| Hotline: 0983.970.780

Mang Yang sạt lở nặng nề tại khu vực khai thác đá

Thứ Năm 19/10/2023 , 10:38 (GMT+7)

Nhiều diện tích cây trồng bị cuốn trôi theo dòng nước, đường dân sinh nguy cơ bị nhấn chìm....

Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiệt hại do sạt lở dòng suối Hra. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiệt hại do sạt lở dòng suối Hra. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây trồng thiệt hại, đường dân sinh bị đe dọa

Hàng chục hộ dân tại địa bàn 2 xã Hra và Đăk Ta Ley (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã làm đơn kiến nghị về việc khai thác đá của Công ty Cổ phần đá Mang Yang Trang Đức làm thay đổi dòng chảy, biến dạng địa hình gây sạt lở lớn. Đặc biệt, nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng, con đường liên xã có nguy cơ mất an toàn.

Theo đơn kiến nghị, kể từ khi Công ty Cổ phần đá Mang Yang Trang Đức bắt đầu thực hiện dự án đầu tư khai thác đá từ năm 2014 đã gây ra những hệ lụy. Cụ thể, hoa màu, cây công nghiệp mà bà con đang canh tác bị thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cũng như môi trường sống trong lành của người dân.

Đặc biệt, vào ngày 6/9/2023, sau cơn mưa lớn đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, dẫn đến làm trôi mất đất canh tác và cây trồng của các hộ dân.

Ghi nhận thực tế tại suối Hra (thôn Phú Yên, xã Hra) nhiều diện tích cây trồng như cà phê, lúa, bời lời… đã bị sạt lở nghiêm trọng. Một phần diện tích đất trồng cây trước đó của người dân đã bị cuối trôi theo dòng suối Hra.

Nguy cơ sạt lở khu vực suối Hra vẫn diễn ra. Ảnh: Tuấn Anh.

Nguy cơ sạt lở khu vực suối Hra vẫn diễn ra. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà Đặng Thị Ngọc Hiền (thôn Phú Yên, xã Hra) cho biết, gia đình có 7 sào đất trồng cà phê và sầu riêng thì có hơn 2 sào đã bị cuốn trôi theo dòng suối Hra. Sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều cây cà phê mới tái canh của gia đình cũng bị nước cuốn trôi. Gia đình bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“UBND xã Hra cũng đã phối hợp với huyện Mang Yang đi kiểm tra tình hình thực tế nhưng không xác định được nguyên nhân sạt lở do khai thác đá hay thiên tai gây ra. Phải có phương pháp nào đó chứ cứ đưa lý do không xác định được nguyên nhân rồi để người dân chịu thiệt mãi sao. Không thể đổ lỗi do thiên tai được, gia đình chúng tôi canh tác hơn 30 năm nay có sao đâu, khi mỏ đá khai thác mới xảy ra tình trạng như thế này. Hiện gia đình không chỉ thiệt hại về hoa màu mà đất canh tác vĩnh viễn không còn nữa”, bà Hiền cho biết.

Phía bên kia suối Hra thuộc địa phận xã Đăk Ta Ley, tình trạng sạt lở đã khiến hơn 10 hộ dân cũng bị thiệt hại nặng nề và ngập úng xung quanh khu vực khai thác đá.

Anh Thin (làng Kret Krot, xã Đăk Ta Ley) cho rằng việc khai thác đá làm thay đổi dòng chảy khiến cho 3 sào đất trồng lúa của gia đình bị đất, đá vùi lấp gần hết. Không những vậy, gia đình còn khoảng 200 cây cà phê cũng bị vùi lấp phần gốc cây, không biết có phát triển nổi không.

“Chúng tôi mong muốn công ty đền bù thỏa đáng cho người dân, đồng thời trả lại nguyên vẹn thác nước trên dòng suối, nơi gắn liền với cộng đồng người dân nơi đây”, anh Thin chia sẻ.

Người dân lo sợ dòng suối sẽ tiếp tục nhấn chìm nhiều diện tích đất canh tác. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân lo sợ dòng suối sẽ tiếp tục nhấn chìm nhiều diện tích đất canh tác. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo tìm hiểu, những ngày qua, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra ảnh hưởng đến con đường liên xã nối từ xã Hra đến xã Đăk Ta Ley (huyện Mang Yang) cũng như cây cầu gần đó.

Lo ngại tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã cho cắm những biển cảnh báo người dân không nên đi, đứng và tập trung sát mép 2 bên lề đường để phòng sạt lở, bởi phía dưới là vực sâu.

Huyện Mang Yang đề nghị tạm dừng khai thác đá

Sau khi nhận đơn kiến nghị của người dân, UBND huyện Mang Yang đã chỉ đạo kiểm tra hiện trạng và yêu cầu Công ty Cổ phần đá Mang Yang Trang Đức khẩn trương khắc phục, gia cố đối với những khu vực bị sạt lở và có dấu hiệu sạt lở.

Tuy nhiên, công ty vẫn chưa phối hợp thực hiện việc kè chắn, gia cố, ngăn chặn sạt lở theo kết quả kiểm tra thực địa trước đó. Cụ thể, tại khu vực mỏ đá và xung quanh 2 bên bờ suối và vùng đất lân cận bị sạt lở đất dài khoảng hơn 1.000m. Trong đó, chiều dài khu vực bị sạt lở nằm trong phạm vi được phép khai thác đá hơn 320m, dọc suối thuộc phần đất của các hộ dân tiếp giáp 700m.

Cây cà phê bị cuốn trôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây cà phê bị cuốn trôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau đó, huyện Mang Yang đề nghị công ty dừng ngay hoạt động khai thác khoáng sản, khẩn trương có giải pháp khắc phục, kè chắn phù hợp tại các khu vực bị sạt lở, đặc biệt các vị trí trong khu vực mỏ đá giáp với đường liên xã và đất của các hộ dân để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, huyện Mang Yang cũng yêu cầu công ty phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho tuyến đường liên xã Hra - Đăk Ta Ley.

Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hra cho biết, xã đã đi kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở và làm báo cáo gửi lên UBND huyện Mang Yang. Còn thực tế, xã cũng không thể xác định được nguyên nhân, chỉ biết rằng sau cơn mưa vào ngày 6/9 đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Sau đó, xã cũng đã mời các hộ dân cùng Công ty Cổ phần đá Mang Yang Trang Đức lên làm việc. Tuy nhiên, các hộ dân yêu cầu mức bồi thường quá cao khoảng 300 triệu đồng/sào nên phía công ty không có khả năng thực hiện. Đối với con đường liên xã, huyện cũng đã chỉ đạo công ty khắc phục tình trạng sạt lở bằng cách dùng những rọ đá kè chắn, gia cố an toàn.

Cũng theo ông Tuấn, hiện công ty tạm dừng hoạt động khai thác đá để chờ khắc phục xong tình trạng sạt lở theo yêu cầu của UBND huyện Mang Yang.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.