Mô hình được thực hiện tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.
Hiện, các giống lúa được gieo trồng chủ yếu là giống địa phương năng suất thấp, dễ nhiễm các loại sâu bệnh. Vì vậy, việc đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là yêu cầu cần thiết.
Hộ ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Đông, xã Hiền Ninh) thực hiện mô hình với với quy mô 2,5ha. Giống lúa chọn trồng thử nghiệm là giống lúa ST25, sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong quá trình sản xuất.
Cá giống chọn thả là cá rô đồng giống bản địa, mật độ thả nuôi 2 con/m2. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với mô hình cá lúa này thì có thể chọn cá rô đồng tự nhiên, vì cá rô đồng tự nhiên có thời gian sinh trưởng tương đồng với thời gian sinh trưởng của giống lúa ST25”.
Trong qua trình sản xuất, ông Nguyễn Xuân Hải cho biết, mô hình sử dụng giống lúa ST25 đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Lượng giống gieo 100kg/ha, tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Gia đình chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học.
Đối với giống cá rô đồng được ươm nuôi nhân tạo, nguồn gốc rõ ràng, không có dấu hiệu bệnh lý; mật độ thả nuôi 2 con/m2, tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Ruộng nuôi phải có nguồn nước cấp chủ động, không bị ô nhiễm. Có đê bao được gia cố chắc chắn, không bị ngập tràn do mưa lũ tiểu mãn. Ruộng có mương bao quanh, có kích thước rộng 3-4m, độ sâu phù hợp có thể điều tiết nước chủ động đạt 1-1,2m trên toàn mặt ruộng.
Đánh giá mô hình bước đầu cho thấy lúa ST25 và cá rô đồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt yêu cầu mô hình đề ra. Năng suất lúa ước đạt đến 55 tạ/ha. Cá rô đồng sau 4 tháng nuôi cho thu hoạch, đạt trọng lượng 10 đến 12 con/kg.
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, giúp giảm lượng phân bón. Mô hình không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất, tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá.
Mô hình cho sản phẩm lúa gạo và cá thương phẩm đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với phương pháp sản xuất lúa thông thường. Cá rô có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, có thời gian nuôi ngắn.
“Tổng doanh thu từ mô hình đạt trên 290 triệu đồng. Trong đó, doanh thu từ cá đạt 180 triệu đồng và danh thu từ lúa trên 110 triệu đồng Chi phí sản xuất trực tiếp của cá và lúa khoảng 190 triệu đồng. Phần lãi được xác định khoảng 100 triệu đồng.”- ông Nguyễn Xuân Hải cho biết.
Hiện, ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình có diện tích để trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là khá lớn. Đây cũng là tiềm năng để áp dụng các mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quảng Bình cho hay: “Từ hiệu quả của mô hình này, thời gian tới, nông dân có thể phát triển thêm một số đối tượng giống như cá diếc, cá thát lát, cá lóc… Hoặc có thể áp dụng cho mô hình có thể nuôi tôm lúa, lúa tôm càng xanh”.