| Hotline: 0983.970.780

Mật ong Cát Bà mất mùa

Thứ Sáu 12/06/2020 , 11:54 (GMT+7)

Năm nay, thời tiết mưa nhiều vào thời điểm cây cối ra hoa khiến sản lượng mật ong Cát Bà giảm sút so với mọi năm.

Tại đảo Cát Bà (Hải Phòng), do điều kiện tự nhiên ưu đãi, hầu như các hộ dân đều nuôi ong, hộ nuôi ít cũng từ 3 - 5 đàn, hộ nuôi nhiều có khoảng 200 đàn. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6, mật ong rừng Cát Bà lại vào vụ, toàn huyện Cát Hải có khoảng 2.300-2.500 đàn ong, cho sản lượng mật trên 11.000 lít/năm.

Mỗi năm anh Liệu thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi ong. Ảnh: Đinh Mười.

Mỗi năm anh Liệu thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi ong. Ảnh: Đinh Mười.

Mật ong Cát Bà được được người tiêu dùng đánh giá cao, trung bình mỗi lít mật ong rừng Cát Bà có giá trên thị trường khoảng 350.000đ, nhiều hộ gia đình khấm khá lên từ nuôi ong. Năm nay, theo người dân địa phương được mùa hoa, tuy nhiên ong lại ít mật, nguyên nhân do thời tiết mưa nhiều khiến sản lượng mật chỉ bằng khoảng 1 nửa so với mọi năm khiến nhiều hộ nuôi ong thất thu.

Anh Nguyễn Đình Liệu, ở thôn 4, xã Xuân Đám, huyện Cát Hải được xem là người nuôi ong nhiều nhất xã. Gia đình anh vừa nuôi ong vừa bán con giống cho người dân. Trung bình hàng năm anh nuôi 100 đàn ong, sản lượng mật thu về khoảng 400-500 lít, thu hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, lượng lượng chỉ được khoảng 200 lít.

Anh Liệu cho biết: “Năm nay được mùa hoa nhưng ít mật, mưa nhiều, kéo dài do đó khi hết mưa thì cũng hết qua. Quá trình hoa nở thì mưa, khi nắng lên thì cũng hết hoa. Mọi năm  mỗi 1 tổ được khoảng 6-7 lít, năm nay được khoảng 6 chai (4 lít)”.

Cũng như gia đình anh Liệu, nhiều hộ nuôi ong khác trên đảo Cát Bà cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Nghiệp – Chủ tịch UBND xã Xuân Đám cho hay: Nuôi ong năm nay thực tế là mất mùa, nguồn thu kém. Liên quan đến thời tiết, lúc có hoa thì mưa dầm kéo dài do đó ảnh hưởng đến sản lượng.

Ngôi nhà khang trang của 1 hộ dân xã Xuân Đám làm nghề nuôi ong. Ảnh: Đinh Mười.

Ngôi nhà khang trang của 1 hộ dân xã Xuân Đám làm nghề nuôi ong. Ảnh: Đinh Mười.

“Nuôi ong rất kinh tế, cả xã có gần 600 đàn, tính trung bình chung sản lượng mật khoảng 5 lít/đàn, mỗi năm nếu được mùa sản lượng có thể lên đến 3.000 lít mật ong. Tuy nhiên năm nay chỉ được khoảng 3 lít/đàn, sản lượng đạt khoảng gần 2.000 lít. Một đàn ong chi phí hết 1 triệu, chỉ cần đánh 3 cây mật là đủ vốn, bình thường 1 mùa 1 đàn ong ít nhất được 10 chai, giá thị trường 350.000đ/chai. Nếu nuôi 100 đàn, thì từ 1-2 tháng người dân kiếm trên 100 triệu là đơn giản” – ông Nghiệp chia sẻ.

Đảo Cát Bà có môi trường tự nhiên thuận lợi và tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi ong mật. Với hệ thực vật phong phú, đa dạng, môi trường không khí trong lành, nhiều loài hoa quý… đã tạo ra giá trị riêng cho mật ong rừng Cát Bà, được nhiều du khách ưa thích. Ong Cát Bà cũng được xem là một trong ba loài ong quý hiếm nhất thế giới.

Mặc dù vậy việc nuôi ong ở Cát Bà cũng không hề dễ dàng và thuận lợi như những nơi khác, nuôi ong ở đây mỗi năm có 2 vụ, vụ thứ nhất từ  tháng 3-6 đây là mùa hoa vải, hoa nhãn và hoa rừng, vụ thứ 2 vào tháng 8,9 âm lịch (ong chiêm) đây là mùa có hoa cỏ, vụ này thường ít mật. Theo người dân địa phương, nuôi ong khó khăn là tháng 6, tháng 7, ngoài đảo không thể giữ được giống, hết hoa vải hoa nhãn thì cơ bản là hết hoa. Các hộ dân đều phải thay đàn khi vào vụ mới với kinh phí 1 triệu đồng cho 1 đàn ong hoàn chỉnh.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cát Hải, toàn huyện có trên 2.300 đàn ong, năm nay mất mùa nên sản lượng dự kiến chỉ đạt khoảng 10.000 lít. Về cơ bản lượng mật ong thu được hàng năm khá lớn nhưng các hộ nuôi chủ yếu vẫn tự tiêu thụ. Mật ong được bán cho đối tượng khách hàng này làm quà, đầu ra này được đánh giá là không thật sự ổn định. Mặt khác con giống ong cũng là 1 trong những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển đàn ong của huyện.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.