| Hotline: 0983.970.780

Mật ong Hương Trạch, món quà tinh túy của núi rừng

Thứ Sáu 15/12/2023 , 10:50 (GMT+7)

HÀ TĨNH Với lợi thế diện tích đồi rừng lớn, xã Hương Trạch đã ra đời nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết chặt chẽ trong phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Hương Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là xã miền núi, độ che phủ rừng lớn với nhiều loài hoa nở quanh năm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Từ tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô số lượng đàn, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi ong nhằm trao đổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, giúp nghề nuôi ong lấy mật ở Hương Trạch phát triển bền vững.

Nhiều HTX, tổ hợp tác nuôi ong ra đời

Ông Dương Hữu Thọ là người đầu tiên nuôi ong lấy mật tại xã Hương Trạch. Nhận thấy ong dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu ít nhưng hiệu quả kinh tế lại cao, ông đã liên tục mở rộng số lượng đàn. Không những vậy, ông còn vận động các hộ nuôi ong lấy mật trên địa bàn liên kết sản xuất. Đến năm 2017, HTX Mật ong Hương Bưởi ra đời. HTX hiện có 9 thành viên với hơn 400 đàn ong, mỗi năm thu về trên 22 tấn mật, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Mỗi năm, HTX Mật ong Hương Rừng thu hoạch từ 30 - 40 tấn mật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mỗi năm, HTX Mật ong Hương Rừng thu hoạch từ 30 - 40 tấn mật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Thọ cho biết: Mật ong sau khi thu về được đóng gói bài bản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, năm 2019, sản phẩm Mật ong Hương Bưởi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX Mật ong Hương Bưởi đang cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Cũng ở xã Hương Trạch, HTX Mật ong Hương Rừng được thành lập năm 2022 với 7 thành viên. Tận dụng lợi thế diện tích đồi núi rộng lớn, các thành viên đã gây dựng được hơn 500 đàn ong ngoại. Nhờ thời tiết thuận lợi, các loài cây rừng cho hoa nhiều, do đó nguồn thức ăn của ong dồi dào, chất lượng mật tốt và sản lượng mật cao. Mỗi năm, HTX thu hoạch từ 30 - 40 tấn mật, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Trần Thanh Tân - Giám đốc HTX Mật ong Hương Rừng, ưu điểm của nghề nuôi ong trên địa bàn xã Hương Trạch là chi phí đầu tư thấp, ít phải chăm sóc, thời gian nuôi đến khi thu hoạch ngắn nên có thể thu hồi vốn nhanh. Hiện nay, một phần mật ong của HTX đã được xuất thô sang thị trường châu Âu, phần còn lại đóng chai tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc bán ong giống, phấn hoa và sữa ong chúa, mỗi năm doanh thu của HTX đạt trên 3 tỷ đồng.

Nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình nuôi ong, nhiều hộ dân tại xã Hương Trạch đã đầu tư và liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX nuôi ong nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Với 2 đàn ong được hỗ trợ ban đầu từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đến nay chị Dương Thị Vân tại thôn Kim Sơn (thuộc Tổ hợp tác nuôi ong Hoa núi Phú Sơn) đã nhân lên 15 đàn ong, mỗi năm thu hoạch gần 500 lít mật. Với giá bán từ 150 - 200 nghìn/lít, mô hình đã đem lại thu nhập cho gia đình mỗi năm gần 100 triệu đồng.

Chị Dương Thị Vân (thôn Kim Sơn, xã Hương Trạch) kiểm tra đàn ong. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Chị Dương Thị Vân (thôn Kim Sơn, xã Hương Trạch) kiểm tra đàn ong. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Tổ hợp tác nuôi ong Hoa núi Phú Sơn được thành lập năm 2022, được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng để mua ong giống, các thiết bị nuôi và sản xuất mật ong cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, Tổ hợp tác đã có 29 thành viên, là những hộ đều đã tham gia nuôi ong với quy mô từ 15 - 20 đàn. Tổ hợp tác hiện có trên 500 đàn ong, mỗi năm thu hoạch trên 15 nghìn lít mật, thu nhập gần 3 tỷ đồng. Sản phẩm mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong Hoa núi Phú Sơn được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ưa chuộng. Hiện tại, Tổ hợp tác đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Trạch xây dựng quy trình đăng ký thương hiệu "Mật ong Hoa núi Phú Sơn" đạt tiêu chuẩn OCCOP 3 sao.

Xây dựng thương hiệu mật ong Hương Trạch

Với mục tiêu phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật, hỗ trợ kết nối, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hộ nuôi ong tại thôn Bắc Lĩnh (xã Hương Trạch) đã thành lập HTX Mật ong Vạn Hoa. Theo chia sẻ của các thành viên HTX, việc nuôi ong không mất nhiều thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Để nuôi ong hiệu quả, người nuôi cần quan tâm lựa chọn giống tốt, chọn địa điểm đặt đàn ong, có sổ nhật ký để ghi chép, theo dõi hằng ngày.

Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình nuôi ong, đặc biệt là lợi thế của vùng đồi núi có nhiều loại hoa, cây rừng tự nhiên nên đàn ong của HTX Mật ong Vạn Hoa ngày càng phát triển về số lượng, sản lượng và chất lượng mật. HTX hiện có trên 500 đàn ong, sản lượng mật mỗi năm đạt trên 10 nghìn lít, doanh thu trên 2 tỷ đồng.

Các HTX, tổ hợp tác nuôi ong mật ở xã Hương Trạch ngày càng đầu tư bài bản cho khâu nhãn mác, đóng gói sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Các HTX, tổ hợp tác nuôi ong mật ở xã Hương Trạch ngày càng đầu tư bài bản cho khâu nhãn mác, đóng gói sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Phan Anh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật của xã đã phát triển khá nhanh, mang lại thu nhập cao cho người nuôi. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm mật đang là định hướng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Theo đó, các HTX, tổ hợp tác đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh mật ong Hương Trạch trên Internet, giúp lan tỏa thương hiệu, mở rộng thị trường.

Hương Trạch là địa bàn đồi núi, có diện tích trồng rừng và cây ăn quả lớn. Chính điều này đã tạo điều kiện để nhiều nông dân đầu tư và thành công với nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên để phát triển bền vững, đòi hỏi các hộ sản xuất phải liên kết chặt chẽ, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển đàn ong khỏe, đảm bảo số lượng và chất lượng; xây dựng và lan tỏa thương hiệu mật ong Hương Trạch, đưa sản phẩm ra các thị trường trong và ngoài nước.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.