| Hotline: 0983.970.780

Mở 'chuyện tình' trên đồng lúa mới

Thứ Sáu 20/01/2023 , 09:15 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Với mối liên kết trách nhiệm, thủy chung, doanh nghiệp và nông dân Quảng Bình đã xây dựng được "mối tình" bền chặt, cùng có lợi, tăng thu nhập trên những cánh đồng bát ngát…

Bước xuống bờ ruộng, TS Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình ngồi xuống bên ruộng lúa đang chín tới. Những bông lúa rực vàng uốn cong, đẩy đưa nhẹ trong từng cơn gió. “Đây là giống lúa SV 181, QS 88… do Công ty chọn tạo đưa về cho bà con nông dân huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh để triển khai mô hình liên kết chuỗi sản xuất. Qua nhiều vụ, có lúc thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất lúa vẫn cho vượt trội ở mức 70 tạ/ha, nông dân có thu nhập cao”, TS Kỳ nói.

Giấc mơ vàng trên những cánh đồng

Những ngày đầu Công ty Giống cây trồng Quảng Bình bắt tay với các HTX, với nông dân là chủ ruộng cũng không phải là câu chuyện “thuận buồm xuôi gió”. Bà con băn khoăn ở chỗ hợp đồng của HTX với phía Công ty chưa hẳn buộc được phía doanh nghiệp có trách nhiệm với bà con. Những câu chuyện về doanh nghiệp hợp tác bao tiêu sản phẩm nông dân có “giấy trắng, mực đen”, có con dấu đỏ chót hẳn hoi nhưng khi vụ thu hoạch đến, nông dân gọi doanh nghiệp chỉ thấy "thuê bao không liên lạc được" vẫn còn đó. Bà con đành dằn lòng bán đổ, bán tháo cho tư thương.

TS Nguyễn Xuân Kỳ bên cánh đồng lúa QS88 cho năng suất vượt trội trong liên kết sản xuất ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

TS Nguyễn Xuân Kỳ bên cánh đồng lúa QS88 cho năng suất vượt trội trong mô hình liên kết sản xuất ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy, Lệ Thủy), người luôn tiên phong trong việc đưa các giống mới, mô hình mới về trên đồng ruộng rất tâm đắc với mô hình liên kết sản xuất, nhưng cũng không kém phần băn khoăn. Theo ông Thắng, điều nông dân lo đến mất ăn, mất ngủ là đến vụ thu hoạch mà chưa thấy thương lái đến hỏi mua lúa. Rồi khi được mùa thì lại rớt giá nên nhìn lúa vàng trên đồng mà cứ thấy thấp thỏm lo âu.

Để thăm dò, vụ đầu bắt tay với nhau, HTX chỉ ký liên kết sản xuất với Công ty độ chục ha, qua năm thứ hai thì diện tích được tăng lên gấp đôi. Những cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo các HTX, với nông dân khi thì hội trường, khi bên lề hội nghị đầu bờ và lắm khi ngay bên bờ ruộng. Không phải văn bản ghi nhớ, nhưng những thắc nắc, mắc mớ giữa “bộ ba” doanh nghiệp, HTX, nông dân chủ ruộng đã được giải quyết thấu đáo.

“Khi nông dân hỏi, nếu giá lúa thị trường thấp thì xử lý ra sao? Chúng tôi cam kết mua theo hợp đồng đã ký. Nếu giá thị trường cao hơn giá trong hợp đồng đã soạn thảo, chúng tôi mua theo giá thị trường. Chúng tôi trả lời ngắn gọn cho nông dân”, ông Thắng nói rành rẽ. Thực tế thì qua 5 năm, 10 vụ lúa liên kết với nông dân, doanh nghiệp chưa một lần làm bà con phật lòng. “Đó là lòng tin để chúng tôi điều hành sản xuất, là sự kết nối trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân”, ông Thắng bộc bạch thêm.

Cùng với hơn chục giám đốc các HTX bên cánh đồng lúa chín vàng của Thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy), tôi hỏi có ai còn ngại doanh nghiệp “lật kèo” nữa không? Nhiều tiếng cười phá lên như át cả tiếng máy gặt đập liên hợp đang chạy như lượn trên đồng.

Liên kết sản xuất và tạo được chữ Tín giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ là đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.P

Liên kết sản xuất và tạo được chữ tín giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ là đòn bẩy lâu bền cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Đỗ Trung Lý, Giám đốc HTX Thượng Giang (Thị trấn Kiếm Giang) nói như lý giải: “Bữa nay thì chỉ có bên ông Kỳ (Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình) sợ chúng tôi chứ! Hiện hàng trăm ha lúa được sản xuất theo định hướng hữu cơ cho năng suất cao. Cuối vụ, bà con bán cho Công ty để chế biến thành gạo đặc sản với thương hiệu Gạo quê Đại tướng. Nếu chúng tôi cắt, không bán lúa cho Công ty nữa thì lấy đâu ra gạo để cung ứng ra thị trường, cho khách hàng đã quan tâm...”. Trong tiếng cười đùa, nhiều người đến cầm tay ông Nguyễn Xuân Kỳ: “Nói cho vui thôi chứ liên kết bền chặt chứ không có chuyện đó xảy ra đâu nhé!”.

Đi thăm đồng lúa trong chuỗi liên kết, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy phấn khởi cho biết mấy năm qua, huyện đã chú trọng đến việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Từ chuỗi liên kết, đã giúp nông dân thu lợi lớn nên huyện tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đồng hành cùng bà con.

“Từ vài chục ha ban đầu, đến nay diện tích liên kết bao tiêu sản phẩm với nông dân đã lên trên 500ha. Chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ thêm cho nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị để nâng tầm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”, ông Đặng Đại Tình nói.

Liên kết cho quy trình mới, tư duy mới

Trò chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Kỳ tâm sự, là doanh nghiệp sản xuất giống, Công ty luôn đề cao thu nhập cho nông dân trên nền tảng hợp tác vững bền. Chính vì lẽ đó, Công ty bắt tay vào sản xuất theo chuỗi gắn với lợi ích của bà con, đưa đến cho nông dân giống mới chất lượng, phân bón hữu cơ, quy trình kỹ thuật canh tác và thu mua bao tiêu sản phẩm giá cao...

Hằng năm, Công ty thu mua khoảng 10 ngàn tấm lúa của bà con nông dân và sản xuất gạo với thương hiệu Gạo quê Đại tướng. “Hiện tại, mỗi năm chúng tôi cung ứng ra thị trường khoảng 7 ngàn tấn gạo chất lượng. Sản phẩm Gạo quê Đại tướng không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà bước đầu đã được thị trường các tỉnh Bắc Trung bộ, Thủ đô Hà Nội… tin dùng. Định hướng của chúng tôi là sản phẩm sẽ từng bước hướng tới đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Nguyễn Xuân Kỳ chia sẻ.

Trong qúa trình triển khai liên kết sản xuất, người nông dân càng được hưởng lợi. Ảnh: T.P

Trên cùng những cánh đồng như xưa, nhưng cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi. Ảnh: Tâm Phùng.

Vụ đông xuân năm 2022, gia đình ông Mai Văn Long ở xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) canh tác lúa theo hướng hữu cơ với giống lúa mới QS88 do Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất lúa vẫn đạt khoảng 68 tạ/ha, cao hơn gần 8 tạ/ha so với các giống lúa khác ở cánh đồng sát bên.

“Nay chúng tôi làm mô hình liên kết, nông dân tự chủ thực hiện trên quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp đã cung cấp giống, phân bón. Được doanh nghiệp hỗ trợ, nông dân chúng tôi yên tâm hơn. Về giá trị sản xuất thì hiệu quả hơn vì tăng được năng suất, tăng giá bán và giảm được rất nhiều chi phí sản xuất”, ông Long trò chuyện.

Bên vạt ruộng mới gặt xong, hai bố con ông Mai Văn Tân (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) đang chất từng bao thóc lên xe công nông để chuyển ra đường lớn nơi có ô tô tải của Công ty đang đón nhận. Tại đó, có đại diện HTX đứng ra cân đong cho hai bên mua bán. Tiền cũng được trả ngay cho bà con một cách nhanh chóng.

Vụ đông xuân 2022, gia đình ông Tân làm 1ha ruộng, năng suất đạt khoảng 70 tạ/ha. Giá thu mua của Công ty là 7,1 triệu đồng/tấn, thành tiền được gần 50 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí về giống, phân bón, các khoản dịch vụ, công lao động… chỉ hết khoảng 23 - 25 triệu đồng/ha. “Dù năm nay chi phí phân bón tăng rất cao, nhưng nhờ tham gia liên kết với Công ty nên bà con vẫn lãi được khoảng 25 - 27 triệu đồng/ha. Trước đây bà con chỉ mơ ước lúa gặt là có người mua ngay tại ruộng. Nay thì chuyện đó không còn là mơ ước mà Công ty đang sát cánh với nông dân mỗi mùa vụ. Giấc mơ trên cánh đồng là có thật”, ông Tân nói ví von.

Với hình thức thu mua thóc tại ruộng giá cao là điều kiện để người nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Ảnh: T.P

Nông dân trong mô hình liên kết không còn phải thấp thỏm lo âu mỗi vụ thu hoạch vì đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Đỗ Xuân Thành, Trạm trưởng Trạm giống Lệ Thủy (thuộc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình) cứ đến vụ thu hoạch lúa là tất tả ngược xuôi trên đồng ruộng để chỉ đạo sát sao việc thu hoạch, thu mua, vận chuyển lúa cho bà con.

Anh bảo ngoài việc cung ứng giống tốt, phân bón chất lượng thì phải luôn sát cánh cùng bà con bên đồng ruộng để theo dõi tình hình phát sinh sâu bệnh nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Trên địa bàn rộng, mô hình liên kết được xây dựng, phân bố cách xa nhau nên anh Thành và các cán bộ khác của đơn vị luôn bận rộn.

Anh Thành nói: “Trước đây, nhiệm vụ chúng tôi chỉ cung ứng giống. Nhưng bây giờ thực sự gắn chặt với nông dân, với đồng ruộng từ các khâu chuẩn bị giống, vật tư phân bón, quy trình sản xuất, chăm sóc cây lúa sinh trưởng qua các thời kỳ cho đến khi từng bao lúa được chất lên ô tô tải chở về nhà máy sấy khô thì mới yên tâm”.

Năm 2022, ngoài diện tích liên kết với nông dân huyện Lệ Thủy, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình đã mở rộng khu vực liên kết ra các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh với diện tích ban đầu trên 100ha. TS Nguyễn Xuân Kỳ cho hay: “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất, liên kết với các địa phương khác. Trên cơ sở đó, chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ”.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.