| Hotline: 0983.970.780

‘Vàng xanh’ từ những rừng nghèo

Mùa trẩu trên đại ngàn Trường Sơn

Thứ Hai 04/09/2023 , 09:55 (GMT+7)

Rừng trẩu mọc miên man từ chân dốc đến đỉnh đồi. Từng đoàn người vào rừng nhặt quả trẩu bán cho thương lái. Đồng bào giờ không còn chặt trẩu bán uống rượu nữa.

Mùa trẩu của bố Tây

Cuối tháng 8, quả trẩu đã chín đen và rụng khắp dưới đại ngàn Trường Sơn thuộc các xã phía bắc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Khi lũ vắt rừng chưa kịp tỉnh giấc, người người đã nô nức cơm đùm cơm nắm xuyên rừng nhặt quả trẩu. Những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều chỉ còn người già và trẻ nhỏ…

Ông Tây đã đi qua không biết bao nhiêu mùa trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Tây đã đi qua không biết bao nhiêu mùa trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Không còn sức đi nhặt trẩu trong rừng cùng 4 nhân khẩu trong nhà, sáng nay, ông Hồ Văn Tây, thôn Mã Lai - Pun, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) dẫn chúng tôi đi xem vườn trẩu 4 năm tuổi cách nhà chừng 1km. Ngửi thấy hơi người, lũ vắt từ dưới lớp cỏ ướt chui lên, bám vào chân, lên cánh tay của những vị khách không mời mà đến. Dưới ánh sáng mặt trời xuyên qua tán cây đã gần khép kín, vườn trẩu lấp ló những chùm quả xanh, nhăn nheo.

Ông Tây đi một vòng, nhặt những quả trẩu chín đen, rụng dưới chân rồi nói với chúng tôi: “Vườn này bố mới nhặt quả hôm qua. Cứ vài hôm lại nhặt một lần, đem về bóc vỏ, phơi một nắng, bán cho thương lái với giá 14 - 15 nghìn đồng/kg hạt trẩu. Có bao nhiêu, họ mua bấy nhiêu, kể cả hạt tươi họ cũng mua nhưng chỉ với giá 7 - 8 nghìn đồng/kg”.

Không chỉ gia đình ông Tây, mùa này, gần như toàn bộ người dân xã Hướng Phùng và nhiều xã phía bắc huyện Hướng Hóa đều vào rừng nhặt quả trẩu. Chưa bao giờ, ông Tây nghĩ quả trẩu rụng dưới đại ngàn Trường Sơn lại có thể giúp gia đình ông có của ăn của để, nuôi được 4 người con học đại học.

Trẩu là cây bản địa, mọc phân tán ở khắp mọi nơi thuộc các xã vùng miền núi huyện Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị). Có những cây trẩu tuổi đời lên đến 40 - 50 năm nhưng vẫn cho 300 - 400kg quả mỗi năm. Chỉ tiếc rằng, những cây trẩu như vậy hiện chỉ có ở những khu rừng già. Còn ở khu vực dân cư, hiện chủ yếu là những rừng trẩu mới trồng có tuổi đời trên dưới 10 năm.

Nhờ cây trẩu, ông Tây nuôi 4 người con học đại học. Ảnh: Võ Dũng.

Nhờ cây trẩu, ông Tây nuôi 4 người con học đại học. Ảnh: Võ Dũng.

“Ngày trước, bố cũng có mấy cây trẩu quanh nhà, hàng năm cho 3 - 4 tạ quả mỗi cây. Nhưng sau đó bố chặt đi vì trồng quanh nhà quả rụng xuống, bẩn. Hồi đó chưa nhiều người mua hạt trẩu như bây giờ nên nhiều nhà chặt lắm. Giờ mới thấy tiếc”, ông Tây tâm sự.

Giờ thì khác. Cây trẩu có mặt khắp mọi nơi ở vùng miền núi này. Con đường chính nối từ Quốc lộ 9 vào đến đèo Sa Mù (xã Hướng Phùng) dài hàng chục km, hai bên đều là trẩu mọc tự nhiên hoặc một số người dân trồng để lấy hạt. Trẩu được trồng phân tán, xen với cây rừng, trẩu được trồng tập trung ở một số vườn rừng của người dân. Nhà ông Tây cũng có gần 2ha trồng trẩu tập trung ở thôn Mã Lai – Pun, nay đã bắt đầu cho quả.

“Bố đang trồng cây cà gai leo nhưng cũng đã trồng xen trẩu để khi thu hoạch hết cà gai leo sẽ có quả trẩu, cho thu nhập. Vườn trẩu của bố nay đã cho quả bói, chưa nhiều nhưng vài năm nữa thôi sẽ rất nhiều quả. Cây trẩu cho thu hoạch quả vào các tháng 8, 9, 10 hàng năm. Ở đây, nhà ít nhân lực vào rừng thì mỗi mùa cũng bán được 8 - 10 triệu đồng tiền hạt trẩu. Nhà bố có 4 - 5 người đi nhặt, mỗi mùa cũng bán được hơn 20 triệu đồng. Có tiền bố mới nuôi được 4 người con học đại học”, ông Tây phấn khởi.

Cây trẩu tạo ra sinh kế cho đồng bào và giá trị phòng hộ rất hữu ích. Ảnh: Võ Dũng.

Cây trẩu tạo ra sinh kế cho đồng bào và giá trị phòng hộ rất hữu ích. Ảnh: Võ Dũng.

Không chỉ trồng trẩu, ông Tây còn vận động người dân trong thôn, trong xã trồng trẩu. Cây trẩu dễ trồng, đồng bào có thể lấy hạt tự ươm hoặc đi đào cây con về trồng. Chỉ 2 - 3 năm, cây trẩu đã khép tán và bắt đầu cho thu hoạch. Quả trẩu được thương lái vào tận các thôn bản thu mua với số lượng không giới hạn.

"Giờ thì đồng bào không chặt cây trẩu nữa"

Khoảng vài chục năm trước, ở vùng đất các xã phía bắc huyện Hướng Hóa vẫn còn rất nhiều cây trẩu cổ thụ. Nhưng thời điểm đó, hạt trẩu chưa được thương lái thu mua giá cao như bây giờ. Nhiều người đã chặt hạ những cây trẩu cổ thụ trên nương rẫy để bán gỗ. Giá mỗi cây trẩu hạ xuống cũng bằng cả 1 tấn gỗ keo bây giờ. Tiếc đứt ruột nhưng ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông không biết cách nào để ngăn cản.

“Đồng bào bảo bán để mua gạo, mua rượu. Mình đến thì họ đã chặt cây rồi. Tiếc lắm! Nhưng giờ thì không còn chuyện đáng buồn đó nữa”, ông Thình phấn khởi.

Thay vì chặt trẩu như trước đây, người dân các xã phía bắc huyện Hướng Hóa đã trồng trẩu để nhặt quả bán cho thương lái. Ảnh: Võ Dũng.

Thay vì chặt trẩu như trước đây, người dân các xã phía bắc huyện Hướng Hóa đã trồng trẩu để nhặt quả bán cho thương lái. Ảnh: Võ Dũng.

Bây giờ, ô tô có thể lên tận đỉnh Cu Vơ. Cây trẩu không những được trồng dưới những mép đồi, dọc đường đi mà còn lên tận những đỉnh đồi của vùng đất Hướng Hóa. Trẩu được trồng xen với những loại cây trồng khác. Ở đâu có cây trẩu, không khí trong lành hẳn. Bóng trẩu rộng và tạo ra lớp thực bì giữ nước dưới tán rừng. Vì thế, rừng nào có trẩu, hơn 10 năm nay chưa từng xẩy ra cháy rừng.

Chiều về, không khó để bắt gặp từng đoàn người từ trong rừng trẩu đi ra địu trên vai những gùi trẩu nặng trĩu.

Cả 5 nhân khẩu trong gia đình chị Hồ Thị Hưng tại thôn Cu Vơ 2, xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) đều ngày ngày vào rừng nhặt trẩu. Bình quân, một lao động mỗi ngày nhặt được khoảng 30kg hạt trẩu tươi (đã bóc vỏ). Về bán cho thương lái, tiền tươi thóc thật cũng được khoảng 200 nghìn đồng. Đó là thu nhập lớn đối với gia đình chị.

Ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông lái xe đưa chúng tôi chạy một vòng theo tuyến đường vành đai đã được nhựa hóa trên đỉnh đồi Cu Vơ. Đoạn, ông nhìn xa xăm kể: Những cánh rừng trẩu này đã được trồng hơn 30 năm nay theo các chương trình dự án 327, 661.

Không khó bắt gặp người dân vào rừng nhặt quả trẩu đem về bán cho thương lái. Ảnh: Võ Dũng.

Không khó bắt gặp người dân vào rừng nhặt quả trẩu đem về bán cho thương lái. Ảnh: Võ Dũng.

Mặc dù trẩu không được xếp vào cây lâm nghiệp chính nhưng từ xa xưa, người dân các xã phía bắc huyện Hướng Hóa đã ép hạt trẩu lấy dầu thắp sáng. Cây trẩu lại rất phù hợp với lập địa ở vùng đất này, nó góp phần tạo ra sinh kế cho người dân nên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã mạnh dạn đưa vào trồng xen với các loại cây bản địa khác.

“Riêng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông có 2,5 nghìn ha trẩu trồng phân tán. Cây trẩu tạo ra sinh kế cho đồng bào, giảm nguy cơ xâm lấn rừng. Những khu rừng có cây trẩu thì nguy cơ cháy rừng rất thấp bởi dầu trẩu chỉ có trong hạt, là cây thường xanh, giữ nước, giữ đất rất tốt, gia súc lại không ăn, phá cây trẩu. Cây trẩu cần một sự đối xử xứng đáng với những đóng góp của nó vào chức năng phòng hộ và tạo sinh kế cho đồng bào”, ông Thình chia sẻ.

Cây trẩu tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa được trồng xen canh với thông và sao đen. Ông Thình nhẩm tính, với 2,5 nghìn ha, chỉ cần mỗi ha có 200 cây cho quả mỗi năm, mỗi cây cho 2kg hạt thì sản lượng sẽ khoảng 1 nghìn tấn/năm, tương đương với số tiền 7 - 8 tỷ đồng mỗi năm.

Nhưng đó là sản lượng thấp nhất, khiêm tốn nhất ông Thình nhẩm tính. Ngoài diện tích này, cây trẩu còn mọc phân tán trên nương rẫy và được trồng tập trung ở một số diện tích đất sản xuất của người dân. Vì vậy, theo ông Thình, cây trẩu đã nuôi sống đồng bào trong thời gian 3 tháng của mỗi năm.

Cây trẩu cần được đối xử xứng đáng với giá trị nó mang lại. Ảnh: Võ Dũng.

Cây trẩu cần được đối xử xứng đáng với giá trị nó mang lại. Ảnh: Võ Dũng.

“Đầu xuân hoa trẩu nở trắng khắp các khu rừng và đến các tháng 8, 9, 10 quả trẩu rụng đầy dưới gốc. Lúc này, hầu hết lao động ở vùng phía bắc huyện Hướng Hóa đều vào rừng nhặt quả trẩu đem về bán. Lao động có việc làm trong vòng 3 tháng với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu lớn nên giờ đây người dân rất có ý thức bảo vệ rừng trẩu. Chúng tôi cho người dân vào rừng thu hoạch nhưng tuyên truyền nên bà con chỉ nhặt chứ không hái hay bẻ cành, chặt cây như trước đây nữa”, vẫn lời ông Thình.

Theo tính toán của ông Thình, rừng trẩu trồng thâm canh với mật độ 500 cây/ha là hợp lý nhất. Sau 3 năm trồng, trẩu ra quả bói, bình quân có thể đạt 5 tấn hạt/cây và đem về nguồn thu 30 - 40 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, ngoài chức năng phòng hộ, cây trẩu hoàn toàn có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo nếu được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thị trường tiêu thụ quả trẩu ngày càng lớn. Ảnh: Võ Dũng.

Thị trường tiêu thụ quả trẩu ngày càng lớn. Ảnh: Võ Dũng.

“Theo đánh giá của Dự án Jiaca Fa2, công thức trồng rừng phòng hộ gồm trẩu, thông, sao đen là một trong những mô hình bền vững hiện nay. Từ năm 2013 đến nay, giá hạt trẩu rất ổn định. Có thời điểm như năm 2022, giá hạt trẩu cao gấp 3 so với hạt cà phê. Dầu trẩu là vật liệu phủ bóng bề mặt gỗ rất được các nước trên thế giới ưa chuộng. Vì vậy, phát triển rừng trẩu là điều rất cần thiết hiện nay, đặc biệt là ở vùng đệm, nơi đồng bào có tập quán sống dựa vào rừng”, ông Bùi Văn Thình nói.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.