| Hotline: 0983.970.780

Mới lên Tây Nguyên, Hưng Long 555 đã 'đắt hàng như tôm tươi'

Thứ Tư 04/10/2023 , 17:52 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Dù mới được công nhận lưu hành và đặt chân lên Tây Nguyên nhưng giống lúa Hưng Long 555 đã được nông dân ở đây đặt mua rào rào để sản xuất.

Năng suất khủng ở đất cằn biên giới

Huyện biên giới Ea Súp được xem là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk với điều khiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Để phát triển nông nghiệp, cơ quan chức năng đã đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất. Từ đó, những khu đất bỏ hoang được người dân cải tạo, trồng lúa.

Dù sản xuất ở chân đất cằn cỗi, giống lúa Hưng Long 555 vẫn phát triển tốt, cho năng suất hơn 8 tấn/ha. Ảnh: Quang Yên.

Dù sản xuất ở chân đất cằn cỗi, giống lúa Hưng Long 555 vẫn phát triển tốt, cho năng suất hơn 8 tấn/ha. Ảnh: Quang Yên.

Vụ hè thu 2023 là lần đầu tiên giống lúa Hưng Long 555 của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế đưa về trồng thử nghiệm tại huyện Ea Súp. Sau khoảng 95 ngày từ thời điểm xuống giống, đến nay, diện tích trồng thử nghiệm đã cho hạt lúa chắc mẩy, vòng óng, chuẩn bị thu hoạch. Những hộ nông dân được mời đến thăm mô hình thử nghiệm đều tấm tắc khen giống lúa Hưng Long 555 chắc cây, bông dài và khẳng định đạt năng suất cao ngay vụ đầu tiên triển khai.

Anh Nguyễn Phú Trung (ngụ thôn 9, xã Ea Rốc, huyện Ea Súp) là người đã mạnh dạn đưa giống lúa Hưng Long 555 về địa phương trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 3,5 sào (sào 1.000m2).

Theo anh Trung, diện tích đất trên được gia đình mới khai phá nên chủ yếu là đất pha cát đen, không màu mỡ như những khu vực làm lúa khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vụ trước, gia đình anh Trung làm giống lúa khác nhưng chi phí đầu tư nhiều do đất không màu mỡ, lúa lại yếu cây, dễ đổ ngã khi gặp mưa to gió lớn...

Vụ hè thu này, được giới thiệu và trồng thử nghiệm giống lúa Hưng Long 555, gia đình anh thấy lúa rất cứng cây, bông rất dài, nhiều hạt. “Tôi đếm được mỗi bông có đến 380 hạt, trong đó tỉ lệ hạt lép rất ít. Dù vụ này tôi bón phân ít hơn vụ trước nhưng số lượng hạt như vậy là cao vượt trội so với giống lúa trước đây. Những giống lúa trước đây thường bị bệnh đạo ôn, lép vàng…, còn giống lúa Hưng Long 555 rất sạch sâu bệnh nên suốt vụ gia đình chỉ phải phun một lần sâu đục thân”, anh Trung chia sẻ.

Anh Trung cho biết thêm, vừa qua địa phương xảy ra trận mưa kèm theo gió lớn khiến các giống lúa trồng xung quanh bị ngã đổ la liệt. Tuy nhiên, mô hình giống lúa Hưng Long 555 gia đình chỉ bị ngã nhẹ tầm 100m2.

Bông lúa Hưng Long 555 trồng tại huyện Ea Súp dài từ 25 - 30cm, tỷ lệ hạt chắc cao. Ảnh: Quang Yên.

Bông lúa Hưng Long 555 trồng tại huyện Ea Súp dài từ 25 - 30cm, tỷ lệ hạt chắc cao. Ảnh: Quang Yên.

“Trận mưa dông vừa rồi rất mạnh, cây cối còn bị gãy đổ, nhưng lúa Hưng Long 555 vẫn chịu được sức gió như vậy là quá tốt, chứng tỏ rất cứng cây. Về năng suất, vù hè thu này ruộng lúa Hưng Long 555 của tôi ước đạt 7 - 8 tạ lúa tươi/sào (sào 1.000m2). Đây là năng suất rất tốt vì các giống lúa khác chưa bằng 2/3 so với giống lúa Hưng Long 555. Mùa này thời tiết ở Ea Súp rất thất thường, có thời điểm mưa liên tục, khi lại nắng đến khô hạn. Do đó, mỗi sào chỉ cần 5 - 6 tạ là thành công rồi”, anh Trung vui mừng. Anh cho biết gia đình có 3ha đất, sẽ tiếp tục dùng giống lúa Hưng Long 555 để trồng trong vụ đông xuân tới.

Nông dân đặt hàng hơn 10 tấn giống

Là người giới thiệu đưa giống lúa Hưng Long 555 về Ea Súp trồng thử nghiệm, ông Nguyễn Nhật Minh, chủ đại lý vật tư nông nghiệp tại xã Ea Rốc cho biết, sau một mùa triển khai, anh nhận thấy giống lúa Hưng Long 555 dài bông hơn so với giống lúa bình thường.

Đặc biệt theo ông Minh, chi phí đầu tư sản xuất giống lúa Hưng Long 555 thấp hơn những giống lúa khác. Sau khi tham quan mô hình và nhận thấy tiềm năng của giống lúa Hưng Long 555, các hộ dân tại địa phương đã liên hệ đặt giống cho vụ đông xuân 2023 - 2024. Hiện ông Minh đã đăng ký mua 10 tấn giống Hưng Long 555 về bán cho người dân trong xã.

“Tôi đã ăn thử gạo của giống lúa Hưng Long 555 và thấy cơm ngon, đậm vị, gạo dẻo, đậm đà cơm hơn những loại gạo khác. Trước đây gia đình tôi cũng từng phân phối các giống lúa nhưng vụ đầu chỉ bán được vài tấn là nhiều, chưa có giống nào mới triển khai mô hình mà bà con nông dân đã đặt mua nhiều như giống Hưng Long 555. Gia đình khi bán giống lúa Hưng Long 555 cũng cam kết thu mua lại gạo với giá bằng hoặc cao hơn những giống lúa đang triển khai tại địa phương”, ông Minh khẳng định.

Giống lúa Hưng Long ngay vụ đầu có mặt ở huyện Ea Súp đã được nông dân nồng nhiệt đón nhận. Ảnh: Quang Yên.

Giống lúa Hưng Long ngay vụ đầu có mặt ở huyện Ea Súp đã được nông dân nồng nhiệt đón nhận. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Lê Ngọc Ánh (tác giả giống lúa Hưng Long 555) - Giám đốc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế, giống lúa Hưng Long 555 được công nhận lưu hành năm 2022. Giống lúa thuần Hưng Long 555 do Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế chọn tạo, đã được Cục Trồng trọt cấp quyết định lưu hành số 349 QĐ -TT -VPPN ngày 18/11/2022 cho khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Theo kết quả khảo nghiệm Quốc gia, giống lúa Hưng Long 555 cho năng suất trung bình đạt 88,7 tạ/ha, vụ đông xuân đạt xấp xỉ 10 tấn/ha. Đây là giống lúa thuộc nhóm tẻ ngắn ngày năng suất, chất lượng cơm gạo tốt, cụ thể: Tỷ lệ gạo xát đạt > 81%, gạo nguyên 71,2%, không bạc bụng, gạo dài xấp xỉ 7mm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Amylose 16,2 cho cơm trắng mềm, không dính, đậm vị. Giống lúa Hưng Long 555 rất cứng cây, phù hợp cho chân đất vàn và vàn thấp, chống chịu đổ ngã tốt, ít nhiễm sâu bệnh...

Ngay sau khi có quyết định lưu hành, vụ đông xuân 2022 - 2023, Công ty đã tiến hành trình diễn nhiều mô hình tại khu vực được lưu hành, trong đó có huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) và năng suất tươi thu hoạch được ở ruộng sản xuất giống đạt xấp xỉ 13 tấn/ha.

Tiếp tục mở rộng diện tích tại Đắk Lắk trong vụ hè thu 2023, Công ty đã tổ chức 14 mô hình tại 6 huyện trọng điểm lúa, gồm: Ea Súp, Ea Ka, Krông Pắc, Lắk, Krông Ana và huyện Buôn Đôn.

Thời gian tới, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế sẽ mở rộng mô hình sản xuất giống lúa Hưng Long 555 tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Thời gian tới, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế sẽ mở rộng mô hình sản xuất giống lúa Hưng Long 555 tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

“Trong vụ hè thu này cây lúa Hưng Long 555 có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, rất phù hợp với cơ cấu thời vụ của các địa phương. Qua thăm đồng đánh giá cho thấy cây lúa sinh trưởng rất khoẻ, cây cao khoảng 85 - 88cm, bông dài 25,6cm. Trung bình 179 hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc 76,3%, 5,5 - 6 bông/bụi. Năng suất ước đạt xung quanh 10 tấn/ha. Giống lúa Hưng Long 555 cho kết quả rất tốt, vượt trội so với các giống lúa khác trồng trong khu vực”, ông Lê Ngọc Ánh cho biết.

Cũng theo ông Ánh, trong vụ hè thu 2023 tại huyện Lăk và Buôn Đôn, Công ty cũng đã triển khai các mô hình trình diễn giống lúa Hưng Long 555 và đều cho kết quả vượt trội.

Ông Trần Đình Quang ở thôn Thăng Lập, xã Ea Kuang (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) trong vụ hè thu 2023 cũng gieo trồng 0,2ha giống lúa Hưng Long 555. Ông Quang chia chia sẻ, đây là vụ đầu tiên gia đình sử dụng giống lúa mới này vào sản xuất nhưng kết quả vượt mong đợi.

Giống lúa Hưng Long 555 có chiều cao cây 88,5cm, bông dài xấp xỉ 30cm, số hạt chắc đạt 149 hạt/bông. Năng suất khô đạt 8,5 tạ/1.000 m2, gạo trong, rất đẹp, cơm nấu có mùi thơm nhẹ, cơm mềm dẻo, ráo, vị đậm.

Theo đánh giá của Trạm BVTV Krông Pắc, giống lúa Hưng Long 555 cho năng suất 8,5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 59 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 8 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.