| Hotline: 0983.970.780

Phó phòng Tài nguyên Môi trường Móng Cái ‘một tay che trời’

Thứ Tư 26/08/2020 , 12:38 (GMT+7)

Cán bộ xúi giục người dân kéo lên Thành phố đòi quyền lợi, phù phép cấp sổ đỏ đất rừng chồng lên dự án đã được UBND tỉnh cấp phép….

Cán bộ “Xúi” dân kéo lên Thành phố đòi quyền lợi

Mỏ đất tại xã Quảng Nghĩa chưa được đền bù nhưng DN đã lấy đất san nền. Ảnh: NNVN.

Mỏ đất tại xã Quảng Nghĩa chưa được đền bù nhưng DN đã lấy đất san nền. Ảnh: NNVN.

Dự án xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái lấy khoảng 50ha đất rừng của một số hộ dân xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái để làm mỏ đất phục vụ công tác san nền. Trong khi phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chưa được cấp có thẩm quyền xây dựng và phê duyệt, thì các hộ dân đã ký vào biên bản bàn giao mặt bằng, nhằm đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm này của tỉnh Quảng Ninh. Biên bản bàn giao được thực hiện từ cuối năm 2019.

Trong quy định 19 điều đảng viên không được làm, điều 5 quy định rõ, đảng viên không được tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, mục 4 quy định đảng viên không được đề xuất, chủ trì, tổ chức, tham gia, ủng hộ vật chất hoặc kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tổ chức, cá nhân tố cáo, khiếu nại dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, khác với kỳ vọng của người dân, chính quyền Thành phố Móng Cái quá chậm chạp trong xây dựng phương án bồi thường đất và tài sản trên đất cho nông dân. Bằng chứng là đến thời điểm hiện tại, người dân Quảng Nghĩa vẫn chưa nhận được bất cứ một văn bản, hay một lời hứa chắc chắn nào từ những người có trách nhiệm.

Quá bức xúc, một số hộ dân đã xuống tận UBND tỉnh, kiến nghị gặp lãnh đạo tỉnh để “hỏi cho ra nhẽ”. Trong buổi tiếp dân mới đây nhất,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, đã gặp gỡ và trao đổi với người dân và khẳng định đến hết 30/9/2020, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại mỏ đất này phải được Thành phố Móng Cái thực hiện xong.

Được biết, Trung tâm phát triển quỹ đất của Thành phố Móng Cái đã ra phương án đền bù cho người dân, nhưng phương án này bị lãnh đạo Thành phố bác bỏ, và giao lại việc chủ trì xây dựng phương án cho Phòng Tài nguyên Môi trường TP.

Sự việc không có gì phải bàn cãi nếu lãnh đạo phòng này thực sự công tâm, làm đúng pháp luật theo hướng người dân không bị thiệt thòi khi thu hồi đất. Tuy nhiên, ông Đoàn Trung Kiên, Phó phòng Tài nguyên Môi trường Thành phố Móng Cái, lại thực hiện theo một cách “rất khác người”.

Thay vì nhanh chóng xây dựng phương án bồi thường, giải tỏa bức xúc cho người dân, thì ông Kiên lại “mang xăng đi chữa cháy”.

Ngày 19/8/2020, theo phản ánh của người dân, ông Kiên dẫn đầu “đoàn công tác” gồm chuyên viên phòng Tài nguyên Môi trường Thành phố là Nguyễn Văn Nam và 2 cán bộ kiểm lâm xuống tận thôn 5, xã Quảng Nghĩa, nơi người dân có đất bị thu hồi, để “vận động” người dân ký vào 1 biên bản xác nhận mà người dân cũng không được đọc. “Ông Kiên nói với dân là cứ ký vào biên bản này thì thành phố sẽ bồi thường nhiều hơn. Có gì người dân cứ kéo lên thành phố mà đòi quyền lợi”, nhiều người dân cho hay. (trích file ghi âm).

Lập tức, ngày 20/8, hàng chục hộ dân kéo lên “bao vây” trụ sở tiếp công dân của TP Móng Cái để đòi quyền lợi. Cán bộ tiếp dân phải giải thích mãi là vẫn chưa có phương án bồi thường thì làm sao giải quyết quyền lợi được, bà con mới chịu giải tán.

Cả 2-3 ngày hôm sau, vẫn những nông dân này, tay cầm đơn, ồ ạt kéo lên trụ sở xã Quảng Nghĩa và Thành phố Móng Cái. Họ cho rằng, cán bộ Kiên hứa với dân như thế thì họ cứ kéo lên đòi chính quyền thôi. Chính ông Đỗ Xuân Điệp, Phó chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái thừa nhận với phóng viên, ngày 24/8, ông vừa nhận được hàng chục lá đơn đòi quyền lợi của người dân Quảng Nghĩa.

Một cán bộ xã Quảng Nghĩa (xin được giấu tên) cho biết, việc ông Kiên tự lập “tổ công tác”, xuống địa phương mà không thông báo để phối hợp, lại làm những việc gần như xúi giục người dân tập trung đông người để đòi quyền lợi là việc rất không nên làm. “Ông ấy là đảng viên, đáng lẽ phải ý thức rất rõ những việc thế này, thì lại hành động không chuẩn. Chưa nói đến việc thông qua chính quyền sở tại để phối hợp làm việc, mà chỉ cần ông ấy “xui” dân làm những điều không nên làm, nếu xảy ra hậu quả đáng tiếc, thì ai chịu trách nhiệm. Việc “xui” người dân tụ tập đông người, đòi quyền lợi tại cơ quan công quyền là hoàn toàn không nên làm, bởi đã có phương án bồi thương đất đâu”, vị cán bộ này nói. (trích file ghi âm).

Cấp sổ đỏ chồng lên dự án UBND tỉnh phê duyệt

Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại Thành phố Móng Cái của Cty TNHH Phú Lâm có diện tích 1.035 ha, bao gồm khu trại nuôi bò thịt, khu trại nuôi bò giống và các phân khu chức năng. Giai đoạn I, quy mô nuôi 20.000 con và tiếp giai đoạn 2 lên đến 40.000 con. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành cấp phép và quyết định giao đất cho doanh nghiệp này. Việc hoàn thành các thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động chỉ diễn ra vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ cho thấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn.

120ha đất rừng bị cấp chồng sổ đỏ lên dự án của Cty Phú Lâm. Ảnh: NNVN.

120ha đất rừng bị cấp chồng sổ đỏ lên dự án của Cty Phú Lâm. Ảnh: NNVN.

Thế nhưng, cho dù phía lãnh đạo tỉnh có sốt sắng đến mấy, thì địa phương lại không coi vào đâu. Bằng chứng là ròng rã mấy năm trở lại đây, Cty TNHH Phú Lâm không thể hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.035ha đất của mình, vì hơn 120ha đất nằm trong diện tích này đã bị cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường, trực tiếp là ông Đoàn Trung Kiên (lúc đó là chuyên viên phụ trách 3 xã, trong đó gồm xã Quảng Nghĩa) và ông Nguyễn Văn Nam (lúc đó là cán bộ địa chính xã Quảng Nghĩa), tham mưu cấp cho 6 hộ dân khác.

Quá bức xúc trước việc bị mất đất trắng trợn, lãnh đạo Cty TNHH Phú Lâm đã nhiều lần “nhỏ nhẹ” nhắc lãnh đạo Thành phố Móng Cái. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, diện tích đất đã cấp chồng cho 6 hộ dân kia vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Được biết, nhiều vụ việc tranh chấp đáng tiếc đã xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.

Đại diện Cty TNHH Phú Lâm, cho biết, vụ việc trên kéo dài khiến doanh nghiệp chán nản: “Mỗi năm Phú Lâm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng nghìn lao động địa phương. Ngoài ra, quyết định giao 1.035ha đất đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Thế mà chúng tôi vẫn bị mất đất”.

Về việc này, ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái, cho hay, hiện Thành phố vẫn đang xúc tiến giải quyết, nhưng ông Điệp không cho biết phương án giải quyết cụ thể sẽ thế nào.

Trong một diễn biến khác, hiện Chi cục Thuế Thành phố Móng Cái không thể thu được thuế của diện tích đất trên, vì theo quyết định giao đất của UBND tỉnh, Cty TNHH Phú Lâm được giao sẽ phải nộp thuế đất. Tuy nhiên, 120ha trong tổng số 1.035ha đã bị cấp cho các cá nhân khác. Do vậy, hiện không ai chịu nộp khoản thuế trên.

Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Các hành vi tham nhũng cụ thể sau: tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ để vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để vụ lợi; giả mạo trong công tác để vụ lợi.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.