Nghề nuôi ong lấy mật tại Hà Tĩnh những năm gần đây phát triển mạnh ở các huyện có diện tích rừng lớn như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chuộng nhất mật ong Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, bởi các vùng đất này ong thường được nuôi dưỡng trong các cánh rừng già, chất lượng mật thơm ngon, vàng sánh màu cánh gián.
Tại Vũ Quang, thông qua các chính sách hỗ trợ về liên kết sản xuất, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm… của huyện, quy mô số hộ, tổng đàn ong trên địa bàn tăng lên theo từng năm.
Hiện đã có hơn 1.100 hộ nuôi với hơn 9.000 đàn ong mật. Năm nay, nhờ thời tiết ủng hộ nên các loại cây có tỷ lệ ra hoa cao, tạo ra nguồn mật dồi dào cho đàn ong. Ước tính, sản lượng mật thu được trên toàn huyện đạt khoảng 90 tấn, tăng 10 tấn so với năm 2022, tính trung bình với giá bán 200.000đ/lít, người dân Vũ Quang thu về trên dưới 13 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang cho hay, dù nguồn thu tại các hộ dân nuôi ong không đạt tiền tỷ như trồng cây ăn quả hay trồng rừng nhưng mỗi năm bà con tận dụng thời gian chăm sóc ong vẫn có thể thu hàng chục, thậm chí 200 - 300 triệu đồng từ bán mật và bán ong giống.
“Nuôi ong khỏe và ít bị dịch bệnh, giá bán mật cũng tương đối ổn định nên hiệu quả kinh tế đem lại cho người sản xuất khá cao”, ông Dũng nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ở thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền từ trước đến nay nuôi ong theo phương thức truyền thống, nguồn mật chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, giá cả không ổn định. Đầu năm 2023, được các cấp tuyên truyền, vận động, ông Thắng và 6 hộ nuôi ong khác cùng thôn quyết định thành lập tổ hợp tác nuôi ong Minh Châu. Sau khi tổ đi vào hoạt động ổn định đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện các hồ sơ đã hoàn thiện, dự kiến cuối tháng 12/2023 các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thẩm định, đánh giá.
“Từ khi xây dựng thành công thương hiệu mật ong Minh Châu, bà con trong tổ không còn lo lắng về đầu ra, giá cả như những vụ trước. Đơn cử như gia đình tôi, với 60 đàn ong, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 500 lít mật. Trước đây khi chưa tham gia vào tổ hợp tác, gia đình chỉ bán mật với giá 200.000đ/lít, tuy nhiên từ khi tham gia vào tổ, giá mật đạt 250.000đ/lít và sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường”, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Thắng hưởng “lợi ích kép” từ việc tham gia vào tổ hợp tác nuôi ong Minh Châu mà các thành viên còn lại của tổ đều phấn khởi khi sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá cả ổn định, mang về nguồn thu cao.
Ông Nguyễn Văn Minh, một thành viên khác của tổ hợp tác nuôi ong Minh Châu đang nuôi 50 đàn ong cho biết, vụ thu hoạch mật năm 2023, toàn bộ sản phẩm của gia đình được khách hàng ở Đà Nẵng thu mua hết. Nhờ thực hiện chặt chẽ quy trình nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật huyện, xã nên đàn ong của gia đình luôn cho chất lượng mật tốt, được khách hàng tin tưởng.
“Vụ mật vừa rồi, nhờ tham gia tổ hợp tác, xây dựng được thương hiệu nên hơn 400 lít mật ong của gia đình tôi bán ra thị trường đều ổn định mức giá 250.000đ/lít, doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, mật của người dân bán tự do, chưa có thương hiệu thì chỉ dao động ở mức 180.000 – 200.000đ/lít”, ông Minh nói.
Xã Thọ Điền hiện có trên 100 hộ dân tham gia nuôi ong, với gần 1.700 đàn. Để nghề nuôi ong lấy mật phát triển, sản phẩm ngày càng vươn ra các thị trường lớn, chính quyền xã đang vận động các hộ tham gia tổ hợp tác nuôi ong Minh Châu để đồng nhất chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang: “Đồng hành cùng người dân trên hành trình “nâng tầm” sản phẩm nông nghiệp của địa phương, những năm qua, huyện Vũ Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con nuôi ong như: hỗ trợ kỹ thuật, quy trình, hồ sơ... để xây dựng sản phẩm OCOP, hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng khi sản phẩm đạt chuẩn. Đây cũng là giải pháp giúp người dân yên tâm phát triển đàn ong, góp phần đảm bảo tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới”.