Việt Nam cải thiện quy mô dự án FDI
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính từ đầu năm đến ngày 20/4, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) vào Việt Nam đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn FDI thực hiện ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
4 tháng đầu năm, cả nước có 451 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 54,2% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đăng ký lại đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, quy mô dự án FDI trong những tháng đầu năm 2021 có sự cải thiện so với cùng kỳ 2020.
Cùng với đó, có 263 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 2,7 tỷ USD. Có 1.151 lượt GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị vốn góp đạt trên 1 tỷ USD. Trước tác động của dịch bệnh CovidD-19, đầu tư trên toàn thế giới bị giảm mạnh, thu hút FDI vẫn duy trì kết quả khả quan, điều này cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư lâu dài và gặt hái thành công ở Việt Nam.
Điều đó cho thấy, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu đã song hành, hỗ trợ, tương tác chặt chẽ, phát huy tối đa sức mạnh nội lực cũng như cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, đồng thời góp phần đưa Việt Nam đứng trong danh sách các quốc gia có mức xuất khẩu trên trung bình của thế giới.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực thu hút tiềm năng nhất là chế biến chế tạo, lương thực thực phẩm. Số doanh nghiệp Nhật có mong muốn mở rộng thị phần tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Hiện Việt Nam được xếp tốp 10 thị trường tiêu thụ trọng yếu của hàng hóa Nhật Bản.
Môi trường kinh doanh an toàn
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid-19 thì Việt Nam có thể đảm bảo rằng các công ty ở đây có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các doanh nghiệp Châu Âu.
Theo báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham (Business Climate Index - BCI) quý 1 năm 2021, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt 73,9 điểm %. Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý 3 năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 tấn công hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Kết quả khảo sát cho thấy sự lạc quan về môi trường kinh doanh tiếp tục được duy trì, tăng 47 điểm % trong 12 tháng qua.
Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2021, và kết quả này cũng được phản ánh qua niềm tin của các doanh nghiệp Châu Âu. Các thành viên EuroCham cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Hơn 60% người tham gia khảo sát cho biết, công ty họ được hưởng lợi từ khi Hiệp định đi vào triển khai.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 định hình tương lai của FDI. Làn sóng này không chỉ chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ USD nếu không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là định hướng rõ ràng trong thu hút dòng vốn FDI giai đoạn tới. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng. Theo ông Lộc, trong thời gian tới cần chú trọng quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước. Nên chăng có Luật Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, trong thời gian tới, khu vực FDI vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó, Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo, phát triển.
Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề gồm: Quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định.
Tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
Song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng. Để từ đó giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.