AFP hôm qua dẫn lời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại thành phố Trabzon bên bờ Biển Đen chỉ trích quyết định áp đặt thuế nhập khẩu rất nặng lên mặt hàng thép nước này của chính phủ Mỹ. Theo ông Erdogan, mục đích hành động này của Wasghington là bao vây, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đầu hàng trên mọi phương diện, từ thương mại tới chính trị.
Quan hệ giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển từ đối tác sang đối thủ do những bất đồng về chính trị |
“Một lần nữa chúng ta lại đối diện cuộc tấn công hiểm độc về chính trị. Ơn chúa! Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua”-ông Erdogan tuyên bố.
Hồi cuối tuần trước, trị giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá kỷ lục tới 20% sau khi Mỹ áp đặt mức thuế suất 20% với mặt hàng nhôm và 50% với mặt hàng thép của nước này. Quyết định của Mỹ khiến không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà các nước khác liên quan cũng choáng váng.
Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi từ vài năm trở lại đây, chủ yếu do những mâu thuẫn quanh vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với việc Mỹ tỏ ra “nhẹ tay” trong việc can thiệp vào Syria, cũng như hỗ trợ cho lực lượng người Kurd ở đây. Cho tới khi xảy ra cuộc đảo chính do quân đội đứng sau nhằm lật đổ ông Erdogan thì mâu thuẫn giữa đôi bên đã bung ra, chứ không còn giữ được dù chỉ là “bằng mặt, không bằng lòng” như trước. Thổ Nhĩ Kỳ tin Mỹ đứng sau vụ việc này.
Tình hình càng tệ hơn sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền thay người tiền nhiệm Barack Obama. Ankara đã công khai quay sang quan hệ với Nga, Trung Quốc và Iran. AFP cho biết quyết định đánh thuế nhập khẩu lên 2 mặt hàng nhôm, thép Thổ Nhĩ Kỳ vì vậy không đơn thuần chỉ là đòn tấn công thương mại.
Theo AFP, Mỹ trước đó đã yêu cầu Ankara trả tự do cho mục sư Andrew Craig Brunson, người bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính quân sự năm 2016 và làm gián điệp. Tuy nhiên, Ankara bác bỏ yêu cầu trên. Theo tiết lộ của Tổng thống Erdogan, Mỹ đã tiếp tục đưa ra yêu cầu trả tự do cho ông Brunson hồi 6h chiều ngày Thứ Tư 8/8, và đòn tăng thuế được đưa ra gần như ngay sau đó. “Chúng ta buộc phải nói lời “tạm biệt” với kẻ hy sinh quan hệ đối tác chiến lược, đồng minh hơn nửa thế kỷ với một đất nước 81 triệu dân bằng việc bắt tay với những kẻ khủng bố. Các người (Mỹ) dám hy sinh 81 triệu dân (Thổ Nhĩ Kỳ) cho một linh mục quan hệ với khủng bố?”-ông Erdogan tuyên bố.
Chao đảo
Giá trị đồng lira hôm qua tiếp tục rớt giá, bất chấp việc Bộ trưởng Tài chính, đồng thời cũng là con rể ông Erdogan, Berat Albayrak cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những điều chỉnh.
Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak đang trong cơn đau đầu trước tình trạng bất ổn của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ do lệnh trừng phạt của Mỹ tạo nên |
Giới phân tích đánh giá, điều này xuất phát từ việc ông Erdogan, với việc đang cực mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sử dụng quyền năng của mình để can thiệp vào tình hình tài chính. Những biến động ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho thị trường tài chính châu Á và châu Âu đều bị “rung lắc” theo. Không như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang là thành viên NATO, có quan hệ với cả 2 lục địa Á, Âu.
Thực tế từ đầu năm nay, giá trị đồng lira đã giảm tới 45% so với đồng USD. Không như Iran, quan hệ làm ăn của Thổ Nhĩ Kỳ với các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này gây quan ngại tới khả năng trả khoản 350 tỉ USD các thực thể tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ nợ nước ngoài. Trong số này theo DW, các ngân hàng Tây Ban Nha chiếm 83,3 tỉ USD, Pháp là 38,4 tỉ USD và ngân hàng Ý ít hơn cũng 17 tỉ USD.
Vụ việc của mục sư Brunson chỉ là một điểm đen trong bức tranh quan hệ màu xám giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay. Chính trị mới là yếu tố chính khiến cho lệnh áp thuế của ông Trump lên Thổ Nhĩ Kỳ gây tác động mạnh như vậy, khiến cho cả hai thị trường Á-Âu đều phải phấp phỏng.