| Hotline: 0983.970.780

Mấy đời đo gió, đếm mưa

Thứ Sáu 07/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Về xóm Thanh Tân, thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn, Bình Định) hỏi nhà ông Võ Thống, ai ai cũng biết bởi nhà ông có đến mấy đời làm nghề "đo gió, đếm mưa".

Lặng lẽ với đất trời

Thoạt nhìn, dáng thư sinh, hơi gầy của ông Võ Thống (55 tuổi) khiến tôi không tin về những điều được nghe kể về ông. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Quái lạ, tướng tá mỏng manh thế kia mà bám trụ nổi 3 năm trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đáng nể thật”.

Hôm tôi đến Trạm Khí tượng Hoài Nhơn (Bình Định) đúng ngày ông Thống vào ca trực. Ông ngồi lọt thỏm trong nhà làm việc, mắt dán vào tờ báo. Ông chào khách bằng nụ cười thân thiện, rồi nói: “Khoảng trống 3 tiếng đồng hồ giữa các giờ “ốp”, tui làm đủ chuyện nhưng vẫn thấy trống vắng, đọc báo cho đỡ buồn để đợi đến ca “ốp” khác”.

Theo giải thích của ông Thống, “ốp” tức là “obs”, một thuật ngữ của ngành thủy văn nói về các ca trực. Ở Trạm Khí tượng Hoài Nhơn, mỗi ngày có 8 ca “ốp” vào các giờ: 7, 10, 13, 16, 19, 22, 1 và 4.

“Hôm nay, tui trực đến 7 giờ sáng hôm sau. Công việc chẳng có gì nặng nhọc, chỉ yêu cầu phải tuân thủ giờ “ốp” và ghi chép số liệu thật chính xác, chuyển đi kịp thời”, ông Thống vui vẻ trò chuyện.

Ông Thống học sơ cấp khí tượng, ra trường năm 1977 và bám đời luôn với nghề khí tượng cho đến nay, tính ra đã tròm trèm 37 năm. “Trong suốt chừng ấy năm làm nghề, kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời gian 3 năm phục vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tui đã từng phục vụ một năm tại Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa đóng trên đảo Trường Sa Lớn, và 2 năm phục vụ tại Trạm Khí tượng trên đảo Song Tử Tây. Quãng thời gian còn lại tui gắn bó với Trạm Khí tượng Hoài Nhơn”, ông Thống nhớ lại.

Ông Thống lại nhìn đồng hồ, gần 16 giờ, vội vã lấy cuốn sổ và cây bút, chụp vội chiếc mũ công nhân lên đầu, nói nhanh: “Tui sắp phải vào “ốp” mới, anh đợi tí mình lại trò chuyện tiếp”.

Ông Thống thoăn thoát đi về khu đất trống được gọi là vườn quan trắc nằm cách nhà làm việc không xa. Mở cổng, ông Thống đi đến nơi đặt các thiết bị đo gió, đo mưa, đo bốc hơi, đo nhiệt độ mặt đất, đo nhiệt độ trong tầng đất sâu... căng mắt nhìn và ghi chép tỉ mỉ các con số hiển thị trên thiết bị vào quyển sổ. Xong, ông đi như chạy về nhà làm việc, ngồi vào chiếc máy vi tính đã mở sẵn, lập tức chuyển toàn bộ số liệu vừa thu thập về Trạm Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ đặt tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Ông Thống thở phào: “Vậy là xong một “ốp” nữa, đến 19 giờ lại vào ca “ốp” khác”.

Cả nhà làm khí tượng

Trong gia đình, ngoài ông Thống, còn có người em trai của ông cũng theo nghề khí tượng. Tiếp đến, cả 3 người con và đứa con rể của ông Thống cũng nối tiếp nghề cha. Tính ra, gia đình ông thống có đến 6 người theo nghề “đo gió, đếm mưa”. Cả 2 người con trai của ông Thống đều phục vụ công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

4141205938
Ông Thống hướng dẫn con trai tác nghiệp

Ông Thống nhận công tác tại đảo Trường Sa vào năm 2007, đến năm 2010 về đất lại liền thì vào tháng 7/2010, con trai ông là Võ Thanh Hải nối gót cha ra bám đảo làm nghề khí tượng. Một năm rưỡi sau, vì hoàn cảnh mới cưới vợ, anh Hải xin về đất liền công tác một năm, thì em trai là Võ Thành Tín lại ra đảo làm thay việc cho anh tại đảo Trường Sa Lớn vào năm 2011.

Sau 2 năm rưỡi làm việc trên đảo, tháng 4/2014 vừa qua, anh Võ Thành Tín đã về đất liền, tiếp tục làm đồng nghiệp với cha tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn. Sau một năm làm ở đất liền, anh Võ Thanh Hải nay lại ra đảo Song Tử Tây tiếp tục nhiệm vụ.

Kể về chuyện theo nghề khí tượng, anh Tín cảm động nhắc lại ý nghĩa của tháng lương đầu tiên từ khi cha đi đảo vào năm 2007. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, do gia đình không có điều kiện nên cả 3 anh em Võ Thanh Hải, Võ Thị Thu Hương và Võ Thành Tín phải tạm dừng việc học, đi làm kiếm tiền giúp mẹ. “Hồi đó anh Hải đi làm thợ hồ, chị Hương đi làm ở xưởng may công nghiệp, còn em làm trong xưởng chế biến gỗ”, Tín nhớ lại.

1141205375
Sau 2 năm rưỡi làm việc ở đảo Trường Sa Lớn, anh Tín vừa đoàn tụ với vợ

“Ở Trường Sa, tuy không mặc áo lính nhưng mỗi cán bộ công tác trên đảo, mỗi người dân sống trên đảo, mỗi ngư dân đánh bắt gần đảo... đều là chiến sĩ, đều có nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận thức ấy cùng với cảm nhận luôn có gia đình và Tổ quốc kề bên, nên chúng tôi yên tâm bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thống chia sẻ.

Ngày bà Nguyễn Thị Liên (vợ ông Thống) nhận tháng lương đi đảo đầu tiên của chồng, số tiền kha khá, bà nghĩ ngay đến chuyện góp vào số tiền mấy đứa con đi làm dành dụm được để cho 3 anh em tiếp tục việc học.

“Hồi nhỏ, mấy anh em thường theo cha đến Trạm Khí tượng Hoài Nhơn, nhìn thấy cha làm việc, tò mò hỏi chuyện. Chẳng biết từ lúc nào mấy anh em đều yêu nghề cha đang làm. Thế là khi được mẹ cho tiếp tục việc học, tất cả đều chọn học ngành khí tượng tại trường Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường TP. HCM”, Tín kể.

Trong câu chuyện, có lẽ cảm động nhất là chuyện Tín vừa cưới vợ xong là khăn gói lên đường ra đảo Trường Sa nhận công tác ngay. Đằng đẵng 2 năm rưỡi, Tín mới vào bờ gặp  vợ vào tháng 4/2014 vừa qua.

Tôi hỏi: “Sao vừa cưới vợ đã đăng ký đi Trường Sa?”. “Tụi em quen nhau đã 7-8 năm, sau khi đã đăng ký đi Trường Sa, em bảo cô ấy để em đi đảo 3 năm rồi về làm đám cưới. Cô ấy khóc quá xá, hối cưới rồi mới đi. Thế là cưới”, Tín cười giải thích.

Trong quãng thời gian về làm việc trên đất liền, anh Võ Thanh Hải đã kịp có một con gái. Bây giờ, Hải tiếp tục sang đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) làm nhiệm vụ tại Trạm Khí tượng, giữ chức trạm trưởng. Trong thời gian này, ở nhà, vợ anh tiếp tục sinh được đứa con trai, hiện đã 10 tháng tuổi nhưng ảnh Hải chưa được gặp mặt.

Liên lạc qua điện thoại, Hải tâm sự: “Trạm Khí tượng Song Tử Tây là trạm cấp 2, mỗi ngày chỉ phải thực hiện 4 ca “ốp”, vào các giờ: 1, 7, 13, 19. Tuy nhiên, mùa này là mùa “ốp” liên miên của trạm”.

2141205596
Đứa con trai 10 tháng tuổi Võ Nguyễn Khánh Huy (bà nội ẵm) của anh Hải

Theo anh Hải, đảo Song Tử Tây nằm cách đất liền hơn 318 hải lý (khoảng 600km), là nơi đầu tiên hứng chịu những cơn bão trên biển Đông trước khi đổ bộ vào đất liền. Đảo còn có âu tàu, là chỗ neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền ngư dân đánh bắt trong ngư trường Trường Sa. Do vậy, những số liệu về thời tiết mà Trạm Khí tượng Song Tử Tây thu thập, cập nhật đóng vai trò quan trọng trong công tác dự báo. Công việc ý nghĩa như vậy nên chúng tôi không thể lơ là”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm