| Hotline: 0983.970.780

Một lần, dân tưởng tôi bị bắt

Chủ Nhật 21/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Thấy tôi “bị” một anh công an chở đi khỏi hiện trường vụ cưỡng chế, sau đó không liên lạc được, người dân nghĩ tôi… bị bắt, họ gọi điện khắp nơi để cầu cứu.

Phóng viên gặp người dân xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng nghe họ bày tỏ nỗi lòng về việc sắp trắng tay khi bị thu hồi đất khai hoang. Ảnh: Phúc Lập.

Phóng viên gặp người dân xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng nghe họ bày tỏ nỗi lòng về việc sắp trắng tay khi bị thu hồi đất khai hoang. Ảnh: Phúc Lập.

Sự việc xảy ra cách đây đã 8 năm, tại Nông lâm trường Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nhưng tôi vẫn nhớ như in, bởi đó là một trong những chuyến đi tác nghiệp ấn tượng nhất trong nghề báo.

Quá khứ buồn

Năm 2012, tỉnh Bình Phước có chủ trương thu hồi đất lâm nghiệp người dân xâm canh trái phép trên địa bàn huyện Bù Đăng để giao cho Nông lâm trường Bù Đăng quản lý và lập “Quỹ an sinh dành cho người nghèo” của tỉnh. Mới nghe, quyết định này có vẻ rất “nhân văn”, hợp lòng người. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược.

Bởi vì, toàn bộ hàng ngàn ha đất xâm canh này do hàng ngàn người dân từ khó khăn, nghèo đến rất nghèo khai hoang từ trên dưới chục năm trước để mưu sinh. Đây là “chén cơm, manh áo” của họ. Cho nên, việc thu hồi của người nghèo để giao cho người nghèo là điều nghe rất buồn cười.

Cũng vì là “chén cơm, manh áo” của họ nên khi nghe tin sẽ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất khai hoang không có giấy tờ, hàng ngàn hộ dân ở nhiều xã của huyện Bù Đăng như “ngồi trên lửa”.

Họ có nguy cơ mất trắng, trở về thời không một tấc đất trong tay. Nên một mặt phản đối dữ dội, một mặt cầu cứu khắp nơi. Tôi là người đầu tiên đi thực tế tìm hiểu vụ việc trong nhiều tháng, và đã có gần chục bài viết phản ánh sâu.

Từ thị xã  Đồng Xoài (nay là thành phố Đồng Xoài), đến UBND huyện lỵ Đức Phong của huyện Bù Đăng, mất gần 3 giờ đồng hồ. Đến nơi, một nhóm người dân đã đợi sẵn, nét mặt họ đầy vẻ căng thẳng.

Một người đàn ông to khỏe, nước da sạm nắng, bảo tôi: “Tụi tôi phải đón để dẫn anh đi, vì từ đây vào đến chỗ cưỡng chế còn hơn hai chục cây số nữa. Đường rất khó đi. Với lại, anh đi một mình không an toàn”.

Vừa nói anh vừa liếc mắt chỉ cho tôi thấy mấy người đàn ông dáng vẻ bặm trợn, đứng nhấp nhô cách chỗ tôi đứng vài chục mét.

Đầu giờ chiều, tức sau hơn 2 giờ đi theo người dân, “nhảy” tưng tưng trên con đường mòn chỉ vừa bánh xe, đầy đá cuội các cỡ, hết lên lại xuống những quả đồi, tôi đến tiểu khu 174, 175, xã Phú Sơn.

Lúc này, đoàn cưỡng chế của huyện, đủ các cơ quan ban ngành, có cả cảnh sát cơ động trang bị nón mũ, lá chắn chống đạn, đã có mặt và đang “thi hành nhiệm vụ”. Hàng chục người của đoàn cưỡng chế đang “bao vây” một túp lều nhỏ, bên trong có người mẹ già mù cả 2 mắt và người con trai.

Họ “cố thủ” trong lều, khiến một người phải vào bế bà cụ ra ngoài và lôi người con trai ra. Sau đó, chiếc máy ủi lừ lừ tiến vào. Trong nháy mắt, nơi trú thân của hai mẹ con bà cụ mù đã bị san bằng. Đây là căn chòi “hậu cưỡng chế”.

Trước đó, căn nhà của họ đã bị ủi sập, nhưng do không biết đi đâu, ở đâu, nên họ tiếp tục dựng mấy tấm ván lên làm chỗ che mưa che nắng, nhưng ngày nào lực lượng cưỡng chế cũng vào yêu cầu mẹ con anh dọn đi. Người con trai đã mấy lần đổ xăng vào người và tưới quanh túp lều, sẵn sàng “tử thủ”.

Cảnh cưỡng chế ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng. Hàng ngàn cây điều bị hạ. Ảnh: Phúc Lập.

Cảnh cưỡng chế ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng. Hàng ngàn cây điều bị hạ. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi còn nhớ trường hợp gần 20 người trong đại gia đình bà Võ Thị Thu Nga, ở thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn, lâm cảnh bần cùng sau khi bị thu hồi trắng hơn chục hecta đất trồng tiêu, cà phê, điều, xen canh khoai mì.

Đất này chưa có sổ, nhưng gia đình bà Nga đã khai hoang (xâm canh) từ cuối những năm thập niên 1990. Việc thu hồi đất này đã đẩy gia đình bà vào cảnh trắng tay, không nơi bấu víu. Toàn bộ tài sản trong nhà bị xe ủi càn hết xuống suối, lấp đất lên. Vì đoàn cưỡng chế lập “hàng rào”, ngăn không cho người vào. Bà Nga chỉ biết đi khắp nơi gõ cửa cầu cứu, nhưng vô ích.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp người dân nghèo mất trắng tất cả sau bao năm vất vả cày cuốc, vun tưới cho vườn cây.

Tôi bị công an “bắt”

Tại hiện trường cưỡng chế, thấy tôi chụp hình, 2 anh công an mặc đồng phục tiến lại gần hỏi và yêu cầu trình giấy tờ.

Sau khi xem, một anh công an nói nhỏ: “Ở đây tình hình rất phức tạp, lại không có lãnh đạo có thẩm quyền trả lời báo chí, nên bây giờ tôi dẫn anh về văn phòng Lâm trường Bù Đăng làm việc. Vừa an toàn vừa có người trả lời anh”.

Suy nghĩ một lát, tôi thấy đề nghị của anh hợp lý, nên đồng ý. Anh công an nói tiếp: “Văn phòng lâm trường cách đây mấy chục cây số, đường chỉ có lối mòn, rất khó đi, tôi đi quen rồi, để tôi chở anh ra cho nhanh”, tôi lại gật đầu.

Bà cụ mù trong căn chòi dựng tạm. Ảnh: Phúc Lập.

Bà cụ mù trong căn chòi dựng tạm. Ảnh: Phúc Lập.

Do chỗ tôi đứng cách người dân khá xa, nên họ không biết mấy anh công an lại nói gì với tôi, họ chỉ thấy công an lại kiểm tra giấy tờ, sau đó lại chở tôi đi. Sau đó, họ liên lạc với tôi nhưng không được, điện thoại tắt máy.

Họ suy đoán tôi bị công an bắt, nên bắt đầu gọi cho tất cả những người quen của tôi mà họ biết. Nhưng tất cả đều không có thông tin gì, khiến họ càng thêm lo lắng.

Cuối cùng, một người cầm tờ báo Nông nghiệp Việt Nam trên tay, tình cờ thấy thông tin cơ quan, số điện thoại trên trang báo, liền gọi vào số này. Và dĩ nhiên, cơ quan tôi cũng không thể có câu trả lời thỏa đáng cho họ.

Đến gần 5 giờ chiều, sau khi làm việc xong tại văn phòng Nông lâm trường Bù Đăng, tôi lấy xe về thị trấn huyện. Đi được vài cây số, khi điện thoại có sóng, bắt đầu đổ chuông liên tục.

Cuộc gọi đầu tiên là từ một anh trong Ban biên tập ở cơ quan. Câu đầu tiên anh hỏi tôi là: “Thế được thả rồi à?”, khiến tôi ngớ người chẳng hiểu gì, hỏi lại: “Được thả là sao anh?”. Anh cười: “Thế bảo bị công an bắt? Chiều giờ có mấy người dân ở Bình Phước gọi hỏi liên tục. Tôi gọi liên tục cũng không được”. Lúc này tôi mới hiểu ra…

Người phụ nữ này bị còng tay tại chỗ vì phản đối quyết liệt đoàn cưỡng chế. Ảnh: Phúc Lập.

Người phụ nữ này bị còng tay tại chỗ vì phản đối quyết liệt đoàn cưỡng chế. Ảnh: Phúc Lập.

Ra đến thị trấn huyện, dù trời đã sập tối, nhưng một nhóm hơn chục người dân vẫn đang đợi. Thấy tôi, họ ùa lại, vừa hỏi vừa nhìn tôi từ đầu đến chân.

“Nói thật với em, từ lúc thấy em trèo lên xe công an, mọi người lo lắm, đoán già đoán non em bị bắt rồi, đang bàn tính kéo nhau ra huyện hỏi cho ra nhẽ, lý do vì sao tự nhiên bắt em”. Chị Huệ, một trong số những người có đất bị thu hồi, nói, ánh mắt chị ánh lên vẻ xúc động.

Hôm ấy, chưa tính những lúc leo đồi, vượt đồi dốc, qua sông bằng chiếc bè kéo dây tay, trọn 1 ngày tôi không có chút lương thực nào trong bụng. Chỉ có một chai nước suối lít rưỡi treo trên xe. Nhưng khi gặp người dân, chứng kiến tình cảm họ dành cho mình, mọi mệt mỏi trong tôi tan biến.

Những năm sau đó, chính quyền tỉnh Bình Phước đã thực hiện chính sách an sinh cho người dân nói chung và những hộ có đất xâm canh bị thu hồi nói riêng. Cuộc sống của họ dần ổn định. Nhưng những gì đã xảy ra, sẽ mãi là một kỷ niệm buồn, với người dân và cả với người cầm bút.

Trước những phản ánh mạnh mẽ của dư luận, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc xác minh. Trong Báo cáo Kết luận, Thanh tra Chính phủ nêu: “Việc cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh ở Bình Phước (trong đó có huyện Bù Đăng) có nhiều sai sót về trình tự thủ tục, phương pháp tổ chức thực hiện không đúng qui định, không ban hành quyết định cưỡng chế đến các hộ dân, khi cưỡng chế không kiểm đếm tài sản, cây trồng, không đền bù, hỗ trợ cây trồng trên đất, không lập biên bản khi cưỡng chế, không cấp đất sản xuất cho các hộ dân bị thu hồi đất”.

Sau đó, một số cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh này đã bị xử lý kỷ luật, thuyên chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước thời hạn.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm