| Hotline: 0983.970.780

Mụn trứng cá tuổi dậy thì

Thứ Ba 26/01/2021 , 14:20 (GMT+7)

Trung bình mỗi tháng Khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khám và điều trị cho gần 500 trường hợp mụn trứng cá ở lứa tuổi dậy thì.

ThS.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP.HCM thăm khám cho một trường hợp xuất hiện mụn trứng cá lứa tuổi dậy thì. Ảnh: Nguyễn Thủy.

ThS.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP.HCM thăm khám cho một trường hợp xuất hiện mụn trứng cá lứa tuổi dậy thì. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiễm trùng, biến chứng vì tự sử dụng thuốc điều trị mụn không rõ nguồn gốc

Dẫn con đến khám tại Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM chị Nguyễn Thị Thanh Hương (ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết, con gái lớn của chị năm nay học lớp 7, bé bắt đầu xuất hiện mụn trứng cá trên mặt từ cuối năm học lớp 6.

Tuy nhiên, vì nghĩ là do tuổi dậy thì, một thời gian rồi sẽ hết, nhưng đến nay tình trạng mụn của bé không hết mà có phần tăng lên, nhất là những ngày gần đến kỳ kinh nguyệt. Sợ con tự ti với khuôn mặt nhiều mụn, chị Hương đã cho con đến khám da liễu với mong muốn cải thiện tình trạng, đồng thời để bác sĩ tư vấn cho bé biết cách chăm sóc da mặt.

Tương tự, chị Uyên Phương (ngụ quận 6) cũng dẫn cô con gái 16 tuổi đến khám mụn trứng cá tại Khoa Thẩm mỹ da. Tình trạng mụn của con gái chị Uyên Phương nặng hơn, nổi nhiều mụn bọc, có mủ. Theo chị chia sẻ thì con gái chị đã tìm hiểu trên mạng và mua rượu thoa lên vùng mụn với mong muốn mụn sẽ khô lại, bong chóc và hết. Thế nhưng, mới chỉ bôi rượu được hai lần thì da mặt con gái chị Uyên Phương bị kích ứng, đỏ, ngứa khắp mặt.

Trong khi đó, em Đ.T.Q (18 tuổi, ngụ quận Bình Tân) lại nghe lời mách của một người quen đi nặn mụn tại một spa nhỏ.

Ngay khi vừa nặn mụn, da mặt Q. sưng đỏ, nhưng được một kỹ thuật viên thoa một lớp kem dưỡng (không biết rõ nhãn hiệu – PV), đồng thời tư vấn để Q. mua loại kem đó bôi mỗi buổi tối. Sau vài ngày, da Q. được cải thiện, trông đẹp hơn.

Thế nhưng, vài tháng sau tình trạng da mặt lại mọc mụn nhiều hơn lúc ban đầu, lớp da mặt có biểu hiện mỏng hơn. Lúc này, Q. mới đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM và được các bác sĩ cho biết em bị viêm da tiếp xúc bởi kem (thuốc) bôi ngoài da có chứa hàm lượng corticoid.

ThS.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, mụn trứng cá là bệnh da phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên, chiếm khoảng 85%.

“Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng làm người bệnh mặc cảm, mất tự tin và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống.

Hằng năm, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khoảng 80.000 – 90.000 lượt người đến khám mụn trứng cá, chiếm tỷ lệ cao thứ 2 chỉ sau nhóm bệnh chàm.

“Trung bình mỗi tháng Khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khám và điều trị cho gần 500 trường hợp mụn trứng cá ở lứa tuổi dậy thì. Nhiều trường hợp bị đỏ, chảy nước viêm cấp tính do lột tẩy nhiều.

Nhiều trường hợp dùng lột tẩy bằng thuốc rượu, tuy nhiên không hiểu được tác hại của nó. Chính như vậy sẽ làm da bị bào mòn, gây kích ứng, viêm cấp đỏ, chảy nước hoặc vô tình làm vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng da bị mỏng. Đối với tình trạng đó, phục hồi rất chậm, kết quả mang lại không nhiều.

Có trường hợp đắp mặt nạ bằng rau củ hoặc dùng tảo biển tự chà trên da mặt. Trên làn da thường không có tình trạng viêm thì chúng ta có thể áp dụng được phương pháp làm đẹp tự nhiên.

Tuy nhiên, đối với tình trạng da mụn là da đang viêm, nếu như kích hoạt chất đó vô tình sẽ làm tình trạng viêm nhiều hơn, gây đỏ, mủ nhiều hơn và có thể gây tình trạng viêm mãn tính, khiến da bệnh nhân trở lên nhạy cảm”, bác sĩ Lê Thảo Hiền nói.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá tuổi dậy thì

Mụn trứng cá được hình thành khi lỗ nang lông trên da bị bít tắc do chất bã nhờn tiết ra nhiều. Điều này xảy ra khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì, cơ thể phát triển mạnh khiến tình trạng tăng sản xuất một số hormone sinh dục làm cho các tuyết bã phình to, tiết ra nhiều chất bã nhờn, đặc biệt vùng mặt, cổ, ngực, lưng.

“Đối với những bé có làn da dầu thì sự tăng tiết này sẽ gây ra tình trạng bít tắc ở trong nang lông, lâu dần tạo ra nhân mụn trứng cá. Quá trình tăng sừng hóa đoạn cổ nang lông cũng là một yếu tố làm hạn chế sự thoát chất bã, gia tăng thêm sự bít tắc ở nang lông gây ra tình trạng mụn trứng cá”, bác sĩ Lê Thảo Hiền chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Lê Thảo Hiền, ở lứa tuổi 10-12, ban đầu trẻ thường thấy xuất hiện những nhân mụn trứng cá đóng, trứng cá mỡ hay còn gọi là mụn đầu trắng, mụn đầu đen trên da. Đối với nam giới tuổi dậy thì, chất estrogen nhiều hơn nữ giới tuổi dậy thì nên tăng sinh bã nhờn gây viêm nhiều hơn, xuất hiện nhiều mụn bọc đỏ, mủ...

Mặt khác, nguyên nhân chủ quan khác cũng khiến trẻ nổi mụn như ý thức vệ sinh, chăm sóc da chưa tốt, chưa đúng cách; sử dụng mỹ phẩm không phù hợp; tâm lý trẻ dậy thì hay ngại ngùng, không chịu đi khám hoặc cha mẹ xem trứng cá như là một chuyện bình thường của tuổi dậy thì, không cần phải chú trọng chuyện chăm sóc và điều trị do vậy không đưa con đi khám hoặc đi khám muộn

“Những yếu tố làm kích thích tuyến bã nhờn như thức khuya, ăn đồ béo ngọt khiến tình trạng mụn nhiều hơn”, bác sĩ Lê Thảo Hiền nói.

Điều trị

Để điều trị mụn trứng cá phải chú ý đến 4 yếu tố gồm tăng sản xuất chất bã nhờn, tăng sừng hóa nang lông, hoạt động của vi khuẩn và quá trình viêm. Trong quá trình điều trị, thanh thiếu niên cần được tư vấn về mụn trứng cá và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Mụn trứng cá có thể phân ra 3 mức độ gồm nhẹ, trung bình và nặng để có các cách điều trị khác nhau. Mụn trứng cá nhẹ gồm một vài mụn đầu trắng, mụn đầu đen; mụn trứng cá trung bình gồm nhiều mụn đầu trắng, mụn đầu đen đồng thời có thêm sẩn, mụn mủ; mụn trứng cá nặng gồm nhiều mụn mủ, nang, nốt, sẹo.

- Đối với mụn trứng cá nhẹ: có thể tự điều trị tại nhà bằng cách rửa nhẹ nhàng vùng mặt bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ 2 lần/ngày để loại bỏ tế bào chết và chất bã nhờn. Đồng thời, có thể dùng một loại thuốc bôi điều trị mụn không kê toa chứa benzoyl peroxide hay salicylic acid.

Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà cần kiên trì, phải cần 4 - 8 tuần mới thấy có kết quả giảm mụn. Khi tình trạng mụn thuyên giảm, hoặc hết mụn cần tiếp tục điều trị để phòng ngừa mụn mới xuất hiện. Trong trường hợp, mụn vẫn không hết thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn điều trị.

Cơ chế của mụn trứng cá.

Cơ chế của mụn trứng cá.

- Mụn trứng cá trung bình: Cần kết hợp hai hoặc nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả tránh tình trạng để lại sẹo như điều trị bằng phương pháp vật lý (sử dụng ánh sáng) hoặc theo chỉ định của bác sĩ da liễu khi sử thuốc bôi retinoids, kháng sinh bôi/uống…

- Mụn trứng cá nặng: Cần phải được chỉ định điều trị tích cực và được theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa Da Liễu. Sẽ tùy thuộc vào mức độ mụn và cơ địa của mỗi người, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Có thể tiểu phẫu và dẫn lưu những nang mụn to, sâu dưới da. Hoặc tiêm corticosteroid vào trong thương tổn khi các nang mụn trở nên viêm nhiều. Đối với trường hợp mụn nang và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác thì có thể sử dụng Isotretinoin…

“Điều trị mụn trứng cá cần phải kiên trì và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả mong muốn. Nhìn chung, cần khoảng 6 – 8 tuần mới bắt đầu thấy hiệu quả và tổng thời gian điều trị có thể kéo dài nhiều tháng.

Sau thời gian điều trị, thì việc điều trị duy trì để tránh mụn trứng cá tái phát là điều cần thiết. Do vậy, phụ huynh cần theo dõi và hướng dẫn trẻ kiên nhẫn, tuân thủ theo hướng dẫn bác sĩ điều trị”, bác sĩ Lê Thảo Hiền khuyến cáo.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Hiền, các bạn trẻ không nên tự mua thuốc điều trị trên mạng, hoặc nghe người khác mách bảo về một phương pháp hiệu quả nào đó. Bởi, mỗi người có một cơ địa khác nhau, trong khi đó thuốc bôi/thuốc uống… không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định bác sĩ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Việc tự ý nặn mụn, lễ, hút mụn cũng khiến cho việc điều trị trở lên khó khăn hơn, hoặc gây biến chứng sẹo, có thể là sẹo vĩnh viễn. Do đó, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để nhân viên y tế thực hiện vô khuẩn khi lấy nhân mụn.

Nhân viên y tế chăm sóc da mặt tại Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhân viên y tế chăm sóc da mặt tại Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chăm sóc da

Ngoài việc điều trị bằng những loại thuốc chuyên biệt thì việc chăm sóc da mụn hay da nhờn, chế độ ăn uống vô cùng quan trọng, không những cải thiện tình trạng da, giúp da cân bằng hàng rào bảo vệ, da khỏe mạnh lâu dài mà còn phòng ngừa mụn trứng cá tái phát.

Nên rửa mặt là 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối hoặc sau khi ra mồ hôi. Đặc biệt, rửa mặt và những vùng da có khuynh hướng bị mụn bằng những sữa rửa mặt phù hợp với từng loại da để làm sạch nhờn, dịu nhẹ, không chứa cồn. Sau đó, dùng nước ấm (không phải nước nóng) tạo bọt, sử dụng các ngón tay xoa nhẹ nhàng để rửa sạch da mụn bằng nước và các sản phẩm làm sạch. Tránh tình trạng chà xát lên da sẽ gây kích ứng và làm mụn nặng hơn.

Đặc biệt, lưu ý khi đang sử dụng thuốc có chất retinoids làm cho da nhạy cảm hơn cần tránh nắng bằng cách đeo khẩu trang, đội nón, sử dụng kem chống nắng (cho da nhờn).

Bên cạnh đó, cần có chế độ sinh hoạt học tập hợp lý, không thức quá 10h tối. Hạn chế thức ăn ngọt, béo (như chè, bánh ngọt, xoài, sầu riêng, xôi nếp, trà sữa… Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước và sữa tươi không đường, tập thể dụng đều đặn để có làn da khỏe mạnh.

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm