10 ngày cuối tháng 8/2017, tôi liên tục có những "lần đầu tiên" không thể quên khi một mình sang Kuala Lumpur, hội quân cùng đồng nghiệp đưa tin SEA Games 29. Lần đầu sử dụng hộ chiếu, lần đầu bay quốc tế, lần đầu tác nghiệp ở nước ngoài và lần đầu đến Malaysia.
Sau khi xuống sân bay Kuala Lumpur, nhờ sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện viên SEA Games, các thủ tục nhập cảnh và nhận thẻ tác nghiệp được thực hiện nhanh chóng.
Trên quãng đường 60km từ sân bay về trung tâm thành phố, cảm nhận ban đầu về Kuala Lumpur là sự pha trộn, đan xen. Những ngày sau đó, cảm nhận đó ngày càng rõ rệt hơn, từ con người, tôn giáo cho đến ẩm thực…
Thành phố đa sắc
Theo thông tin về Malaysia, 2 sắc tộc chính của quốc gia này gồm 50,1% người Mã Lai và 22,6% người Hoa. Tôn giáo cũng do đó mà tập trung vào đạo Hồi và đạo Phật, tương đương 61,3% và 19,8%, ngoài ra còn một phần Cơ đốc giáo và Ấn Độ giáo. Những yếu tố khác của đời sống cũng vì vậy mà xoay quanh các thái cực này.
Khách sạn Mandarin Pacific, nằm ở quận trung tâm của Kuala Lumpur. Biển hiệu thể hiện ngay sự pha trộn của thành phố, trên tiếng Anh, dưới tiếng Trung. Chúng tôi ở đây. Chủ khách sạn người Hoa nhưng nhân viên toàn người Mã. Tòa nhà được xây theo phong cách Hong Kong những năm 2000. Hành lang hẹp. Tối, trải thảm sẫm màu.
Nằm ở rìa phố người Hoa, Mandarin Pacific được bao quanh bởi nhiều công trình tôn giáo. Mỗi buổi sáng, từ đây có thể nghe được cả tiếng cầu nguyện từ nhà thờ Hồi giáo lẫn tiếng tụng kinh phát ra từ radio trong các chùa, đền.
Dưới chân khách sạn, ngay bên phải là những dãy nhà phố 2 tầng mang dấu ấn kiến trúc còn lại của thời kỳ thuộc địa, chuyên bán đồ điện tử, quán cà phê và các cửa hàng tiện lợi. Bên trái lại là phố người Hoa với đèn lồng đỏ, ngói âm dương xanh và khu chợ đêm Jalan Petaling nổi tiếng chuyên bán đồ lưu niệm và quần áo.
Khu chợ này nằm dọc trên con phố cùng tên, dài khoảng 300m, có mái che trên cao giúp du khách có thể yên tâm tham quan mà không sợ mưa nắng. Ngay phía dưới mái che là những dây đèn lồng đỏ được treo theo thành từng hàng ngang từ đầu đến cuối phố.
Jalan Petaling ban ngày là đường đi còn ban đêm biến thành nơi bày các sạp hàng, cách sắp xếp giống như phố đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào ở Hà Nội. Có một điều đặc biệt là đa số các sạp hàng trong chợ đêm ở phố người Hoa lại do người Mã Lai đứng bán.
Ẩm thực Kuala Lumpur rất đa dạng. Trên các dãy phố của thủ đô Malaysia luôn có rất nhiều lựa chọn, đồ Trung Quốc nhiều dầu mỡ, đồ ăn truyền thống của người Mã, hay các món mang hơi thở Ấn Độ - cà ri. Sự pha trộn này sẽ thật thú vị nếu không có một điểm chung: Khó ăn với người Việt.
Việc ăn uống làm sao để đủ sức chạy đua trong sự kiện tầm cỡ như SEA Games với hàng chục môn thi đấu mỗi ngày không hề đơn giản.
Câu nói "Có thực mới vực được đạo" rất đúng trong trường hợp này. Chuyện ăn uống của phóng viên Việt Nam tại SEA Games 29 bởi thế mà dở khóc dở cười, lúc kè kè nửa vali mỳ tôm, khi lao vào bếp làm thay việc của nhà hàng.
Nửa vali "bữa sáng quốc dân"
Với các phóng viên sang Malaysia ở giai đoạn 2 của sự kiện, ngoài nhiệm vụ chính đưa tin SEA Games, còn có trách nhiệm tiếp tế lương thực cho đồng nghiệp. Lên máy bay, nửa vali của tôi lèn chặt mỳ tôm, chưa kể thêm ít lương khô xách tay.
Lương khô thường được nhét vào ba lô mỗi buổi sáng, đề phòng không kịp ăn trưa, vẫn có thể ngồi nhà thi đấu cắn vài miếng, chiêu ngụm nước lọc. Mỳ tôm nấu với trứng, xúc xích mua ở cửa hàng tiện lợi thì trở thành món khoái khẩu, nhưng chỉ có thể ăn vào cuối ngày. Thế rồi mỳ tôm cũng hết.
Khách sạn nằm ở phố người Hoa nên đồ ăn Trung Quốc là lựa chọn tối ưu đối với chúng tôi. Vì không biết tiếng Trung nên đành nhìn hình đoán món. Có lần, mấy anh em khấp khởi nghĩ sắp được ăn thịt kho tàu, nhưng nhân viên lại đem ra đĩa củ cải sốt ớt. Rất cay, nhưng vẫn phải ăn. Vừa ăn vừa uống nước.
Cay, nóng là thế, nhưng muốn giải nhiệt cũng khó. Người bản địa không ăn rau luộc, thay vào đó là xào hoặc đảo qua với dầu hào. Khi chủ quán đã quen mặt, chúng tôi mới dám trình bày nguyện vọng về một đĩa bắp cải luộc. Bằng ngôn ngữ cơ thể, vì ông chủ cũng không thạo tiếng Anh.
Đĩa bắp cải xanh mướt bốc khói nghi ngút được bê ra, ai cũng mừng. Nhưng niềm vui chưa trọn. Không hiểu do thói quen hay trình độ diễn đạt của các phóng viên kém, đầu bếp vẫn thêm dầu ăn vào nước để luộc rau.
Những gương mặt hụt hẫng càng thêm "nghẹn lời" khi ông chủ nói bằng tiếng Anh lơ lớ: "Không có dầu thì làm sao ăn được". Cố vớt vát hỏi xem còn nước luộc rau không, ông chủ thản nhiên: "Đổ đi rồi".
Hôm sau, không để "nghẹn" thêm lần nữa, một phóng viên "có tuổi" mạnh dạn cầm nửa cái bắp cải từ quầy vào bếp, trình diễn món rau luộc trước mấy đầu bếp người Hoa.
Bữa cơm có rau, có nước luộc, dễ chịu hơn hẳn. Đến ngày về, tuy loại rau có thay đổi, nhưng món luộc hôm nào cũng có.
Kuala Lumpur hồi SEA Games 2017, giờ trưa rất dễ bắt gặp các tình nguyện viên theo đạo Hồi ngồi ăn ở lành lang của các nhà thi đấu. Họ ăn bằng tay và đa số các món đều nấu với cà ri, trông rất ngon miệng.
Tò mò, cũng có lần mấy anh em định vào quán đồ Ấn để đổi gió vì cả tuần "chịu đựng" món Trung Quốc nhiều dầu mỡ. Nhưng mới đến cửa đã phải quay ra. Mùi cà ri. Ngửi gần mới thấy, so với cà ri, đồ ăn Trung Quốc còn dễ chịu hơn rất nhiều.
Bia ở Malaysia rất đắt. Nếu ở Việt Nam chỉ hơn 10.000 đồng đã có một lon bia, sang nước bạn giá gấp 7 - 8 lần. Người bản địa thường dùng cốc thủy tinh, chỉ cao khoảng 5cm để uống bia chứ không dùng cốc vại như ở ta.
Vừa do bia đắt, vừa cần tỉnh táo để làm việc, chúng tôi ít uống bia dù rất thèm. Cơn thèm chỉ kết thúc vào đúng ngày bế mạc SEA Games, với một bữa ăn bình dân đầy sảng khoái.
Tối đó, bài vở xong xuôi, độ chục phóng viên của mấy báo kéo nhau vào một quán ăn Trung Quốc, gần Sân vận động Quốc gia Bukit Jalil. Ngoài thịt thà, rau củ, điểm nhấn của bữa ăn là 2 két bia đặt góc bàn.
Trên tay mỗi người một vại, chúng tôi cụng ly như đang ở một quán bia hơi nào đó tại Hà Nội. Xung quanh, thực khách bản địa nhìn với vẻ ngỡ ngàng.