| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh bằng trái cây Việt bên Hà Khẩu

Thứ Năm 24/10/2019 , 08:38 (GMT+7)

Bên kia biên giới với Lào Cai, tại Hà Khẩu (Trung Quốc), người ta có thể kiếm sống chỉ bằng bán một vài loại trái cây Việt.

Bán hoa quả Việt tại Hà Khẩu, Trung Quốc. Ảnh: KT

Sáng sớm, chen lẫn những khách du lịch là những người dân địa phương tới Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai làm thủ tục xuất cảnh để kịp giờ sang Hà Khẩu (Trung Quốc) làm việc. Trong số đó, có người đi bán hàng thuê, người sang chạy chợ, làm quân cửu - bốc xếp, đẩy xe hàng…

Chỉ mất vài phút đi bộ từ Lào Cai qua cầu Kiều và đặt chân sang Hà Khẩu là coi như bạn đã xuất ngoại. Thủ tục nhập cảnh ở đây chặt chẽ và hiện đại khi mỗi người qua đều phải lấy dấu vân tay bằng máy, quét camera nhận dạng.

Ở Hà Khẩu, có lẽ bạn không phải quá lo lắng vì không biết nói tiếng Trung Quốc bởi nhiều biển hiệu cửa hàng, kể cả những biển chỉ dẫn đều có dòng chữ tiếng Việt bên dưới. Nhiều biển hiệu còn đề sẵn số điện thoại liên hệ qua Zalo hay Wechat, QQchat để tiện cho việc giao dịch, buôn bán. Còn Facebook gần như không có đất “dụng võ” và cũng khó truy cập.

Đặc biệt là nhiều người Việt sang đây bán hàng thuê, do vậy để mua một món hàng nào đó không khó khăn kể cả việc mặc cả. Ngoài ra, bạn cũng không phải băn khoăn khi chưa kịp đổi nhân dân tệ (CNY) bởi nếu mua một vài món giá trị nhỏ, hoặc đồ uống thì chủ hàng sẵn sàng chấp thuận nhận tiền đồng (VND).

Cách khu phố bán buôn không xa là chợ Sẻo Cái, khu chợ này nổi tiếng một thời vì là nơi để nhập trứng gà Trung Quốc. Chợ nay đã xuống cấp phần nào nhưng vẫn là nơi buôn bán quen thuộc của không ít người Việt. Có vài ba cửa hàng của người Việt bán bánh cuốn, đồ khô, rau, hoa quả ở đây khá đông khách.

Nhiều cửa hàng biển hiệu gồm cả tiếng Trung và tiếng Việt ở Hà Khẩu.

Cửa hàng hoa quả của chị Nguyễn Thị Quế (quê Vĩnh Phúc) thuê hơn một năm nay nằm sát chợ Sẻo Cái. Từ ngày dẹp bỏ hàng rong, chợ Sẻo Cái trông sạch sẽ, quy củ hơn nhưng khách tới mua hoa quả ở cửa hàng chị ít hơn trước. Song khách quen ăn hàng nhà chị thì đều quay lại mua, và họ là những cư dân sinh sống ở đây đã lâu.

Cửa hàng chị Quế có nhãn, chuối, dưa hấu, chanh leo, xoài, tất cả đều được mua ở Lào Cai mang sang.

Chuối được chị Quế bán với giá 4 tệ/kg (khoảng 13 nghìn đồng); chanh leo 7-8 tệ/kg (23-26 nghìn đồng); xoài 8-10 tệ/kg (26-32 nghìn đồng) tùy loại và dưa hấu là 4-5 tệ/kg (13-16 nghìn đồng). Giá các loại trái cây này khá cao so với mua ở Lào Cai và tất cả đều được cân lên để tính tiền mà theo chị Quế không riêng gì hoa quả, trứng gà cũng được tính tiền bằng cách như vậy.

Chị Quế cho biết, Trung Quốc trái gì cũng có nhưng họ vẫn thích hoa quả của mình hơn đặc biệt là chuối người ta ăn nhiều nên rất dễ bán dù mới vừa qua rằm. Chuối Trung Quốc quả to nhưng ăn có vị chua không ngon như của mình. Còn xoài Trung Quốc ăn vào hay khé cổ nên xoài miền Nam nước ta rất được ưa chuộng.

Chị Quế không có điều kiện được học hành đầy đủ nhưng việc giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc đối với chị chỉ là chuyện nhỏ và hầu như ai buôn bán ở Hà Khẩu cũng đều biết chút ít tiếng Trung Quốc. Chị vừa nói chuyện vừa bán hàng, trong chốc lát 1 yến chanh leo và dăm nải chuối đã bán hết. Chanh leo được chị giảm giá cho đôi vợ chồng già còn 6 tệ/kg vì họ là khách quen lại mua nhiều.

Với thu nhập từ cửa hàng trái cây này, trừ chi phí thuê cửa hàng 2.000 tệ/tháng (khoảng 6,6 triệu đồng), tiền vệ sinh và thuế chợ khoảng 150 tệ/tháng (khoảng 500 nghìn đồng) chị Quế được khoảng 400-500 nghìn đồng mỗi ngày.

Số tiền chị Quế kiếm được với số tiền chồng chị chạy xe ôm ở Lào Cai cũng đủ trang trải thuê nhà trọ, sinh hoạt gia đình và nuôi 2 đứa con trong đó 1 cháu đang điều trị bệnh không đi lại được.

Nhiều người Việt buôn bán nông sản ở Hà Khẩu (Trung Quốc).

Cũng như chị Quế, bà Lao Thị Kim (Quang Kim, Bát Xát, Lào Cai) cũng chạy chợ bên Hà Khẩu. Ngoài trái cây trồng vườn nhà, và thu mua được của người dân xung quanh, kể cả những loại rau rừng như rau tập tàng, rau rớn… bà Kim đều mang sang Hà Khẩu để bán. Bà cho biết, có nhiều loại trước đây chỉ là rau cỏ, hoa quả dại thì giờ lại thành đặc sản, bán được giá cao, người biết mới dám chi tiền mua.

Câu chuyện trên chỉ là một trong số những bằng chứng cho thấy sức sống của trái cây Việt ở bên kia biên giới, mà trong đó người ta có thể mưu sinh dựa vào bán những trái cây thuần Việt.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.