| Hotline: 0983.970.780

Mỗi hộ dân TP.HCM được phát 10-15 thẻ đi chợ trong 30 ngày

Thứ Bảy 24/07/2021 , 21:56 (GMT+7)

Địa phương căn cứ tình hình cung ứng hàng hóa thực tế trên địa bàn, phân chia tần suất đi chợ, cách 2-3 ngày/lần, mỗi hộ gia đình được cấp 10-15 thẻ đi chợ/30 ngày.

Bố trí vách ngăn bằng nilon ngăn cách giữa người mua và người bán. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bố trí vách ngăn bằng nilon ngăn cách giữa người mua và người bán. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương vừa có văn bản gửi đến UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị quản lý chợ khẩn trương nghiên cứu phương án tổ chức hoạt động chợ và điểm bán nhỏ, về việc hướng dẫn phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các quận huyện khẩn trương tính toán nghiên cứu các mô hình, phương thức tổ chức hoạt động phù hợp với tình hình cụ thể từng địa bàn, tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong công tác phòng chống dịch đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.

Đặc biệt, Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các địa phương khẩn trương nghiên cứu áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “thẻ đi chợ” để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Thẻ đi chợ của người dân trên địa bàn phường 19, quận Bình Thạnh TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thẻ đi chợ của người dân trên địa bàn phường 19, quận Bình Thạnh TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Phương, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ/30 ngày.

Người dân tại khu phong tỏa mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp.

Đối với các chợ truyền thống, khi đánh giá nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao, Sở Công thương yêu cầu rà soát khắc phục để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ tình hình thực tế việc đáp ứng các yêu cầu phòng dịch của chợ trên địa bàn để xem xét quyết định tạm dừng hoạt động đối với chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Ngoài ra, đơn vị quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn cũng được yêu cầu tổ chức các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối, thực hiện theo phương án được phê duyệt. Bố trí, phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 đối với người ra vào, bố trí nơi ăn nghỉ tại chỗ cho người lao động.

Sở Công thương TP.HCM cũng gửi kèm sơ đồ bố trí các gian hàng kinh doanh tại chợ truyền thống, điểm bán nhỏ để các địa phương tham khảo. Trong đó, yêu cầu bố trí khu vực kiểm tra đo thân nhiệt, khu vực khai báo y tế. Khu vực ra vào có kiểm tra rà soát. Người mua hàng cách nhau tối thiểu 2m.

Các quầy, sạp kinh doanh rau củ, thịt gia cầm, thịt gia súc, trứng, thủy hải sản... được sắp xếp cách nhau 2m; vách ngăn/màn ngăn trong suốt 3 mặt (giữa các hộ tiểu thương, quầy hàng, người bán – người mua), ngoài ra có dây băng rào. 

Trong ngày 24/7, chợ Bình Thới, quận 11 (TP.HCM) đã phải ngưng hoạt động do có ca nhiễm Covid-19 trong chợ. Trước đó, đã mở cửa trở lại từ ngày 9/7 sau thời gian tạm đóng để phòng dịch. Chợ có 300 tiểu thương ngành hàng thực phẩm, luân phiên mỗi ngày có khoảng 85 tiểu thương bán hàng.

Còn chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) trong ngày hôm nay được hoạt động trở lại với 5 tiểu thương, trong đó 3 tiểu thương bán rau, củ, quả; 2 tiểu thương bán hải sản tươi sống. Đơn vị quản lý chợ kẻ vạch tại bãi giữ xe và sân chợ để bố trí thương nhân.

Tính đến 16g30 ngày 24/7, trên địa bàn TP.HCM có 32/237 chợ hoạt động; 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động (trong đó, có 3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống).

Các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn, gồm Thành phố Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.