| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong thong dong, cựu chiến binh thu 50 - 60 triệu đồng/năm

Thứ Bảy 18/11/2023 , 08:50 (GMT+7)

THANH HÓA Từ vài ba đàn ban đầu, nay ông Hương đã nhân ra trên 45 đàn ong mật, mỗi năm cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng.

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hà Lai, tôi tìm gặp ông Vũ Văn Hương, năm nay 70 tuổi, ở thôn Vân Cô, xã Hà Lai (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá).

Ông Hương thường xuyên kiểm tra để kịp thời phòng trị bệnh cho đàn ong. Ảnh: Lê Cương.

Ông Hương thường xuyên kiểm tra để kịp thời phòng trị bệnh cho đàn ong. Ảnh: Lê Cương.

Gió thu mát rượi, ông Hương đưa tôi đi “thị sát” vườn cây ăn quả sum suê những nhãn, vải, na, bưởi... Dưới tán cây là những thùng nuôi ong lấy mật, hương hoa thơm ngát, tiếng những đàn ong vo ve bay vụt khỏi tổ đi kiếm ăn nhường chỗ cho những chú ong chăm chỉ kiếm ăn trở về chao liệng chui vào tổ, nhìn thật thích mắt…

Ông Hương vui vẻ chia sẻ, xã Hà Lai có tới năm, sáu trăm ha đất đồi rừng. Tận dụng lợi thế đất đồi, ông quyết định trồng cây ăn quả để sử dụng và bán tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên cây ăn quả cũng ngày càng nhiều người trồng nên giá thấp.

Từ năm 1996, ở địa phương có một số người nuôi ong đã tạo cho ông Hương cảm xúc hứng thú. Sau đó ông quyết định nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng cây ăn quả. Ban đầu ông chỉ thử nuôi vài ba đàn để có mật dùng, đỡ phải mất tiền mua. Từ vài ba đàn ban đầu, nay ông đã nhân ra trên 45 đàn, mỗi đàn từ 3 - 5 cầu/thùng. Hàng năm, ông đều thay chúa cho các đàn ong để phát triển thêm và tăng sức khoẻ cho cả đàn.

Ong mật chủ yếu lấy phấn hoa, mật hoa ở vườn cây ăn quả và đồi rừng xung quanh. Để tránh suy giảm sức khoẻ và hao hụt đàn, ông Hương thường xuyên chăm sóc, theo dõi sức khoẻ, phát hiện bệnh tật trên đàn ong để kịp thời chữa trị. Ong thường mắc các bệnh như thối ấu trùng, bệnh nhộng trần...

Nuôi ong thong dong, mỗi năm vẫn mang lại cho ông Hương thu nhập 50 - 60 triệu đồng. Ảnh: Lê Cương.

Nuôi ong thong dong, mỗi năm vẫn mang lại cho ông Hương thu nhập 50 - 60 triệu đồng. Ảnh: Lê Cương.

Thông thường vào đầu tháng 3 âm lịch hàng năm sẽ vào mùa khai thác mật, ông Hương sử dụng thùng ly tâm để quay mật trong vòng 10 – 15 ngày. Mật ong được đóng vào can nhựa, chai thuỷ tinh được vệ sinh sạch sẽ có dung tích từ 650ml, 750 ml, 2 lít, 5 lít, 10 lít, 20 lít, 30 lít… để dễ bán, tiện lợi khi khách hàng cần mua tuỳ theo số lượng. Mật ong đóng vào chai thuỷ tinh loại 650ml được bán với giá 150 – 180 ngàn đồng/chai (tùy thời điểm). Mỗi năm ông Hương thu hoạch từ 300 – 320 lít mật ong, trừ chi phí thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng. Hàng năm, ngoài sản phẩm mật ong bán ra thị trường, ông còn nhân thêm đàn để bán cho khách hàng có nhu cầu.

Nuôi ong mật lợi nhuận cao, chi phí thấp, dễ nuôi, tận dụng được điều kiện vườn rừng tự nhiên sẵn có của địa phương. Hiện số hộ nuôi ong mật ở xã Hà Lai đã tăng lên 23 người (trong đó hội viên cựu chiến bình chiếm 50%). Các hộ còn liên kết, hợp tác với nhau trong nuôi và tiêu thụ mật ong. Thu nhập từ các hộ nuôi ong hàng năm góp phần không nhỏ vào kinh tế hộ và tỷ trọng cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp ở địa phương.

                                                               

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.