| Hotline: 0983.970.780

Mạng lưới thú y cơ sở đứt gãy, phòng chống dịch bệnh chậm trễ

Thứ Năm 25/07/2024 , 16:25 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Thú y cơ sở là mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng mạng lưới này đang bị đứt gãy, khiến việc giám sát, báo cáo thông tin không kịp thời.

Thú y cơ sở, mắt xích quan trọng phòng chống dịch bệnh

Trước đây, tại tỉnh Đồng Tháp, Trạm Chăn nuôi và Thú y là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh quản lý.

Trạm có chức năng thực hiện quản lý nhà nước về chuyên ngành chăn nuôi và thú y (bao gồm cả thú y trên thủy sản).

Đây là lực lượng hỗ trợ đắc lực công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm… từ tỉnh đến huyện, thành phố.

Nhờ đó, công tác thu thập, báo cáo thống kê số liệu liên quan đến ngành luôn được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Hệ thống thú y cơ sở là mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương. Ảnh: Văn Vũ.

Hệ thống thú y cơ sở là mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương. Ảnh: Văn Vũ.

Có thể khẳng định, hệ thống thú y cơ sở là một lực lượng đóng vai trò mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trường hợp, xảy ra dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh có thể huy động ngay lực lượng và thiết bị ở tất cả các trạm trong toàn tỉnh cùng tham gia ứng phó, khống chế nhanh gọn.

Hay quá trình tiêm phòng dịch cũng diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn khi có sự tham gia của các Trạm Chăn nuôi và Thú y.

Quá trình kiểm soát vận chuyển động vật và xử lý giết mổ cũng được đảm bảo. Do mỗi trạm được bố trí ít nhất 7 viên chức, nhờ đó kịp thời phát hiện vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ từ Cục Thú y (cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp trung ương) đến Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, rồi đến các trạm cấp huyện được xuyên suốt.

Hàng loạt khó khăn khi Trạm Chăn nuôi và Thú y cơ sở giải thể

Ngày 25/5/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 55/QĐ-UBND-TL về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố. Đến ngày 15/1/2019 tiếp tục ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND-HC về việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị thuộc và trực thuộc Sở NN-PTNT hệ thống thú y cấp tỉnh.

Việc sắp xếp này hướng tới mục tiêu đổi mới, tổ chức lại bộ máy một cách tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng nghĩa, các Trạm Chăn nuôi và Thú y bị giải thể. Thay vào đó, lực lượng chăn nuôi và thú y sáp nhập vào các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai quyết định này, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của hệ thống cơ quan thú y.

Từ công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đến khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, tái sản xuất trong chăn nuôi… đều bộc lộ hạn chế.

Theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, sau khi các Trạm Chăn nuôi và Thú y ở cơ sở bị giải thể, đơn vị đã thành lập 9 tổ thú y, nhưng các tổ này không có tư cách pháp nhân.

Do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ về chuyên ngành chăn nuôi và thú y gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phối hợp với ngành chức năng địa phương.

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Đồng Tháp có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh: Kim Anh

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Đồng Tháp có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh: Kim Anh

Hoạt động của các cán bộ thú y lệ thuộc sự quản lý của các Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế hoặc các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Ông Hiền bộc bạch, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Đồng Tháp xảy ra thường xuyên và có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều dịch bệnh mới xuất hiện và xâm nhập gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi như: Dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò.

Trong khi đó, từ khi sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, ngành chăn nuôi và thú y gặp khó khi thiếu chức năng quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Vì thế, công tác giám sát, báo cáo thông tin dịch bệnh không được thực hiện kịp thời. Thậm chí xuất hiện tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế và các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Hiện nay, nhân lực phụ trách chăn nuôi và thú y tại các đơn vị trên cũng còn khá mỏng. Do đó, nhiệm vụ chủ yếu vẫn là tuyên truyền, phổ biến, thiếu lực lượng phát hiện, dập dịch ở cơ sở... điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tuy hiện nay đã có quy chế phối hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thế nhưng, các đơn vị trực thuộc Sở và các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hay Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế vẫn còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ, lúng túng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với công tác kiểm soát vận chuyển động vật, đang gặp khó hoặc không thể thực hiện được. Bởi khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cần thành lập các chốt kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy vật nuôi. Thế nhưng lại không có nhân viên thú y tham gia thực hiện được các biện pháp chống dịch. Hệ quả là dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài.

Công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở Đồng Tháp đang bộc lộ nhiều hạn chế từ việc giải thể các Trạm Chăn nuôi và Thú y. Ảnh: Văn Vũ.

Công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở Đồng Tháp đang bộc lộ nhiều hạn chế từ việc giải thể các Trạm Chăn nuôi và Thú y. Ảnh: Văn Vũ.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như: kiểm dịch động vật, giám sát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y… do thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy, hạn chế về con người, trình độ chuyên môn nên không thực hiện kịp thời.

Đối với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, với vị thế là cơ quan dịch vụ kỹ thuật của UBND cấp huyện. Không phải là cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện. Đơn vị này với vai trò là đơn vị dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, không thực hiện quản lý nhà nước. Do đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp phải phối hợp công tác theo tính chất hợp đồng thỏa thuận.

Còn với mạng lưới thú y cấp xã, toàn tỉnh có 138/143 xã, phường, thị trấn có nhân viên thú y hợp đồng, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở, do UBND xã quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, đa phần các nhân viên phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác tại địa phương. Từ đó, thời gian xuống địa bàn giám sát, thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi, thú y và thủy sản bị thu hẹp, dẫn đến hạn chế năng lực kiểm soát, định hướng, chẩn đoán bệnh động vật, lúng túng trong xử lý ổ dịch và tư vấn phòng, chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi.

Tái thành lập để đảm bảo công tác thú y cơ sở

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.

Từ đây, ông Võ Bé Hiền kiến nghị, tỉnh Đồng Tháp cần tái thành lập các Trạm chuyên môn và mạng lưới thú y cấp xã theo Luật Thú y, nhằm đảm bảo công tác thú y cũng như đảm bảo cơ chế phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật thường xuyên được triển khai, đảm bảo hạn chế dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Kim Anh.

Công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật thường xuyên được triển khai, đảm bảo hạn chế dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Kim Anh.

Đối với UBND các huyện, thị, thành tạm thời phân công cụ thể bằng văn bản, cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về chăn nuôi, thú y, thủy sản tại địa phương.

Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn: chăn nuôi, thú y, thủy sản của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp. Quan tâm hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ và tạo điều kiện để nhân viên thú y xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mới đây, tại báo cáo tiến độ, kết quả 3 năm tổ chức triển khai Đề án ngành thú y, giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ để địa phương tái thành lập các trạm chuyên môn thú y và mạng lưới thú y cấp xã.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.