| Hotline: 0983.970.780

Ngành cao su phát triển bền vững

Xanh - sạch - đẹp: Tốt môi trường, giảm chi phí

Thứ Ba 23/05/2023 , 06:00 (GMT+7)

Phát triển bền vững không thể thiếu công tác bảo vệ môi trường. Nhiều công ty thành viên của VRG đang thực hiện các giải pháp sáng tạo, thiết thực cho công tác này.

Những cây chuối xanh tốt, trĩu quả ở khu vực xử lý nước thải của Nhà máy Trung Tâm, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Thanh Sơn.

Những cây chuối xanh tốt, trĩu quả ở khu vực xử lý nước thải của Nhà máy Trung Tâm, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Thanh Sơn.

Không mùi hôi ở nơi xử lý nước thải

Bài liên quan

Khi chúng tôi đến thăm Nhà máy Trung Tâm của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (huyện Phú Riềng, Bình Phước), lãnh đạo công ty không ngần ngại đưa chúng tôi tới xem hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.

Đó là hệ thống xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất. Vì sử dụng giải pháp sinh học, không dùng hóa chất nên hệ thống xử lý nước thải này không gây ra mùi hôi mà vẫn đảm bảo được nước xả thải luôn đạt cột A (được sử dụng để cấp nước sinh hoạt) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên.

Nước xả thải đạt chuẩn A nên ở bể cuối cùng trước khi xả thải, công nhân nhà máy còn tận dụng để nuôi cá và cá phát triển một cách bình thường. Xung quanh các bể xử lý nước thải, có nhiều loại cây ăn quả như chuối, ổi… đều xanh tốt. Đó là những minh chứng sống động về một hệ thống xử lý nước thải được vận hành tốt, không gây ô nhiễm môi trường. Bởi nếu hệ thống xử lý nước thải mà gây ô nhiễm môi trường, chắc chắn cây cối xung quanh không thể sinh trưởng và xanh tốt như vậy.

Cây cối xanh tốt ở khu vực xử lý nước thải của một nhà máy thuộc Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Cây cối xanh tốt ở khu vực xử lý nước thải của một nhà máy thuộc Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Khi tham quan hệ thống xử lý nước thải tại một nhà máy của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (thị xã Bình Long, Bình Phước), chúng tôi cũng không thấy mùi hôi dù khi ấy hệ thống đang liên tục tiếp nhận và xử lý nước thải từ các dây chuyền chế biến cao su. Tại khu vực xử lý nước thải, nhiều loại cây cũng phát triển xanh tốt như ở nhà máy của Công ty Cao su Phú Riềng.

Ông Phạm Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Bình Long, cho biết, công ty đã xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải tại hai xí nghiệp với công suất khoảng 2.000 m3/ngày đêm; lắp đặt 2 hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Phước. Nước xả thải ra môi trường luôn luôn đạt cột A, có thể xả thải vào nguồn tiếp nhận được sử dụng để cấp nước sinh hoạt.

Công ty Cao su Phú Riềng đang đẩy mạnh tái sử dụng nước thải trong sản xuất, cụ thể là dùng để rửa mủ tạp là một công đoạn tốn khá nhiều nước, qua đó giúp giảm đáng kể lượng nước sạch dùng trong sản xuất. Công ty Cao su Bình Long cũng đang thực hiện tái sử dụng nước thải sau xử lý (đạt gần 100%), qua đó, góp phần sản xuất sạch hơn, giảm chi phí sản xuất. Các chất thải rắn như vụn mủ cao su, rác thải nhựa… cũng được các công ty tích cực tái sử dụng.

Giảm phát thải bằng nhiều giải pháp thiết thực

Không chỉ xây dựng hệ thống xử lý nước thải không sử dụng hóa chất ở nhà máy, việc giảm sử dụng hóa chất đang được Công ty Cao su Phú Riềng áp dụng trong nhiều khâu sản xuất từ nông trường tới các nhà máy.

Theo ông Trương Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng, số lượng sử dụng hóa chất cho hoạt động sản xuất của các nông trường và 2 nhà máy của công ty trong năm 2022 đều thấp hơn kế hoạch đề ra.

Công ty đã áp dụng những giải pháp tiết kiệm hóa chất như: thực hiện giám sát và quản lý đúng định mức kỹ thuật của công ty trong hoạt động sản xuất; giảm lượng NH3 để bảo quản mủ từ nông trường về nhà máy; giảm lượng Acid acetic đánh đông mủ chén... Việc giảm sử dụng hóa chất của công ty không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp công ty tiết kiệm hơn 1,15 tỷ đồng trong năm 2022.

Hệ thống biến tần giúp tiết kiệm điện trong Nhà máy Trung tâm của Công ty Cao su Phú Riềng. Ảnh: Thanh Sơn.

Hệ thống biến tần giúp tiết kiệm điện trong Nhà máy Trung tâm của Công ty Cao su Phú Riềng. Ảnh: Thanh Sơn.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, các hoạt động tiết kiệm năng lượng điện, nước, khí gas luôn được Công ty Cao su Phú Riềng duy trì và chú trọng. Cụ thể, công ty đã đầu tư hệ thống biến tần để tiết kiệm điện trong nhà máy, tái sử dụng nước thải trong sản xuất, sử dụng lò hơi tải nhiệt dùng biomass thay thế cho LPG trong việc sấy mủ nguyên liệu, tuyên truyền cho người lao động tiết kiệm năng lượng... Những hoạt động này đã giúp công ty tiết kiệm hơn 1,38 tỷ đồng trong năm 2022.

Cũng trong năm qua, Công ty Cao su Phú Riềng đã chi hơn 1,9 tỷ đồng cho các hoạt động như vệ sinh môi trường và thu gom rác thải tại các tuyến đường chính, nơi phát sinh rác thải gần cộng đồng dân cư tại các đơn vị; biển báo tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cao su (bảo vệ động thực vật, phòng chống cháy rừng cao su)…

Việc thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực phát triển bền vững đã mang lại những hiệu ứng tích cực như nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không chỉ đối với cán bộ công nhân viên công ty mà còn cả đối với người dân sinh sống trong khu vực. Tạo nên cảnh quan, môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống.

Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn

Ở nhiều nhà máy chế biến mủ cao su, kinh tế tuần hoàn đang được đẩy mạnh để vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho công ty. Một trong những mô hình kinh tế tuần hoàn rất đáng chú ý là sử dụng bùn thải sinh học từ các hệ thống xử lý nước thải để sản xuất phân bón vi sinh.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó trưởng phòng Phòng Công nghiệp, Công ty Cao su Phú Riềng, cho hay, bùn thải sau khi xử lý được công ty thu gom rồi ủ thành bùn vi sinh bón cho cây cao su, với sản lượng khoảng 200 tấn/năm.

Bùn thải sinh học được sử dụng để nuôi trùn quế ở Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Bùn thải sinh học được sử dụng để nuôi trùn quế ở Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Công ty Cao su Bình Long cũng đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh từ công nghệ nuôi trùn quế với chi phí trên 2 tỷ đồng, công suất khoảng 700 tấn/năm. Theo đó, 100% bùn sinh học từ các hệ thống xử lý nước thải của công ty được dùng nuôi trùn quế và sản xuất chế phẩm sinh học thay cho phân vô cơ để bón cho vườn cây cao su.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó trưởng phòng Phòng Công nghiệp (Công ty Cao su Bình Long), chia sẻ, bùn thải từ dây chuyền chế biến mủ đã được phân tích cho thấy không gây nguy hại cho môi trường. Do đó, tận dụng được nguồn bùn thải này sẽ tạo ra chu trình sản xuất cao su khép kín theo hướng phát triển bền vững. Sản phẩm hữu cơ sinh học góp phần làm giảm mức sử dụng phân hóa học, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh, giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, nhờ đó bảo vệ được môi trường.

Quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ sinh học này có thể phổ biến áp dụng tại các đơn vị trong toàn ngành cao su, giúp tiết giảm được chi phí khá lớn trong việc xử lý bùn thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp giảm được chi phí phân bón sử dụng cho vườn cây cao su.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất