| Hotline: 0983.970.780

Móng Cái: Cùng một nội dung ra hai văn bản ‘bất nhất’, dân thiệt

Thứ Năm 22/10/2020 , 11:54 (GMT+7)

Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh) Đỗ Xuân Điệp ký 2 văn bản về bồi thường đất và cây trồng tại xã Quảng Nghĩa có nội dung “đá” nhau.

Dự án mỏ khai thác đất phục vụ thi công dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tại thôn 5 xã Quảng Nghĩa diện tích gần 50ha của 25 hộ dân được UBND TP Móng Cái phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 08/5/2019. Để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, UBND TP Móng Cái đã ban hành Thông báo thu hồi đất số 284/TB-UBND ngày 19/8/2019.

Trong cáo cáo số 519/BC-UBND ngày 01/6/2020, ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết, đối chiếu với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố và bản đồ 3 loại rừng, thì diện tích mỏ đất tại Quảng Nghĩa là rừng trồng sản xuất, được phê duyệt tại Quyết định số 3722/QĐ-UBND ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh . Kết quả kiểm kê rừng năm 2015 đã được nghiệm thu và phê duyệt rừng sản xuất là rừng trồng. Không có diện tích rừng tự nhiên trong khu vực thực hiện dự án.

Quyết định giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân từ khi còn là thị xã Móng Cái. Ảnh: Đ.B

Quyết định giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân từ khi còn là thị xã Móng Cái. Ảnh: Đ.B

Ngoài ra, tại Hồ sơ kết quả kiểm kê rừng trồng dự án KFW xã Quảng Nghĩa – thị xã Móng Cái và tại Bảng tổng hợp kết quả kiểm kê rừng trồng từ năm 2000-3/2005 xã Quảng Nghĩa cột số 03 – công thức trồng thể hiện năm 2003 (khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung) đều thể hiện: công thức trồng cây bản địa.

Bảng kê kết quả kiểm kê rừng trồng năm 2003 cũng thể hiện biện pháp kỹ thuật: Khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung (cây trồng bổ sung là cây sấu); không thể hiện chủng loại loài cây, số lượng, kích thước cụ thể của từng loại cây. Không có kết quả kiểm kê rừng tự nhiên.

Trong hồ sơ lưu trữ không có biên bản thể hiện tại thời điểm trước khi giao đất cho các hộ dân, cơ quan Nhà nước không xác định hiện trạng, trữ lượng, chủng loại cây rừng trước khi bàn giao.

Theo phiếu ý kiến khu dân cư và Bản chứng nhận nhà đất của UBND xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng cái xác định 20/25 hộ dân trong khu vực dự án sử dụng ổn định, liên tục vào mục đích trồng rừng sản xuất từ năm 2003 đến thời điểm có Thông báo thu hồi đất không tranh chấp.

Đồng thời, khi chưa có Thông báo thu hồi đất thực hiện dự án, toàn bộ tài sản là cây trồng trên đất do các hộ dân sử dụng ổn định, liên tục, khai thác và hưởng lợi. Không có diện tích rừng tự nhiên, không có loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam thuộc danh mục cấm khai thác.

UBND xã Quảng Nghĩa xác nhận rõ nguồn gốc tại Bản chứng nhận nhà đất và tài sản trên đất ngày 24/9/2019 (loại cây trồng trước thời điểm thông báo thu hồi đất của từng hộ dân).

Gần 3 tháng sau, tại báo cáo số 798/BC-UBND ngày 25/8/2020, cũng do ông Đỗ Xuân Điệp ký, lại khẳng định, diện tích vùng dự án mỏ đất Quảng Nghĩa có cây rừng tự nhiên, rừng tự nhiên từ thời điểm được giao đất đến nay (?!).

Căn cứ vào báo cáo này, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh có công văn số 5800, ngày 14/9/2020 gửi UBND tỉnh, nêu rõ: Theo quy định của pháp luật, 25 hộ dân xã Quảng Nghĩa không được bồi thường về đất, do “đất rừng được giao là rừng tự nhiên”, không được bồi thường về cây trồng đối với cây rừng tự nhiên và cây trồng bổ sung không đúng với cây trồng được phép.

Như vậy, về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân, dựa trên ý kiến cá nhân không có căn cứ pháp lý rất mâu thuẫn với hồ sơ và các báo cáo trước đó do lấy kết quả hồ sơ kiểm kê rừng trồng năm 2003, 2005 nhưng lại khẳng định là rừng tự nhiên.

Tại báo cáo 798 của UBND TP Móng Cái ghi “Qua kiểm tra hiện trạng và làm việc trực tiếp với các hộ dân thì toàn bộ diện tích rừng vẫn giữ nguyên hiện trạng như thời điểm được giao ban đầu người dân không tác động vào rừng”. Tuy nhiên, theo phân tích, trong hồ sơ lưu trữ không có biên bản thể hiện tại thời điểm trước khi giao đất cho các hộ dân, cơ quan Nhà nước không xác định hiện trạng, trữ lượng, chủng loại cây rừng trước khi bàn giao dựa vào đâu mà TP Móng Cái khẳng định số lượng, loài cây, thành phần chủng loại, đường kính, chiều cao... không thay đổi từ trước năm 2003 đến thời điểm hiện tại? (khoảng thời gian cách nhau gần 20 năm).

Việc xác định mục đích sử dụng đất, nguồn gốc tài sản trên đất và tính chất hợp pháp của đất và tài sản phải căn cứ vào quy hoạch, giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (vì ở đây là quyết định giao đất, không phải quyết định giao rừng. Do đó theo quyết định giao đất thể hiện là đất rừng sản xuất. Mà cũng không thể có loại đất là khoanh nuôi tái sinh theo chương trình dự án trồng rừng Việt – Đức”.

Văn bản do ông Đỗ Xuân Điệp ký khiến người dân bức xúc, giữ đất. Ảnh: Đ.B

Văn bản do ông Đỗ Xuân Điệp ký khiến người dân bức xúc, giữ đất. Ảnh: Đ.B

Theo phiếu ý kiến khu dân cư và Bản chứng nhận nhà đất của UBND xã Quảng Nghĩa, TP Móng cái xác định 25/25 hộ dân trong khu vực dự án sử dụng ổn định, liên tục vào mục đích trồng rừng sản xuất từ năm 2003 đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013, điều kiện để hộ gia đình, cá nhân được bồi thường về đất là: Không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm; Có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Rõ ràng,  2 văn bản của UBND TP Móng Cái do ông Phó Chủ tịch Đỗ Xuân Điệp ký là “bất nhất”, vô hình chung khiến người trồng rừng bị thiệt thòi.

Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chiến dịch cao điểm giải phóng mặt bằng thi công đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Đây là công trình trọng điểm để địa phương này bứt phá về kinh tế, sớm hoàn thành những mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, chỉ vì những văn bản, báo cáo mang nặng tính cá nhân như thế này mà ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân và làm chậm tiến độ dự án. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.