| Hotline: 0983.970.780

260ha diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại do dịch bệnh

Thứ Tư 09/10/2024 , 06:30 (GMT+7)

An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long là 3 địa phương ghi nhận thiệt hại do dịch bệnh xuất hiện trên các ao nuôi cá tra, chủ yếu là bệnh gan thận mủ, xuất huyết.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Từ đầu năm đến nay, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thường xuyên tại 140 điểm vùng nuôi cá tra. Qua đó, đơn vị nhận định, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi cá tra có hiện tượng ô nhiễm. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi và tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh.

Cũng theo thống kê của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi cá tra bị dịch bệnh là 260ha. Dịch bệnh xảy ra tại 60 xã, của 20 huyện, thuộc 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, trên cả cá tra giống và thương phẩm.

Trong đó, cá chủ yếu bị bệnh gan thận mủ (trên 119ha) và xuất huyết (trên 127ha). Ngoài ra, còn khoảng 43ha nuôi cá bị nhiễm một số bệnh khác như vàng da, trắng gan trắng mang, trắng đuôi, phù đầu.

Cục Thú y nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, dịch bệnh trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích. Tuy nhiên, do cá được nuôi theo hình thức ao nuôi hở (nước vào ra và thay nước liên tục, không qua xử lý), bè nuôi sử dụng nguồn nước sông tự nhiên, dẫn đến việc kiểm soát mầm bệnh nước rất khó khăn.

Một số bệnh phổ biến được ghi nhận trên cá tra tại ĐBSCL: Ảnh: Kim Anh.

Một số bệnh phổ biến được ghi nhận trên cá tra tại ĐBSCL: Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, mật độ thả nuôi của bà con hoặc cơ sở nuôi thường rất cao, khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh luôn hiện diện.

Vừa qua, Cục Thú y đã thực hiện giám sát 105 mẫu (gồm 69 mẫu cá tra, 36 mẫu gộp bùn và nước) tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Kết quả cho thấy, có 3 mẫu dương tính với bệnh xuất huyết; 100% mẫu âm tính với bệnh gan thận mủ. Cơ quan thú y đã thực hiện kháng sinh đồ, để hướng dẫn các địa phương và cơ sở điều trị bệnh tại các ao dương tính.

Trong năm 2025, Cục Thú y đề nghị các địa phương, cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm cá tra mắc bệnh, chết để xử lý kịp thời. Trường hợp cá bị chết nhiều, bất thường với tỷ lệ cao, cần lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Cả nước hiện có 1.690 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Các cơ sở cần xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát dịch bệnh chủ động. Ảnh: Kim Anh.

Cả nước hiện có 1.690 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Các cơ sở cần xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát dịch bệnh chủ động. Ảnh: Kim Anh.

Đối với hộ nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả giống, xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con sử dụng vacxin phòng bệnh cho cá nhằm hạn chế lạm dụng kháng sinh.

10 năm qua, kể từ giai đoạn 2014 – 2023, Bộ NN-PTNT đã triển 29 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu về tác nhân gây bệnh, phương pháp phát hiện, giải pháp phòng trị bệnh, vacxin, chế phẩm sinh học phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng của thủy sản nuôi.

Trong đó, một số nghiên cứu đã đề xuất và ứng dụng các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Như, quy trình tạo vacxin tái tổ hợp phòng bệnh trên cá tra; vacxin nhược độc phòng bệnh gan thận mủ cá tra; giải pháp phòng trị bệnh trắng đuôi, thối đuôi trên cá tra…

Đến nay, Cục Thú y đã cấp phép lưu hành 6 sản phẩm vacxin cho các doanh nghiệp. Trong đó, có 2 sản phẩm phòng bệnh cho cá tra. Ngoài ra, nhiều đơn vị nghiên cứu đã và đang tiến hành các đề tài phát triển vacxin phòng bệnh trên cá tra.

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sẽ góp phần tạo ra các phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác trên thủy sản nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sẽ góp phần tạo ra các phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác trên thủy sản nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Những nghiên cứu này sẽ góp phần tạo ra các phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác dịch bệnh trên cá tra. Đồng thời, giảm thiểu sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm, giảm phụ thuộc vào việc sử dụng kháng sinh. Điều này giúp cải thiện chất lượng sản phẩm thủy sản, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, Cục Thủy sản đã cấp 1.109/1.286 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản đối với cá tra, đạt 87%, cao nhất trong các loại thủy sản nuôi.

9 tháng đầu năm 2024, sản lượng cá tra Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Giống ớt khổng lồ trồng tại Mộc Châu được thế giới săn đón

Sơn La Trái ớt lớn nhất có thể to bằng cổ tay, khối lượng lên tới 200 - 300g, gồm 4 màu đỏ, vàng, cam và chocolate.

Ứng dụng công nghệ chiết xuất dược liệu

Quảng Ninh Với dây chuyền công nghệ hiện đại, anh Nguyễn Văn Mạnh đã chiết xuất dược liệu nhanh chóng, giữ nguyên được dược chất quý.