| Hotline: 0983.970.780

Loài ong cho mật giá 800 nghìn đồng/lít

Thứ Sáu 24/11/2023 , 07:15 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Với gần 800 tổ, lượng mật ong dú anh Toản thu được khoảng 200 lít/năm, giá bán trên thị trường hiện tại khoảng 800.000 đồng/lít.

Từ một tổ ong dú lấy từ tự nhiên về gây dựng, đến nay, trang trại nuôi ong dú của anh Trần Đức Toản ở ấp Bình Hòa, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tình Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát triển lên gần 800 tổ, thả nuôi dưới vườn điều, vườn cây ăn trái và vườn hoa, cỏ dại.

 Anh Toản cho biết, năm 2005, trong một lần vào rừng lấy củi, anh thấy tổ ong có mật với nhiều ong nhỏ đang đeo bám. Anh tìm cách lấy mật ong về để dùng. Thấy mật ngọt và có màu sắc khác lạ, anh tìm hiểu và biết đây là ong dú. Biết đây là loài ong quý hiếm nên hôm sau anh quay lại chặt luôn nhánh cây đưa cả tổ ong về nhà nuôi thử và thấy đàn ong phát triển tốt, cho ra loại mật có giá trị kinh tế. Từ đó anh quyết định theo đuổi đam mê.

Anh Toản bên những thùng ong dú của mình. Ảnh: Hoàng Trọng.

Anh Toản bên những thùng ong dú của mình. Ảnh: Hoàng Trọng.

Vừa nuôi, anh Toản vừa quan sát thực tế và tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trên internet. Qua 18 năm gắn bó với ong dú, anh đã nắm vững được quy trình nuôi, mùa vụ tách đàn nhân giống, cách lấy mật sao cho hợp lý, bảo quản sản phẩm mật cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đến nay, trang trại nuôi ong dú của anh Toản đã có 5 trại nuôi với khoảng 800 tổ. Các tổ ong dú được nuôi rải rác dưới các vườn cây ăn trái, vườn hoa cỏ dại của gia đình và gửi ở vườn hàng xóm trên tổng diện tích khoảng 15ha.

Theo anh Toản, ong dú phần lớn tập trung sinh sản và tách đàn tự nhiên vào cuối mùa mưa cho đến đầu mùa xuân. Một tổ ong chỉ có một ong chúa duy nhất có thể sống được từ 4 đến 5 năm. Ong thợ sống được 2 tháng, có vài chục đến vài trăm nghìn ong thợ/tổ. Ong đực có vài chục đến vài trăm con/tổ và chỉ xuất hiện tập trung vào mùa sinh sản. Ấu trùng ong chúa lớn trở thành ong chúa trưởng thành.

Khi tổ ong có trọng lượng khoảng 3kg, trứng chín có màu ngà (khác với trứng non có màu vàng đất), quan sát trứng có điểm mắt cũng là lúc chuẩn bị thùng để tiến hành tách, san trứng chín qua thùng mới và cứ thế theo thời gian lượng tổ được tăng lên.

Anh Toản luôn sẵng sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp con giống cho những người có nhu cầu nuôi ong dú. Ảnh: Hoàng Trọng.

Anh Toản luôn sẵng sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp con giống cho những người có nhu cầu nuôi ong dú. Ảnh: Hoàng Trọng.

Mỗi tổ ong giống có thể tách đàn sau 6 tháng đến 1 năm khi tổ đã đạt mức độ phát triển nhất định. Thùng nuôi làm bắng gỗ thông, có kích thước rộng 17cm, dài 40cm, cao 15cmc, 6 mặt bịt kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ để ong bay ra vào. Khi tách, thùng mới để chỗ cũ và thùng cũ để chỗ mới cách chỗ cũ càng xa càng tốt. Thùng có thể treo hoặc làm trụ đặt rải rác dưới các tán cây. “Ong dú rất thân thiện với con người, không chích đốt nên có thể đặt thùng ong bên hiên nhà để thư giãn, giải trí”, anh Toản chia sẻ.

Theo anh Toản, các tổ ong dú lượng mật thu được dao động từ 100 – 1.500ml tùy điều kiện thời tiết, khí hậu và mùa vụ. Việc chăm sóc và lấy mật cũng đơn giản, không phải mất nhiều công sức. Với gần 800 tổ, lượng mật ong dú anh Toản thu được khoảng 200 lít/năm, giá bán trên thị trường hiện tại khoảng 800.000đ/lít. Mật ong dú có chất lượng, màu sắc riêng, khác với mật ong nuôi du mục.

Không chỉ tách đàn, nhân giống để nuôi, anh Toản còn hướng đến việc mở rộng quy mô, khai thác du lịch sinh thái, cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai muốn đến tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi ong du sinh thái.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...