| Hotline: 0983.970.780

Một đám cưới 2 thiệp mời, cưới xong trả nợ cả năm

Thứ Sáu 04/08/2017 , 15:05 (GMT+7)

Không chỉ ở vùng quê, ở thành phố, những công chức, viên chức… có thu nhập thấp cũng hoảng hồn khi nhận được cánh thiệp hồng.

Anh Lê Văn Đức (ở TP Đồng Hới, Quảng Bình) nói đầy tâm trạng: “Bạn quen cưới con cứ nhắn đi cả hai vợ chồng cho vui. Đi đôi thì cũng mất 500 ngàn đồng phong bì mừng. Lương hai vợ chồng mỗi tháng được hơn 7 triệu đồng. Dự khoảng chục đám cưới coi như nhịn ăn”.
 

Một đám cưới 2 thiệp mời

Những năm gần đây, việc tổ chức đám cưới và mời khách được ngấm ngầm hiểu như là sự phô trương tiền của và quan hệ rộng rãi với mọi người. Đám cưới nào mời trên ngàn khách, tổ chức nhà hàng tiệc cưới sang trọng là được nhắc tới nhắc lui. Người đi dự cưới nhìn vào thiệp mời xem đám cưới đó tổ chức tại nhà hàng nào để đi phong bì mừng cho xứng đáng. Hoặc là con của ai, làm chức vụ gì, liên quan đến công việc hàng ngày ra sao… để lượng tiền bỏ mừng cho phù hợp. Con lãnh đạo trực tiếp, sếp lớn ở cơ quan, ở ngành thì phong bì tiền triệu trở lên.

16-21-04_nnvn__2-_sm_o_to_phuc_vu
Sắm ô tô phục vụ cưới ở làng (ảnh có tính chất minh họa)

Thông lệ, nếu là “hàm” chánh, phó lãnh đạo cơ quan tổ chức cưới con thì anh em đội ngũ trẻ ở cơ quan phụ giúp lên danh sách khách mời ở các cơ quan, viết thiệp mời và chuyển đến khách.

Anh Thanh (ở một cơ quan cấp tỉnh) kể: “Có buổi sáng đến cơ quan làm việc, thấy cô văn thư cầm tập phong bì đi phát cho từng người. Nhận thiệp mời cưới mà cứ ngớ người ra không biết con cái nhà ai, tên người cũng thấy lạ. Khó nhận ra vì thiệp chỉ ghi địa chỉ nhà ở chứ không ghi cơ quan. Hỏi mãi mới biết là con anh K. ở bên cơ quan tỉnh”.

Cũng vì danh sách khách mời được ghi theo biên chế cơ quan nên không ít trường hợp xảy ra chuyện: trưa vợ đi làm về mang theo thiệp mời cưới con anh B ở cơ quan bên khối nội chính, ghi gửi tên vợ, mời “vợ chồng hai em”; tối chồng đi làm về cũng “trình” ra thiệp mời ghi tên chồng, trong mời “hai em”. “Hai vợ chồng em làm 2 cơ quan khác nhau nên lâu lâu lại nhận được 2 thiệp mời của cùng một đám cưới, cũng vui đáo để”, anh Đức nói vui mà miệng cứ méo xệch.

Phần lớn anh em làm việc ở khối cơ quan mới vào nghề vài ba năm, mối quen biết chưa được rộng rãi lắm nhưng cũng nhiều phen tái mặt vì nhận thiệp mời xong, đọc từ bố mẹ hai bên đến cô dâu, chú rể đều lạ hoắc, không hề quen biết. Anh Lê Quân (ở một cơ quan cấp tỉnh) mới tổ chức cưới con trai vừa xong, chia sẻ: “Đám cưới thì nhiều việc, trong nhà lo chuyện nội, ngoại. Khách mới khối cơ quan thì nhờ anh em làm cùng giúp cho. Thông thường anh em lên danh sách ở cơ quan H. có chừng đó người xong là viết giấy mời chứ cũng khó kiểm soát được ai quen, ai không. Nhiều khi nhận phong bì mừng cưới, tên ghi rõ ở phong bì mà cũng không nhớ được người này vì ít gặp quá, chưa biết nhau. Lúc đó cũng thật ngại”.

Mời nhiều nhưng khó kiểm soát được lượng khách đến nên cũng không ít đám cưới mâm nhiều người dự ít. Có anh bạn mới đi làm vài năm, quen biết chưa nhiều, nhưng khi tổ chức đám cưới lại mời đông. Đến khi khai tiệc, nhìn quanh còn dư trên hai chục bàn tiệc. Anh em chơi thân xử lý bằng cách chia nhau ngồi ở các bàn cho đỡ trống. Cuối buổi, anh chị em trong cùng cơ quan chia sẻ bằng cách hai, ba người chia nhau một bàn tiệc cho vào túi mang về và bỏ thêm tiền vào phong bì cưới để phụ thêm kẻo chú rể, cô dâu lỗ tiền tiệc cưới quá nhiều.

Việc mời và dự cưới không còn ở mối quan hệ gia đình nữa mà chuyển sang mối quan hệ công tác, quan hệ địa vị. Anh Phan Thành, bạn tôi vừa nghỉ hưu non, tổ chức cưới con trai. Ban đầu, lên danh sách khách mời gần 700 suất. Suy đi tính lại, anh “cắt” hết những tên bạn bè quen nhau thông qua công việc, chỉ giữ lại một nữa khách mời, với bạn bè thân, bà con nội ngoại.

“Đám cưới diễn ra suôn sẻ, khách mời đi đúng vừa mâm tiệc. Nếu mình không cân nhắc kỹ thì anh em quen qua công việc họ tính mình đã nghỉ hưu chắc chắn là không đi dự”, anh Thành nói xong vỗ vai tôi đánh “bộp”, y như vừa mới truyền được sự triết lý.
 

Dịch vụ đám cưới nở rộ

Ở những vùng quê, ăn nên làm ra vẫn là dịch vụ hậu cần đám cưới. Thằng Trí, bạn học cấp hai cùng tôi sau nhiều năm làm đủ thứ nghề chẳng làm nổi cái nhà để ở. Tức khí, hắn quay sang làm nghề nấu mâm cho đám cưới. Ban đầu, hắn dùng xe ba gác chở mâm cổ đến đám cưới, mình mẩy mướt mát mồ hôi. Rồi chỉ sau 3 năm, hắn sắm luôn con ô tô để vận chuyển phục vụ. Gặp tôi, hắn cưới toét: “Sang năm, tôi sắm thêm con bốn chỗ nữa ông ạ. Vừa để sử dụng, vừa để phục vụ đưa đón dâu nếu họ cần”.

Theo Trí, mỗi đám cưới ở quê chừng 30 mâm là có thể kiếm được không dưới chục triệu bỏ túi. “Tiến tới, tôi sẽ bao thầu luôn dịch vụ rạp, nhạc và cả “em xi” cho trọn gói”, Trí nháy mắt cười như khoe đề án làm ăn với tôi.

Bây giờ ở quê, mỗi xã có không dưới 2 “nhà thầu” làm dịch vụ hậu cần đám cưới. Ngoài việc cạnh tranh nhau chất lượng mâm tiệc, giá cả thì tất cả các “nhà thầu” còn cạnh tranh thuê các cô gái xinh, mặc trang phục áo dài cách tân hoặc đồng phục tím phục vụ bưng bê, dọn dẹp để làm sang trọng thêm đám cưới. Mỗi đám cưới, các “nhà thầu” còn đua nhau tặng quà cho cô dâu, chú rể. “Qùa cưới cũng là sự cạnh tranh. Có khi hóng được tin anh em, họ hàng của đám đang phục vụ sắp có thêm đám cưới nữa là phải xuống tay mừng cho đậm. Có khi đến cả chỉ vàng để được trúng đám cưới sau”, Trí rỉ tai tôi.

16-21-04_nnvn__1-_nhn_vien_rp_cuoi
Nhân viên của rạp cưới (ảnh có tính chất minh họa)

Ở Đồng Hới, dịch vụ nhà hàng tiệc cưới cũng khá xôm tụ. Vài ba năm gần đây, khách sạn, nhà hàng làm dịch vụ tiệc cưới đã có trên chục cái. “Vào những tháng chẵn âm lịch, nếu đặt tiệc cưới phải đăng ký trước cả tháng. Nếu không thì khó nhận lời”, ông Minh, chủ một nhà hàng tiệc cưới cho hay.
 

Cưới xong trả nợ cả năm

Ông Lanh - trưởng thôn BN, sau đám cưới ở làng, ngồi nói chuyện với tôi ở bộ bàn đá dưới gốc cây khế mà cứ áy náy mãi. Ông nói, cách đây chưa lâu, đám cưới đơn giản lắm. Mời bà con đến chung vui điếu thuốc, đĩa bánh kẹo là êm ấm. Ai cũng đi dự được nên vui, chứ không phải như bây giờ, nhà nhà cứ đua nhau trả nợ miệng. Nhà có tiền đã đành, nhà không có thì vay mượn để cưới rồi tính liệu tiền mừng gom lại trả sau.

“Có đám cưới, tính toán xong bị lỗ 4-5 triệu đồng. Nợ cưới cả năm mới trả xong”, ông Lanh nói. Ông Lanh cũng thắc mắc, đây cũng là vấn nạn về sự lãng phí: “Sao cấp trên không chỉ đạo các cơ quan chức năng ra chỉ thị, vận động thực hiện cưới xin theo nếp sống mới. Phải vận động đảng viên, cán bộ làm trước. Phải thực hiện đơn giản, tránh lãng phí trong cưới xin từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, xã, thực hiện từ cán bộ mà ra xã hội”. Cái sự thắc mắc của ông Lanh cũng được nhiều người đồng tình và đề nghị gửi ý kiến lên cấp trên.

“Mong cấp trên chỉ đạo quyết liệt. Có sự thống nhất chỉ đạo từ Trung ương về tận cơ sở như rứa là thực hiện được ngay. Bà con nhìn vào đảng viên, cán bộ mà noi theo thôi”, ông Lanh chém mạnh tay xuống mặt bàn nói quả quyết.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm