| Hotline: 0983.970.780

Ngành cao su phát triển bền vững

‘Mua láng giềng gần’ để phát triển bền vững

Thứ Tư 24/05/2023 , 06:15 (GMT+7)

Tham vấn, kết nối cộng đồng là một hoạt động đang được đẩy mạnh ở các công ty cao su trong và ngoài nước, nhằm thực hiện quản lý rừng bền vững.

Không còn mất mủ nhờ “mua láng giềng gần”

Bài liên quan

“Hiện nay, trên toàn hệ thống Công ty Cao su Phú Riềng gần như không còn xảy ra hiện tượng mất cắp mủ, cũng gần như không còn tình trạng người dân vứt rác thải vào các vườn cao su”, ông Trương Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng tự tin chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về hiệu quả từ công tác kết nối cộng đồng của công ty.

Mất mủ cao su là nỗi lo thường trực của các công ty cao su trong suốt mùa thu hoạch. Bởi vậy, việc Công ty Cao su Phú Riềng đã chấm dứt được tình trạng này là một điều rất đáng mừng, nhất là khi công ty đang đứng chân trên một địa bàn rộng ở các huyện Phú Riềng, Bù Đăng, Bù Gia Mập (Bình Phước) và Tuy Đức (Đắk Nông).

Có được kết quả như trên là nhờ công tác tham vấn, kết nối cộng đồng đã được Công ty Cao su Phú Riềng thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Cao su Phú Riềng là một trong những đơn vị được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao thực hiện thí điểm công tác tham vấn, kết nối cộng đồng mà nói như người xưa là “mua láng giềng gần”, theo quy trình trong “Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững” do Tập đoàn ban hành tháng 12/2020.

Những năm qua, Công ty Cao su Phú Riềng đã tổ chức định kỳ các buổi tham vấn cộng đồng với sự tham dự của chính quyền địa phương và những người dân có ảnh hưởng trong cộng đồng. Tại những buổi tham vấn, công ty lắng nghe, làm biên bản ghi lại các ý kiến, nguyện vọng của địa phương, của người dân.

Những mong muốn, nguyện vọng nào của địa phương, của người dân mà công ty có thể đáp ứng được thì tổ chức giải quyết ngay. Còn những mong muốn, nguyện vọng vượt quá khả năng của công ty thì công ty cũng sẽ giải thích để địa phương và bà con hiểu, có sự cảm thông. Từ đó, sự gắn kết của công ty với địa phương ngày càng chặt chẽ hơn.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Cao su Phú Riềng tham gia khám bệnh tình nguyện cho bà con vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Thanh Sơn.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Cao su Phú Riềng tham gia khám bệnh tình nguyện cho bà con vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Thanh Sơn.

Bên cạnh đó, Công ty Cao su Phú Riềng tiếp tục làm tốt các công tác an sinh xã hội vốn đã được công ty thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. Một trong những hoạt động nổi bật là hỗ trợ việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Công ty Cao su Phú Riềng là một trong những đơn vị thành viên của VRG có trong cơ cấu tổ chức một bệnh viện đa khoa. Bác sĩ Nguyễn Thanh Huế, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Cao su Phú Riềng, cho biết, do huyện Phú Riềng chưa có bệnh viện đa khoa, bệnh viện của Cao su Phú Riềng ngoài việc khám chữa bệnh cho cán bộ, công nhân của công ty, đang đảm nhiệm luôn cả việc khám chữa bệnh cho bà con trên địa bàn.

Đặc biệt, bệnh viện đã thành lập một đội thầy thuốc trẻ, tình nguyện tham gia các chương trình khám bệnh kết hợp cấp phát thuốc, tặng quà cho người dân tộc thiểu số, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Kết nối cộng đồng ở Campuchia

Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom nằm trên địa bàn có tình hình an ninh trật tự và chính trị khá phức tạp thuộc ba tỉnh Kampong Thom, Siêm Riệp, Preah Vihear (Campuchia). Điều kiện sinh hoạt và đi lại ở khu vực này rất khó khăn, một số đảng phái chính trị lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền kích động một bộ phận người dân Campuchia gây rối, phá hoại ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công ty.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom thăm hỏi công nhân người Campuchia. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom thăm hỏi công nhân người Campuchia. Ảnh: Thanh Sơn.

Trước tình hình đó, ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án trồng cao su tại khu vực này, Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom đã xác định quan hệ với chính quyền và nhân dân địa phương là mối quan tâm hàng đầu.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom, chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là chỗ nào dân đồng tình rồi thì chúng tôi mới làm, chỗ nào dân chưa đồng tình thì thôi. Những chỗ đã có thể triển khai dự án thì phải làm thật tốt để người dân sở tại thấy được hiệu quả và họ sẽ tự nguyện giao đất để công ty triển khai dự án”. Nhờ vậy, Chư Sê - Kampong Thom đã thực hiện thành công dự án trồng cao su ở Campuchia với tổng diện tích hơn 16 nghìn ha.

Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom đã cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhiều lao động Campuchia có việc làm ổn định. Ảnh: Thanh Sơn.

Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom đã cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhiều lao động Campuchia có việc làm ổn định. Ảnh: Thanh Sơn.

Như vậy, ngay từ khi mới đầu tư ở Campuchia, Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom đã thực hiện ngay kết nối cộng đồng, và công tác này được công ty duy trì liên tục cho đến nay.

Bên cạnh đó, công ty đã làm rất tốt các công tác an sinh xã hội. Cùng với chính quyền địa phương, công ty đã tạo điều kiện cho người lao động Campuchia có việc làm ổn định, từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội trên địa bàn và khu vực lân cận, tạo niềm tin trong người dân và chính quyền địa phương về mục tiêu mà dự án trồng cao su của công ty mang lại.

Từ năm 2010 đến 2022, Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom đã ủng hộ cho chính quyền địa phương ba tỉnh Kampong Thom, Siêm Riệp và Preah Vihear với số tiền trên 1,5 triệu USD. Mối quan hệ giữa công ty với chính quyền địa phương được thực hiện rất tốt, do đó những khó khăn dần được cải thiện. Có thể nói, dự án trồng cao su của công ty đã thực sự tạo được niềm tin đối với chính quyền và người dân về việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống, giảm bớt tình trạng du canh du cư của người dân và đã được chính quyền địa phương đánh giá cao.

Việc chăm lo đời sống cho công nhân người Campuchia được Công ty Chư Sê - Kampong Thom đặc biệt quan tâm. Đến năm 2022, công ty đã xây dựng 1.225 căn nhà ở cho công nhân với đầy đủ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như điện, nước, tổng giá trị 6,6 triệu USD. Công ty đã thực hiện xây dựng khu dân cư tập trung theo hướng nhà song lập, tuyển dụng công nhân vào ở lâu dài để ổn định sản xuất theo kích thước và kiểu mẫu Tập đoàn quy định.

Chính vì vậy, Công ty Cao su Chư Sê - Kampong Thom là 1 trong 3 đơn vị được VRG giao thực hiện thí điểm công tác tham vấn, kết nối cộng đồng tại Campuchia kể từ năm 2021 đến nay. Từ những thành công ban đầu của các công ty này, VRG đang đẩy mạnh nhân rộng tham vấn, kết nối cộng đồng trên đất nước Chùa tháp.

Bà Asisah Man, Điều phối viên của Oxfarm Campuchia (Oxfarm là tổ chức phi chính phủ đang hợp tác với VRG trong việc thúc đẩy chương trình phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm của Tập đoàn), cho biết, cả 3 công ty thực hiện thí điểm kết nối cộng đồng ở Campuchia đều đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững và kết nối cộng đồng nhằm xây dựng, thảo luận về các nội dung và đưa vào kế hoạch đầu tư hàng năm.

Trong thời gian qua, Công ty Chư Sê - Kampong Thom đã thực hiện trợ cấp thai sản, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ; bố trí khu vực cạo mủ cao su dễ tiếp cận, gần làng hơn cho nữ công nhân. Công ty Krông Buk - Ratanakiri đã đóng góp đồng tài trợ với các tổ chức phi chính phủ để thực hiện dự án rừng tự nhiên nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng bản địa và đa dạng sinh học trong khu vực. Ở Công ty Đồng Nai - Kratie, cơ chế báo cáo được thiết lập để nhân viên, người lao động và cộng đồng địa phương có thể đặt câu hỏi cho lãnh đạo công ty ...

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.