| Hotline: 0983.970.780

Lúa xuân nhiễm ốc bươu vàng, đạo ôn, rầy nâu...

Thứ Ba 17/03/2020 , 09:09 (GMT+7)

Thời điểm này, trên những cánh đồng lúa xuân ở Nam Định đã và đang xuất hiện ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, rầy hại lúa.

Nông dân Nam Định bắt ốc bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Mai Chiến.

Nông dân Nam Định bắt ốc bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, thời gian qua thời tiết diễn biến thuận lợi; công tác chăm sóc lúa xuân được các địa phương thực hiện kịp thời nên các trà lúa sinh trưởng, phát triển nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 8.710 ha lúa xuân bị nhiễm ốc bươu vàng. Trong đó, nhiễm nặng khoảng 200 ha, nhiễm nhẹ là 6.800 ha. Trung bình, mật độ từ 0,1 - 0,5 con/m2, cao 2 - 3 con/m2, cá biệt 7 - 10 con/m2.

So với cùng kỳ năm trước, ốc bươu vàng có mật độ, mức độ gây hại thấp hơn so với vụ xuân 2019 và gây hại chủ yếu ở các vùng trũng như huyện Nghĩa Hưng (nhiễm 3.500 ha), Hải Hậu (1.500 ha), Vụ Bản (1.100 ha), Giao Thủy (1.000 ha), Ý Yên (1.000 ha).

Ông Vũ Minh Tú (huyện Ý Yên) chia sẻ, 3 sào lúa xuân của gia đình ông đang ở giai đoạn phát triển. Hiện, trong ruộng đã xuất hiện ốc bươu vàng hại lúa, mật độ khoảng 2 - 3 con/m2. Để cây lúa sinh trưởng tốt, không bị ảnh hưởng bởi ốc bươu vàng, ông đang tranh thủ bắt ốc bằng phương pháp thủ công.

Chia sẻ với Báo NNVN, ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho hay, theo tổng hợp, đến nay các địa phương trong tỉnh đã thu gom được gần 30.000kg ốc bươu vàng và hơn 800kg trứng ốc.

Chi cục đã có những chỉ đạo tới các huyện, thành phố hướng dẫn bà con bắt ốc bằng phương pháp thủ công. Song các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ. Ốc thu gom đem tiêu hủy hoặc dùng làm phân bón cho cây trồng, nghiền làm thức ăn chăn nuôi.

Dùng thuốc hóa học khi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ không thể bắt bằng tay. Ưu tiên sử dụng thuốc nhóm hoạt chất Metaldehyde an toàn cho cây trồng và ít gây độc đối với động vật thuỷ sinh. Ngoài ra, thả vịt vào mương máng, ruộng lúa đã cứng hoặc sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc con.

Tuy nhiên, ông Chính cũng khuyến cáo, trong trường hợp phải sử dụng thuốc hóa học thì khi phun thuốc cần hoành triệt, không cho nước trong ruộng chảy ra mương máng khoảng 3 - 4 ngày. Không phun thuốc gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Diệt ốc bươu vàng phải mang tính chất cộng đồng, tự giác, thường xuyên, đúng phương pháp.

“Qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nông dân trong tỉnh nên đã hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của ốc bươu vàng, bảo vệ an toàn sản xuất”, ông Chính bộc bạch.

Tại Nam Định, bệnh đạo ôn lá cũng đã xuất hiện rải rác, nơi cao tỉ lệ bệnh từ 1 - 3% trên các giống nhiễm (BC15, Khang dân 18, TBR225, Nếp...) tại xã Hiển Khánh (huyện Vụ Bản); xã Nghĩa Hải, Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng)…

Đến nay các địa phương trong tỉnh đã thu gom được gần 30.000kg ốc bươu vàng. Ảnh: Mai Chiến.

Đến nay các địa phương trong tỉnh đã thu gom được gần 30.000kg ốc bươu vàng. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, rầy lưng trắng lứa 1 (môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) đã xuất hiện với mật độ trung bình 20 - 30 con/m2, cao 150 - 200 con/m2, cá biệt 300 - 500 con/m2 (ở xã Hải Đông, Hải Quang - huyện Hải Hậu,...) chủ yếu tuổi 1, tuổi 2. Rầy có mật độ cao hơn cùng kỳ năm trước từ 2 - 3 lần và sẽ nở rộ từ ngày 16 - 22/3.

Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết thêm, hiện đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định thu thập mẫu giám định virus lùn sọc đen.

Theo đó, thu thập mẫu lúa, mẫu rầy 1 lần/tuần tại 3 điểm/huyện. Thời gian chú trọng thu thập mẫu từ 24/2 - 26/3/2020. Đến nay, kết quả giám định virus trên 65 mẫu rầy, 24 mẫu lúa từ ngày 1/2 - 12/3 chưa phát hiện có mẫu dương tính với virus lùn sọc đen.

Vụ xuân 2020, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 73.100 ha lúa (lúa lai chiếm 15% diện tích, lúa thuần 85% diện tích). Trong đó, diện tích gieo sạ khoảng 42.000 ha, chiếm 57% tổng diện tích gieo cấy.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.