| Hotline: 0983.970.780

Mặn sớm& sâu

Thứ Năm 25/02/2010 , 07:15 (GMT+7)

Theo Đài KTTV khu vực Nam bộ, do tác động triều cường và gió chướng đã đẩy nước biển vào các vùng cửa sông, đặc biệt từ ngày 17/2 xâm nhập mặn ở Nam bộ tăng mạnh so với 10 ngày trước. Tại Trà Vinh độ mặn lên cao 34 ‰; ở Bến Lức (Long An) 1,5 ‰; Sóc Trăng 1,7 ‰; Rạch Giá (Kiên Giang) 13 ‰; Cà Mau 25,4 ‰; Phước Long (Bạc Liêu) 24,8 ‰...

Sau Tết Nguyên đán, nông dân ở ĐBSCL đã đối mặt với nạn mặn xâm nhập sớm và ăn sâu vào đất liền hơn mọi năm.

Theo Đài KTTV khu vực Nam bộ, do tác động triều cường và gió chướng đã đẩy nước biển vào các vùng cửa sông, đặc biệt từ ngày 17/2 xâm nhập mặn ở Nam bộ tăng mạnh so với 10 ngày trước. Tại Trà Vinh độ mặn lên cao 34 ‰; ở Bến Lức (Long An) 1,5 ‰; Sóc Trăng 1,7 ‰; Rạch Giá (Kiên Giang) 13 ‰; Cà Mau 25,4 ‰; Phước Long (Bạc Liêu) 24,8 ‰. Dự báo trong đợt triều cường rằm tháng Giêng tới độ mặn còn tăng cao hơn.

Ông Phan Văn Khổng, GĐTT Khuyến nông-Khuyến ngư Bến Tre cho biết hiện mặn đã vào cách cửa sông khoảng 30km. Nhờ hệ thống cống đập Ba Lai giống như một hồ chứa nước nên nguồn nước mặt được người dân dùng trong sinh hoạt. Nhưng hiện thời nước mặt lấy từ sông lên chỉ tắm giặt chứ không thể nấu ăn được. Và độ mặn 4 ‰ đã bắt đầu gây hại đến SXNN.

Mở cống lấy ngọt từ kênh quản lộ Phụng Hiệp

Cao điểm mặn xâm nhập lúc này là tỉnh Trà Vinh với 65km bờ biển lại nằm giữa hai sông Tiền và sông Hậu thông ra biển Đông qua hai cửa Cung Hầu và Định An. Nông dân tại các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Càng Long...đang rất lo lắng. Bà Lê Thị Tuyết Hồng, PGĐ Sở NN- PTNT Trà Vinh nói: “Đến thời điểm này ở Càng Long lúa ĐX đã thu họach vãn. Còn những vùng khác lúa đang làm đòng và trổ. Hiện các địa phương hiện đã đóng lại các cống đập đồng thời khuyến cáo bà con nông dân giữ mực nước đủ để đảm bảo lúa ngậm sữa”.

Ở các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau, nam sông Hậu, mặn xâm nhập sớm còn gây hại tới các vườn cây ăn trái. Tại Sóc Trăng mặn xâm nhập mạnh: huyện Vĩnh Châu độ mặn lên 4-6 ‰; huyện Mỹ Xuyên 3-6 ‰; các huyện Long Phú, Cù Lao Dung độ mặn cũng tăng lên 1-2 ‰.

Trong khi đó tại Bạc Liêu mặn xâm nhập sớm đe dọa 20.000ha lúa ĐX 40- 50 ngày tuổi. Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Thủy lợi Bạc Liêu cho hay: Từ mùng 4 Tết mặn đã vào tiểu vùng ngọt huyện Phước Long sớm hơn mấy năm trước gần một tháng. Nhờ bà con dốc sức ngăn mặn nên hiện lúa trên đồng chưa thiệt hại. Các địa phương đã đóng tất các các cống ngăn mặn không cho vượt qua kênh trục Nàng Rền, cắt đứt đường mặn xâm nhập từ Sóc Trăng về và cùng lúc mở một số cống từ lấy nước ngọt từ kênh quản lộ Phụng Hiệp nhằm đẩy nước mặn ra.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, ở ĐBSCL độ mặn cao nhất năm sẽ rơi vào tháng 4 và 5/2010. Nước mặn có độ mặn gây hại cho cây trồng 4%0 trở lên từ cửa sông sẽ vào sâu đất liền 40-45km. 

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Thủy lợi Hậu Giang sau mấy ngày lặn lội tới các vùng lúa có nguy cơ bị mặn nhận định: “Hậu Giang như vùng tâm điểm, mặn từ hướng sông Cái Lớn Rạch Giá (Kiêng Giang) đổ vào và từ Bạc Liêu đưa lên. Tại các xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn và một phần xã Xà Phiên thuộc huyện Long Mỹ mặn đã dấn sâu, độ mặn 4-7 ‰. Mặn còn vào tới hai xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến từ 2- 5,5 ‰ thuộc thị xã Vị Thanh – trung tâm tỉnh Hậu Giang. Lúc này 1.500ha lúa trong vùng đang trổ bị đe dọa, cần phải ngăn mặn triệt để".

Các trạm quan trắc dự báo từ nay đến 27/2/2010 diễn biến tình hình mặn xâm nhập dự báo sẽ còn mạnh hơn với độ mặn tăng lên từ 4 ‰- 8 ‰ tại Long Mỹ. Nếu độ mặn trên kênh xáng Xà No qua tại TX Vị Thanh vượt 3 ‰ thì nguồn nước mặt không thể dùng ăn uống được.

Theo các nhà chuyên môn, những tác động hiển hiện từ việc chắn dòng xây dựng một số đập thủy điện trên vùng thượng nguồn đã làm cho dòng sông Mekong thay đổi. Mấy năm qua, lũ trên sông Mekong không còn dâng cao, nguồn lợi thủy sản đánh bắt, trong đó có cá linh sụt giảm nghiêm trọng. Lũ rút nhanh và mùa kiệt đến sớm hơn. Do đó cùng với những tác động biến đổi khí hậu toàn cầu dự báo vùng ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Mới đầu năm mặn xâm nhập sớm đã báo động một mùa khô hạn khốc liệt hơn năm 2009.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.