Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động khai thác tiềm năng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống làng nghề. Nhiều sản phẩm đã được cải tiến, nâng cấp chất lượng theo tiêu chí OCOP. Đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Sở NN-PTNT Nam Định, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trong năm 2020 nhiều hơn so với năm 2019, đạt 110 sản phẩm hạng từ 3 - 4 sao. Trong đó, có 11 sản phẩm OCOP 4 sao và 99 sản phẩm OCOP 3 sao.
Số sản phẩm OCOP có đều ở tất cả các huyện, thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên và thành phố Nam Định. Đến nay, tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh là 146 sản phẩm đạt hạng trên 3 sao.
Các chủ thể sản phẩm OCOP hiện có 80 đơn vị; gồm 35 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã, 27 hộ sản xuất kinh doanh. Trong năm 2020 có nhiều cơ sở sản xuất mới tham gia, chủ yếu là các hợp tác xã và hộ gia đình.
Sở NN-PTNT Nam Định cho biết thêm, trong các nhóm sản phẩm OCOP đã được công nhận, có 135 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (chiếm 92,4%). Đây là nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và đang được xã hội quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngoài ra, có 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (chiếm 4,8%); 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (chiếm 1,4%); 2 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (chiếm 1,4%).
Được biết, tỉnh Nam Định hiện có 110 mô hình sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, gần 30 doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản đảm bảo các quy định an toàn. Vì vậy, ngoài các sản phẩm OCOP, tỉnh Nam Định còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị: “Công bố sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định năm 2020” vừa diễn ra tại thành phố Nam Định, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian qua.
Theo ông Tiến, chương trình OCOP thực sự tạo ra bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tại nhiều địa phương đã xây dựng những mô hình nông nghiệp quy mô lớn, liên kết, an toàn. Đặc biệt, chương trình có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển các làng nghề, sản phẩm thế mạnh của các vùng, miền, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Nam Định nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP, đưa đến cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Thời gian tới, Nam Định cần thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực địa phương.
Đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP cần tiếp tục nâng cao chất lượng để phấn đấu nâng hạng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP chú trọng công tác đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm để từng bước khẳng định chỗ đứng và vị thế trên thị trường...”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.