Rụng bông, trái non khoảng 30%
Ông Đoàn Ngọc Giang, một người trồng sầu riêng ở thôn Chi Chay, xã Sơn Trung (Khánh Sơn, Khánh Hóa) cho biết, chưa năm nào thời tiết trên địa bàn mưa gió bất thường như năm nay. Đợt đầu tháng 4 vừa qua, khi sầu riêng đang độ ra hoa, đậu trái non đã “dính” cơn mưa lớn bất thường khiến bông rụng rất nhiều. Trong khi đó, những ngày gần đây trên địa bàn tiếp tục có mưa dông vào buổi chiều làm trái non tiếp tục rụng thêm.
Tại vườn sầu riêng khoảng 100 cây (6 sào) của gia đình ông Giang mỗi năm cho năng suất từ 8 - 10 tấn. Trước đợt mưa, vườn sầu riêng nhà ông cũng như nhiều vườn trong huyện sung sức ra bông, trái non rất nhiều. Do đó, ông Giang và nhiều người dân đã vặt bỏ bớt bông, trái non nhằm đảm bảo về chất lượng cũng như trọng lượng quả sau này. Thế nhưng do ảnh hưởng mưa bất thường, đã làm vườn sầu riêng nhà ông rụng bông hàng loạt, đậu trái rất ít nên dự kiến năng suất giảm sâu.
Tương tự, vườn sầu riêng khoảng 1 ha của hộ ông Doãn Trọng Toan ở thôn Cô Lắc (xã Sơn Trung) cũng bị ảnh hưởng thời tiết nên bị rụng bông, trái không theo ý muốn.
Ông Toan buồn bã cho biết, 20 cây sầu riêng (tương ứng 1 sào) trồng giống Ri6 bị ảnh hưởng thời tiết nên trái non rụng hết, hiện không còn bao nhiêu. Diện tích còn lại trồng các giống sầu riêng Monthong, giống Chín Hóa, trái non vẫn còn giữ tàm tạm. Tuy nhiên với thời tiết hiện còn “đỏng đánh” sáng nắng, chiều mưa thì sầu riêng sẽ còn rụng trái non nên gia đình rất lo lắng.
Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, toàn huyện có 1.920 ha trồng sầu riêng, trong đó gần 1.000ha trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian qua, do ảnh hưởng mưa nhiều trong khi sầu riêng đang ra bông, đậu quả nên nhiều nhà vườn bị rụng bông, trái non khoảng 30%.
Theo ông Huy, cây sầu riêng thường rụng bông, trái non do sinh lý, cũng như nhà vườn tự chọn vặt bớt bông, trái là điều bình thường. Tuy nhiên việc ảnh hưởng mưa khiến bông, trái non rụng không theo ý muốn sẽ có nguy cơ làm giảm năng suất cũng như chất lượng thu hoạch quả sau này.
Ngoài việc rụng bông, trái non, việc mưa nhiều cũng làm sầu riêng ở Khánh Sơn bị sâu rầy, rệp sáp gây hại nhiều do độ ẩm cao.
Lưu ý phòng trừ sâu bệnh
Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - BVTV và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc sầu riêng trong tình hình thời tiết thay đổi. Cùng với đó vận động bà con chăm sóc, phòng trừ các loại bệnh trên cây sầu riêng để đảm bảo năng suất.
Về giải pháp, Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Khánh Sơn khuyến cáo cây sầu riêng trong giai đoạn này gặp mưa thường ra đọt non. Để điều khiển đọt non không ảnh hưởng tới quá trình xổ nhụy - đậu trái, nên phun Hi Potassium C30 hoặc 7-5-44-TE để chặn đọt non, giúp họa thụ phấn, đậu quả tốt.
Trước khi sầu riêng xổ nhụy, nên phun phân bón lá chứa Canxi - Bo + Kali theo khuyến cáo để tăng tỷ lệ hoa đậu quả; phun phân bón lá có chứa Bo giai đoạn 15 - 20 ngày sau khi đậu quả để hạn chế hiện tượng cháy múi.
Bên cạnh đó, để hạn chế sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển quả, nên phun MKP (0-52-34) với liều lượng 50 - 100g/10 lít nước hoặc KNO3 với liều lượng 150 g/10 lít nước, cứ 7 - 10 ngày/lần ở giai đoạn từ 3 - 12 tuần sau khi đậu quả.
Đối với phòng trừ rệp sáp hại sầu riêng, cần hạn chế trồng xen với các cây thu hút rệp sáp như cà phê, tiêu, bơ, na... Tưới nước đủ để hạn chế rệp sáp phát triển. Trong giai đoạn bông và trái non cần cung cấp đủ nước để đất không bị khô, tỉa bỏ những quả non bị nhiễm rệp sáp nặng. Phun thuốc khi mật số rệp sáp cao bằng các loại thuốc như Buprofezin, Spirotetramat, Clothianidin kết hợp với dầu khoáng, chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc.
Đối với phòng trừ rầy xanh, rầy phấn, cần thường xuyên tỉa cành tạo tán thông thoáng cho cây. Nên tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch phát triển như nhện, bọ rùa, chuồn chuồn cỏ nhằm giảm mật số rầy. Khi cây vừa búp đọt, phun 2 - 3 lần các loại nông dược trị rầy như Clothianidin, Abamectin, Spirotetramat...
Để hạn chế sâu đục quả, phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm, từ đó thu gom và tiêu hủy những quả bị sâu gây hại. Tỉa bớt những trái kém phát triển trong chùm. Trong chùm quả chưa bị nhiễm nên sử dụng đoạn gỗ nhỏ để chêm giữa các quả nhằm hạn chế sự gây hại. Khi cần thiết, có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm sâu đục quả nặng, sử dụng thuốc hóa học phun ngừa giai đoạn ra hoa và quả.
Khi phát hiện có sâu đục quả, phun thuốc khi sâu chưa đục sâu vào trong quả sẽ đạt hiệu quả cao. Cần lưu lý áp lực sâu cao nhất vào giai đoạn quả 1 tháng tuổi đến 2 tháng tuổi. Người trồng có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Bacilus thuringuensis var kurostaki, Spinosad, Chlorantraniliprole, Pyriproxyfen... theo khuyến cáo trên bao bì. Lưu ý, cần phun thuốc trừ sâu thật kỹ và ướt thật đều quả giai đoạn từ 1 - 2 tháng sau xả nhụy. Đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc để tránh dư lượng thuốc tốn dư trong quả sau này.
Theo Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Khánh Sơn, đối với bệnh xì mủ, khi thấy vết chảy nhựa thì dùng dao cạo bỏ hết phần bị thối nâu, sử dụng Fosetyl-aluminium, Metalaxyl... theo liều lượng khuyến cáo để bôi lên vết bệnh nhiều lần đến khi vết bệnh khô hẳn.