Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Nông (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình canh tác lúa hữu cơ thuộc Dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (dự án GIC).
Vĩnh Thuận là một trong 4 huyện vùng U Minh Thượng có diện tích tôm - lúa đứng thứ hai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Vụ mùa năm 2021 - 2022, diện tích sản xuất lúa trên nền đất tôm của huyện hơn 13.915ha, đạt 139% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 5,66 tấn/ha, trong đó thị trấn Vĩnh Thuận trên 1.211ha lúa - tôm, năng suất bình quân 5,01 tấn/ha.
Sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm có nhiều lợi thế để áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ và chất lượng lúa gạo được đánh giá cao, tuy nhiên còn một số hạn chế như nông dân chưa quen với phương thức sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, khó áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch nên hạn chế trong việc liên kết tiêu thụ theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Mặt khác, lợi nhuận mang lại từ con tôm làm một số nông dân đã chuyển sang nuôi chuyên canh tôm làm ảnh hưởng đến mô hình sản xuất tôm - lúa...
Tham gia trong mô hình có 10 nông dân, đa số là thành viên của HTX, có sự gắn kết, trao đổi thông tin kỹ thuật và tương trợ lẫn nhau trong đến sản xuất. Với diện tích 10ha, mô hình gieo sạ vụ mùa trên nền đất nuôi tôm năm 2022 sử dụng giống ST24, ST25 cấp xác nhận.
Chi phí sản xuất của mô hình giảm 5,27 triệu đồng/ha so với nông dân ngoài mô hình, trong đó giảm 100% lượng phân bón hóa học và thay thế bằng phân hữu cơ khoáng với chi phí phân bón giảm 44%; giảm 100% chi phí thuốc BVTV (tương đương giảm 1,5 triệu đồng). Ngoài ra, mô hình còn có thu nhập từ hoa màu trên bờ ruộng từ 5 - 8 triệu đồng/ha...