Cây dừa nước ở miền Nam vốn thân thương gắn bó với từng gia đình nông dân miệt vườn sông nước. Dừa dễ sống ở cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Dừa bung nở ở bờ sông, mé kênh, lung đìa… Cuối thập niên 90 trở về trước, dừa nước là một loài cây chủ đạo trong cuộc sống của người dân. Dừa để lợp nhà. Dừa để dừng vách. Dừa che mui xuồng...
Thời ấy, dựng một nếp nhà ngoài cây cột là khung nhà thì nhất định phải có lá dừa để bao phủ xung quanh nhà cho kín nhằm tránh mưa tạt gió lùa.
Một căn nhà lá được xem là sang trọng, ấy là phải được lợp mái, được dừng vách bằng lá nhứt. Lá nhứt là sao?
Lá nhứt là loại lá đẹp nhất, dài nhất, xanh nhất, chín nhất, tàu đều lá không bị sâu ăn hay gẫy đoạn. Một tàu lá nhất thả lên mái nhà lợp chỉ cần một cọng. Một cọng thả từ đòn dông tới hút cột hàng ba. Mỗi tàu lá được téc làm hai, bỏ cái sống lưng dầy mịt đi, hai phần lá đó lại được áp lại với nhau một cặp và lợp trên mái nhà. Cũng nhà lá nhưng nhà lợp bằng lá nhứt có vẻ sang trọng hẳn lên. Không đã mắt sao được khi ngắm hàng sóng lá khít khịt. Rồi người thợ lợp cho khéo để hai đầu lá giao nhau ở đòn dông cũng khít khịt mướt rượt nâu bóng, người đưa lá ngước lên chớ thấy miếng ánh sáng nào lọt qua. Những sợi lạt dừa vừa dẻo vừa dai cột chặt cọng lá dừa vào cây đòn tay. Như nhà sang hơn thì mua vài ký đinh đóng thẳng cọng dừa vào cây đòn tay, chắc phải biết luôn.
Lá dùng để xốc nóc cũng phải loại lá tốt. Việc xốc nóc nhà là chuyện rất quan trọng. Người xốc nóc phải là người vừa khéo tay vừa tốt nết mới được gia chủ tin cậy mượn xốc nóc. Xốc nóc sao cho gia đình mần ăn yên ổn, hòa thuận, cho mái nhà không bị tốc bị giột mới đạt chuẩn yêu cầu kỹ thuật.
Một mái nhà dựng lên, ta nói dòng họ bà con cả xóm xúm vào tiếp. Từ lúc dựng đến lợp, dừng vách, làm cửa nẻo chừng trong ngày là hoàn tất. Bà con đến giúp, người chặt lá, kéo lá, người đưa lá, người lợp, người dừng... và tất nhiên có hẳn một ê kíp các bà các cô lo chuyện hậu cần bếp núc nữa.
Người viết bài này vốn vào miền Nam từ thuở nhỏ. Nhưng cũng từng được ở trong căn nhà lá được dựng bằng tình cảm ấm nồng của bà con chòm xóm.
Chiều, ngắm căn nhà mát rượi vừa được dựng lợp xong nghe trong lòng vui làm sao. Vui vì tình làng nghĩa xóm. Vui vì mái nhà rách nát đã được thay bằng mái nhà mới thơm thơm mùi lá. Ừ thì quê nghèo ai dám ước cao sang. Một mái nhà mới cột kê táng và dừng lợp bằng lá dừa cọng cũng hơn hẳn mái nhà cột chôn chân lợp dừng bằng đưng bằng cỏ tranh.
Thời nhà lá nhưng cũng phân chia gia cảnh rõ ràng. Nhiều gia đình khó khăn quá, đâu đủ tiền mua lá cọng, đành mua lá tấm trầm sẵn để dùng, bởi lá tấm rẻ hơn, mỏng manh hơn, lợp cũng nhanh hơn. Còn ngặt nghèo hơn nữa thì đi cắt đưng về phơi khô, đánh thành tấm rồi lợp. Và tất nhiên tuổi thọ của tấm đưng cũng chỉ trụ được một mùa mưa trong khi lá dừa cọng thì được hẳn những năm sáu năm.
Lá dừa vào vụ nhộn nhịp người mua kẻ bán. Các thương lái vào tận vườn đốn lá, kéo lá rồi chất lên ghe đi bán khắp nơi. Người cần lợp nhà dừng vách chỉ cần xuống cầu bến đón. Ghe lá đi qua ngoắc lia ngoắc lịa. Ghé lại, giá cả thỏa thuận là dọn bãi cho người bán kéo lá lên.
Lá kéo lên bờ cũng được sắp cho ngay, chỉ chừa cái sống lên trên phơi nắng cả chục ngày mới đem lợp. Tụi con nít ở xóm thích nhất những bãi phơi lá ấy. Những sóng lá mướt rượt nằm ngồi trên đó chơi phải nói là đã. Đứa nào cõng em ẵm em đã mỏi thì cứ việc thả em lên thảm tàu dừa ấy.
Vui nhất là được chơi trên những thảm tàu dừa dùng để lợp trường học. Lợp trường học thì cần dùng rất nhiều lá. Mỗi dãy trường dài bằng cả chục căn nhà. Khi ấy thảm lá dừa phơi cũng dài bất tận cho những đứa trẻ quê thỏa sức lăn lê bò choài, chơi nhà chòi dài ngày mà không dính bụi dính đất.
Lá dừa vừa chắc vừa cứng cáp nhưng cũng ngọt lừ trong lửa. Bởi vậy, người dân miền Nam trong sáu tháng mùa khô phải hết sức cẩn thận với củi lửa. Một tàn lửa bay vô vách hoặc lên mái lá ngún thành ngọn lửa kể như xong. Bởi mùa khô lung đìa đều khô nước lấy đâu ra chữa lửa. Mà có nước thì cũng tạt bằng xô thùng chứ đâu có điện, có mô tưa hoặc máy bơm làm vòi xịt nước hoành tráng như giờ.
Cũng vì cái vụ sợ cháy mà đàn bà con gái ở quê lúc nào cũng nơm nớp lo. Trước khi đi ngủ bà cháu, mẹ con phải ngó xem cái bếp củi đã lụi chưa. Cẩn thận thì xối một ca nước cho tàn tro ngúm hết mới an tâm tắt cây đèn dầu đi ngủ.
Ngoài nghề đốn lá, bán lá, cây dừa nước còn giúp người mưu sinh bằng nghề chẻ lạt dừa. Những tàu dừa sau khi đốn còn một đoạn gọi là bặp dừa. Bặp dừa được tước và chẻ lạt. Lạt ấy đem phơi ngót nắng deo dẻo dùng để lợp nhà cột vách thì dây nào bằng.
Nói về lá dừa nước mà quên nói về trái dừa nước thì còn đâu tuổi thơ nơi miệt quê yêu dấu. Thường các ghe lá dừa luôn mua theo những quầy dừa chất trên mui ghe. Người lớn mua lá thể nào cũng mua cho bầy trẻ quầy dừa. Từng trái dừa được tách chẻ nạo lấy phần cơm mềm nước ngọt đút lỏm vô miệng thiệt mát thiệt đã. Còn như bình tĩnh xíu thì múc cơm dừa ấy bỏ vào ca dầm đá dầm đường ăn ghiền phải biết. Nhớ ngày xưa, thuở chưa có nhiều cầu nhiều kênh thoát lũ, cầu Vàm Răng tháng chín, tháng mười nước chảy xoáy xiết trổ ra biển, xuồng ghe nào đi ngang cũng sợ. Có bầy nhỏ vì ham mấy quầy dừa nước rủ nhau bơi xuồng đi chặt. Đang vịn quầy dừa thì xuồng lật úp. Cũng may, toàn những đứa nhanh lẹ biết bơi lên chụp kịp vào bẹ dừa và lần vào bờ thoát chết. Hú hồn hú vía luôn.
Vị ngọt mát thanh tao của trái dừa nước theo sát tuổi thơ trẻ em miệt lung đìa. Rồi lớn lên lên, rồi được đi nhiều nơi, được thưởng thức nhiều trái cây ngon lạ nhưng vị giác vẫn rưng rức nhớ cái vị thanh mát trong trẻo nhỏ xinh của cơm dừa nước. Chẳng thế mà ở trên những cung đường bây giờ, đoạn quốc lộ 80 qua huyện Hòn Đất, Kiên Giang đều có những chòi bán dừa nước. Một trăm ngàn một ký cơm dừa mà thực khách vẫn ghé mua tấp nập không hề trả giá. Trong những vị khách ấy ắt hẳn đã từng có tuổi thơ bên quầy dừa nước nên mới mua dừa như tìm lại ký ức ngày xưa.
Ngày nay công nghệ phát triển. Những mái nhà lá của dân được thay bằng nhà xây mái bằng hoặc nhà mái tôn với đủ sắc màu kiểu dáng. Vui vì quê hương đổi mới, nhà cửa đã chắc chắn và thầm nghĩ có lẽ lá dừa rớt giá lắm rồi. Lại thương người miệt vườn, miệt biển, đất biển mặn mòi, dừa lá rớt giá thì sống sao đây. Những lo lắng ấy chợt tan biến khi được mục sở thị vườn dừa xanh tốt của bác Ba Thông. Rồi dưới cầu bến vẫn ghe nối ghe chờ tới lượt xuống lá. Những ghe lá này chở đến những nơi người ta đang làm khu sinh thái. Nhu cầu của con người thật lạ kỳ. Nhà cửa thì thích khang trang kiên cố. Khi đi du lịch thì lại thích tìm về những nơi có cỏ cây thôn dã nhà chòi tranh tre nứa lá. Bởi cái nhu cầu ấy mà lá dừa có đất sống. Mà sống vip hẳn hòi nhé. Xưa lợp một mái nhà hết chừng hơn triệu tiền lá, bây giờ lá là đặc sản, là hàng hiếm nên lợp một mái nhà coi được cũng ngốn cả chục triệu đồng.
Về với khu sinh thái, dừng chân trong các chòi lợp lá, du khách sẽ rất thích thú, cảm giác như về với quê xưa. Có ai trưởng thành mà không qua thời khốn khó, có ai ở quê xưa mà quên được mái lá bao giờ. Và thế là, cùng với loại hình du lịch sinh thái phát triển, tranh tre nứa lá cũng được đặc biệt ưa chuộng. Mừng cho chủ vườn, mừng cho người nông dân một nắng hai sương vẫn thủy chung bên bụi tre vạt lá.
Mai này, dẫu cho đời sống phát triển, thì tin rằng cây dừa nước cũng vẫn bám rễ thật sâu vào đất, che chở cho đất cho người, rồi chìa quầy quả nâu nâu xinh xinh như mời ai, như gọi ai về với ngày xưa…