Vụ lúa nào thu hoạch sớm nhất trong năm được đánh số 1. Theo đó vụ ĐX được gọi là vụ 1. Vụ lúa HT gieo trồng vào đầu mùa mưa và thu hoạch trong khoảng tháng 8-9 được gọi là lúa vụ 2.
Sau khi thu hoạch lúa vụ 1 nhưng mùa mưa chưa đến, có một số nông dân sáng tạo bằng cách rải rơm trên đồng, đốt rơm rạ, không làm đất và gieo hạt giống đã nảy mầm trên lớp tro ẩm. Vụ lúa này hình thành sau khi vụ 1 và vụ 2 đã phổ biến đại trà nên được gọi là lúa vụ 3.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, chính quyền lúc đó phê phán và cấm trồng vụ lúa này. Vì không làm đất, nền đất cứng nên lúa này còn gọi là lúa “sạ chai” (có nghĩa là chai cứng). Vì bị chính quyền cấm, nhưng người dân vẫn lén lút làm nên vụ này còn được gọi với tên khác là vụ lúa “sạ chui”. Vụ lúa “sạ chai”, “sạ chui” tương ứng với vụ lúa xuân hè (XH) hiện nay.
Gần đây với việc hình thành các vùng đê bao lửng (đê chống lũ tháng 8) và đê bao khép kín nên người dân trồng được một vụ lúa nữa, thu hoạch trước khi lũ lên, hoặc thu hoạch sau khi lũ rút lúc mùa nắng bắt đầu. Tên gọi của vụ này cũng là vụ 3.
Thật ra, nếu chấp nhận vụ lúa XH là một vụ chính thức thì tên gọi theo con số phải là: Vụ 1 ĐX, vụ 2 XH, vụ 3 HT và vụ 4 thu đông (TĐ). Do vậy việc gọi các vụ lúa theo con số đã gây ra nhiều nhầm lẫn.
Ngày nay ở vùng ĐBSCL các vụ lúa được đặt tên theo mùa. Vụ ĐX gieo sạ từ cuối năm trước (tháng 11-12) và thu hoạch vào đầu năm sau (tháng 2-3). Vụ XH gieo ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX (tháng 2-3) và thu hoạch vào khoảng tháng 5-6.
Ở những vùng có đê bao lửng, nông dân sạ lúa TĐ vào khoảng tháng 6 và thu hoạch trong tháng 8-9, trước khi nước lũ về. Ở những vùng đê bao khép kín, vụ TĐ không phải chạy lũ nên trồng muộn hơn, gieo sạ trong cuối tháng 8 đầu tháng 9 và thu hoạch vào cuối tháng 11 đầu tháng 12.
Vừa qua có một số ý kiến về thủy lợi ĐBSCL, cho rằng đào kênh, đắp đê, bờ bao cản trở dòng chảy trên đồng, gây lụt lội nhiều hơn cho các vùng khác. Đê bao cản trở phù sa vào đồng ruộng, đất không được gia tăng độ phì. Đê bao gây ô nhiễm môi trường bên trong đê.
Thật ra sự phát triển hệ thống kênh mương ở nước ta đã góp phần làm giảm lũ trên đồng tại Campuchia. Hàng năm có khoảng 180 triệu tấn phù sa đổ vào lãnh thổ Việt Nam với trung bình 500-600 gram/m3.
Trong đó 70% lượng phù sa theo sông Tiền, sông Hậu bồi lắng đáy sông và bãi bồi ven sông, cửa biển; 17% bồi lắng trong các nhánh sông, rạch và chỉ có 13% tương ứng với 23,4 triệu tấn bồi lắng trên các vùng trũng của đồng bằng.
Nếu lượng phù sa này trải đều trên toàn đồng bằng thì mỗi năm chỉ cao thêm 0,78 mm trong vòng 100 năm tới và đến cuối thế kỷ 21 chỉ đạt 78mm, con số rất nhỏ so với 1.000 mm chiều cao nước biển dâng.
Vả lại đê bao khép kín nhưng dòng chảy vẫn thông thương với sông rạch qua hệ thống cống với sự điều tiết của cộng đồng dân cư liên quan, không tách rời con sông mẹ Mekong nên chất dinh dưỡng theo phù sa và nước vẫn có thể vào nội đồng.
Vụ lúa TĐ ở ĐBSCL hiện nay đã được định hình để phát triển. Thực tế đang có những loại trà lúa thu đông trong vùng: Vụ TĐ trong cơ cấu 3 vụ lúa trong vùng ảnh hưởng lũ ngập sâu như An Giang, Đồng Tháp, với diện tích năm 2012 khoảng 255.000 ha.
Vùng này đòi hỏi hệ thống thủy lợi phải hoàn chỉnh, đê bao vững chắc; vụ TĐ trong hệ thống 3 vụ lúa, nhưng chịu ảnh hưởng lũ ngập cạn như Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, có diện tích năm 2012 đạt khoảng 260.000 ha; vụ TĐ trong cơ cấu 2 vụ và 1 vụ tôm – lúa vùng ven biển, không chịu ảnh hưởng của lũ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có diện tích hàng năm khoảng 160.000 ha (cho cả lúa mùa và lúa cao sản).
Ngoài ra ở Long An có 50.000 ha và Bến Tre 26.000 ha trồng lúa mùa TĐ nhưng thu hoạch sang tháng 1 năm sau và việc sắp xếp các trà lúa này vào vụ 1 hay vụ 3 vẫn chưa rõ ràng, dứt khoát. (Còn nữa)