| Hotline: 0983.970.780

Ốc bươu vàng, đạo ôn thi nhau 'ăn' lúa

Thứ Sáu 21/02/2020 , 13:20 (GMT+7)

Mặc dù vụ lúa Xuân 2020 ở Hà Tĩnh mới ở giai đoạn đẻ nhánh nhưng đã có đến hàng trăm hecta bị ốc bươu vàng, chuột và bệnh đạo ôn lá gây hại.

Ốc bươu vàng đang phát triển ồ ạt ở Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ốc bươu vàng đang phát triển ồ ạt ở Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Chuột, ốc bươu vàng hoành hành

Vụ xuân 2020 toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy hơn 56.900 ha lúa. Với quan điểm chỉ đạo, ưu tiên giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, toàn bộ diện tích trên xuống giống đúng lịch thời vụ trà xuân trung và xuân muộn. Hiện trà xuân trung đang ở giai đoạn đẻ nhánh – dặm tỉa; trà xuân muộn 1 lá – đẻ nhánh.

Mặc dù lúa đang ở gian đoạn đầu chu kỳ phát triển, song so với những năm trước, năm nay sâu bệnh, dịch hại phát sinh sớm hơn, mật độ cao hơn và cường độ gây hại cũng ghê gớm hơn. Điển hình là chuột và ốc bươu vàng.

“Trước khi vào vụ sản xuất bà con đã ra quân bắt thủ công ốc bươu vàng, vừa bảo vệ mùa màng, vừa bán tăng thu nhập. Tuy nhiên, do tốc độ sinh sản của sinh vật ngoại lai này quá nhanh nên bây giờ nhiều diện tích đã bị chúng cắn phá trắng ruộng”, một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên nói.  

Trước mùa vụ bà con nông dân đã ra quân bắt thủ công. Ảnh: Thanh Nga.

Trước mùa vụ bà con nông dân đã ra quân bắt thủ công. Ảnh: Thanh Nga.

Theo khảo sát của ngành chuyên môn, chuột và ốc bươu vàng phát sinh, gây hại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, mật độ trung bình ốc bươu vàng 3 - 7con/m2, nơi cao 20 - 30 con/m2; tỷ lệ gây hại của chuột trung bình 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%; tổng diện tích bị phá hoại lên đến hàng trăm ha.

Vụ xuân 2020, huyện Cẩm Xuyên gieo cấy hơn 9.500 ha lúa. Ngay từ đầu vụ sản xuất, để hạn chế chuột phá hoại, ngoài tuyên truyền, phát động người dân ra quân phát dọn bờ vùng, bờ thửa; đánh bã sinh học, chính quyền một số xã như Cẩm Lạc, Cẩm Lộc, Cẩm Trung… còn hỗ trợ từ 50 – 100% kinh phí cho người dân mua bả diệt chuột.

Thế nhưng, thời điểm này, chuột vẫn phát sinh, cắn phá rất nhiều diện tích lúa, đặc biệt là ở những vùng gần dân cư, gần đường, mương máng… với tỷ lệ gây hại trung bình 3 – 5%, nơi cao 10 – 15%; diện tích chuột hại từ 5% trở lên khoảng 65 ha.

“Đối với ốc bươu vàng, chưa có năm nào chúng phát sinh mật độ cao và gây hại nhiều như năm nay. Hầu hết các vùng sâu trũng trên toàn huyện đều bị ốc bươu vàng tấn công. Trong đó, 85 ha mật độ bình quân 2 – 5 con/m2 và khoảng 15 ha mật độ 25 – 30 con/m2”, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên nói.

Với số liệu Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cung cấp trên cho thấy, không ít diện tích lúa đã bị chuột và ốc bươu vàng “xơi” trắng ruộng. Bởi, mật độ cấy bình quân 50 – 52 khóm/m2, nếu 25 con ốc bươu vàng/m2 thì chỉ khoảng 2 đêm chúng đã ăn sạch sành sanh cả sào lúa.

Nhưng vẫn không thể ngăn chặn chúng phá hoại hàng trăm ha lúa Xuân 2020. Ảnh: Thanh Nga.

Nhưng vẫn không thể ngăn chặn chúng phá hoại hàng trăm ha lúa Xuân 2020. Ảnh: Thanh Nga.

Không đến mức nặng nề như Cẩm Xuyên nhưng hầu hết diện tích lúa của huyện Thạch Hà và Đức Thọ cũng đang bị chuột và ốc bươu vàng hoành hành. Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho hay, hiện có khoảng 300/8.060 ha lúa của huyện bị ốc bươu vàng phá hoại, với mật độ bình quân 4 – 5 con/m2. So với những năm trước, mật độ này là rất cao vì tính bình quân 1 sào lúa 500m2 có đến 2.000 con ốc bươu vào (4 con/m2) giữa ruộng thì quá đáng báo động.

Đạo ôn lá có xu hướng gia tăng

Thời điểm này bệnh đạo ôn lá cũng đang hết sức căng thẳng, nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi, phòng trừ kịp thời. Ảnh: Thanh Nga.

Thời điểm này bệnh đạo ôn lá cũng đang hết sức căng thẳng, nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi, phòng trừ kịp thời. Ảnh: Thanh Nga.

Thời điểm này thời tiết trên địa bàn Hà Tĩnh đang duy trì hình thái ấm, ẩm, một số vùng gieo cấy sớm cây lúa bước vào thời kỳ phát triển mạnh về thân lá, kết hợp với bà con tiến hành bón thúc giai đoạn đẻ nhánh nên bệnh đạo ôn lá đã bắt đầu phát sinh gây hại.

Để ngăn chặn ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở, nông dân có thể áp dụng 2 giải pháp. Thứ nhất là biện pháp thủ công (khuyến cáo áp dụng): Tiến hành rút nước khỏi ruộng, tạo rãnh nước để ốc tập trung xuống vùng có nước và tiến hành bắt diệt. Diệt trừ ổ trứng trên bờ cỏ, bờ kênh bê tông để hạn chế mật độ ốc sinh sôi.Đối với biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc Trừ ốc Aic 700WP hoặc Cửu Châu 6 GR để phun diệt trừ.

Các giống lúa chính đã xuất hiện bệnh đạo ôn là Xi23, TBR225, P6; với tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%, cục bộ 15 - 20%; tập trung nhiều ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh…

Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ thông tin, hiện tại các trà lúa trên địa bàn huyện đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Tuy nhiên, nấm bệnh đạo ôn đã phát sinh, phát triển mạnh trên giống lúa P6, tỷ lệ nhiễm trung bình 4 – 5%.

Dự báo thời gian tới đạo ôn lá có xu hướng gia tăng và sẽ gây cháy ổ nếu không phòng trừ kịp thời. Vì vậy, bà con cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện bệnh sớm.

“Khi phát hiện bệnh phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm, duy trì mực nước hợp lý và tiến hành xử lý bằng một trong các loại thuốc sau: Fukasu 42WP, Fuji one 40WP, Mix Perfect 525SE, Fu Nhật 40WP, Beam 75WP, Kabim 30WP, Ninja 35SE, Bankan 600WP, Ka-Bum800WP,...”, ông Đông khuyến cáo.

Bà con cũng cần lưu ý thêm, với những ruộng bị bệnh nặng tiến hành cắt bỏ các lá bị bệnh đem tiêu hủy sau đó mới xử lý thuốc.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.