa hữu cơ có giá cao.

Để có thêm kiến thức, ông tự lên mạng mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo về đặc tính sinh trưởng của giống lúa này. Ông chọn những cây lúa to khỏe, đồng đều rồi nhân rộng diện tích trồng lên gần 4ha.

Đến vụ ĐX 2018 - 2019, nguồn giống đã được ông Hương thuần chủng tốt, thích ứng với thổ nhưỡng, cây phát triển mạnh, cho năng suất từ 5 - 5,5 tấn/ha, bán giá lúa thương phẩm từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, lợi nhuận gấp đôi so với SX lúa truyền thống.

Để có đầu ra ổn định và làm ăn lâu dài, ông Hương đã liên kết với một DN tại huyện Tam Nông đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá thu mua là 9.000 đồng/kg giống lúa tím sữa, đầu vào sẽ được Cty cung cấp như phân, thuốc sinh học, kỹ thuật… Đến cuối vụ ông mới thanh toán lại cho Cty.  

Theo ông Hương, trồng lúa tím sữa hữu cơ chi phí cao hơn so với cách làm lúa truyền thống nhưng  sản phẩm dễ bán, lại được giá. Điều quan trọng hơn là đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hương, ban đầu khi đem gạo tím sữa bán ra thị trường thì gặp không ít khó khăn vì ít người biết đến sản phẩm. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được ông cho dùng thử. Khi khách hàng nhận thấy sản phẩm chất lượng, khen ngon rồi đặt hàng, giới thiệu bạn bè đến mua.

 Ông Nguyễn Văn Hương bên sản phẩm Gạo Nghĩa Nhân.

Ông Hương còn chú trọng mang gạo đi kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, ông cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... Nhờ cách làm này mà sản phẩm gạo tím sữa của ông tạo được uy tín, ngày càng được nhiều người biết đến.

Trong quá trình SX lúa tím sữa theo hướng sạch, ông Hương nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Điều này tiếp thêm “ngọn lửa” giúp tăng động lực ông kiên trì theo đuổi mô hình.

Hiện ông Hương đang hướng dẫn 10 nông dân làm theo mô hình với diện tích hơn 12ha, đều đem lại hiệu quả tốt.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng cho biết, qua 3 vụ mô hình SX lúa tím sữa của ông Hương đang đem lại kết quả tốt, bởi với mức đầu tư tương đương, lợi nhuận cao hơn phương pháp canh tác truyền thống. Đồng thời gạo tím sữa được đóng gói bán cho thị trường TP.HCM và ĐBSCL được nhiều người chấp nhận. Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ ông Hương làm các thủ tục như đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Gạo Nghĩa Nhân...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.